Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm, hay còn gọi là khám sức khỏe tổng quát, hiện vẫn chưa được nhiều người quan tâm, nhất là khám sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao.
Sức khỏe của người lao động đóng vai trò quan trọng quyết định tiến độ, năng suất làm việc. Tuy nhiên vì nhiều lý do, đa phần người lao động chọn giải pháp hỏi “bác sỹ google” khi cơ thể có dấu hiệu bất thường. Đặc biệt việc đi khám sàng lọc lao chủ động hầu như rất ít được người lao động chú ý. Trong khi đó việc khám sức khỏe, sàng lọc lao chủ động có ý nghĩa rất lớn không chỉ với người lao động mà với cộng đồng.
Mới đây, tại Khánh Hòa, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, Công đoàn Khu kinh tế - Khu công nghiệp tổ chức khám sàng lọc phát hiện bệnh lao chủ động cho công nhân lao động làm việc ở Khu công nghiệp Suối Dầu. Tại 11 doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc, đồ gỗ, cơ khí, chế biến thủy sản… các y bác sĩ đã thực hiện thăm khám, chụp X-quang phổi, lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn sức khỏe cho 5.316 công nhân. Qua khám sàng lọc và áp dụng các phương pháp, kỹ thuật tiên tiến để chẩn đoán theo hình thức 2X (X-quang, Xpert) đã phát hiện 101 trường hợp bất thường. Các bác sĩ đã chỉ định xét nghiệm 100 trường hợp.
Kết quả 91 trường hợp xét nghiệm nhanh có 7 trường hợp dương tính với vi khuẩn lao, 9 trường hợp xét nghiệm theo phương pháp GeneXpert có kết quả âm tính. Các trường hợp được tư vấn khám lại tại bệnh viện để hội chẩn theo quy trình. Việc sàng lọc phát hiện lao cũng giúp phát hiện nhiều trường hợp công nhân lao động đã nhiễm Covid-19 có dấu hiệu tổn thương phổi với dấu hiệu chủ yếu là mờ xơ và vôi hóa.
Rõ ràng hiệu quả từ việc khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc lao chủ động cho công nhân đem lại hiệu quả lớn. Hiện các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất là các địa bàn tập trung đông công nhân lao động, song việc khám bệnh, chữa bệnh còn hạn chế nên ảnh hưởng lớn đến nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của công nhân lao động.
Ngoài tác động, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, bệnh lao còn gây thiệt hại cho nền kinh tế bởi các chi phí chữa bệnh và sự vắng mặt của người lao động bị nhiễm bệnh không tạo ra năng suất lao động trong thời gian điều trị. Vì vậy các doanh nghiệp cải thiện sức khỏe, sự an toàn của người lao động và chuỗi cung ứng của mình bằng cách nâng cao nhận thức về bệnh lao, tăng khả năng tiếp cận, phòng ngừa, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị bệnh lao; cải thiện năng suất và giảm chi phí liên quan đến sức khỏe chăm sóc, luân chuyển nhân viên và sự vắng mặt.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đảm bảo các cam kết giải quyết bệnh lao là ưu tiên tại các khu vực có gánh nặng bệnh lao cao và trong các ngành có nguy cơ mắc bệnh lao cao. Doanh nghiệp cần đảm bảo được khả năng tiếp cận hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ để tạo điều kiện triển khai các chương trình nâng cao nhận thức, phòng ngừa, phát hiện, điều trị bệnh lao cho lực lượng lao động của doanh nghiệp mình.
Một số ý kiến cho rằng, nên phát động chương trình “Cam kết phòng, chống lao: Sáng kiến về trách nhiệm xã hội tại nơi làm việc và doanh nghiệp” với sự chỉ đạo, kết hợp của Bộ Y tế và Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao. Cần thu hút nhiều công ty để truyền thông nhận thức về bệnh lao, đào tạo các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tăng cường các phương tiện chẩn đoán, thúc đẩy tích cực tìm kiếm ca bệnh, hỗ trợ các chương trình điều trị bệnh lao dựa trên kết quả và tăng khả năng tiếp cận điều trị bệnh lao cho nhân viên và cộng đồng. Dựa trên cam kết đó, các doanh nghiệp thiết kế các chương trình phòng, chống bệnh lao cho người lao động bằng các nguồn lực tài chính, nhân lực tự có tại địa phương nơi công ty đăng kí kinh doanh sản xuất.