Chấm dứt sử dụng Amiăng vào năm 2020: Cần quyết liệt hơn

25/09/2015 11:44

Amiăng là một chất độc hại cho sức khoẻ con người. Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo vào năm 2020 tiến tới loại bỏ hoàn toàn amiăng trắng ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa lộ trình cấm amiăng trắng tại Việt Nam theo hướng giảm ngay nhập khẩu amiăng và có những động thái, chính sách mạnh bạo, quyết liệt hơn, cũng như dừng ngân sách mua vật liệu amiăng hỗ trợ đồng bào dân tộc.

Chấm dứt sử dụng Amiăng vào năm 2020: Cần quyết liệt hơn

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định về quản lý vật liệu xây dựng, trong đó có quy định chính sách khuyến khích sản xuất các vật liệu bảo vệ môi trường và kiểm soát chặt chẽ đối với các vật liệu xây dựng có chứa amiăng;

Dự thảo mới – bước lùi của chính sách cũ?

Trong dự thảo, Bộ XD cũng quy định rõ các hành vi bị cấm bao gồm cả việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sợi amiăng nhóm amfibole để sản xuất vật liệu xây dựng (nhóm amfibole không bao gồm amiăng trắng).

TT

Mã HS

Mô tả hàng hóa

Amiăng

1

2524.10.00

- Crocidolite:

Crocidolite (amiăng xanh): Dạng sợi, màu xanh, công thức hoá học: 3H2O.2Na2O.6(Fe2Mg)O.2Fe2O3.17SiO2;

2

2524.90.00

- Loại khác: 2524.90.00

Amosite ( amiăng nâu): Dạng sợi, màu nâu, công thức hoá học: 5,5FeO.1,5MgO.8SiO2.H2O;

Anthophilite: Dạng sợi, có màu, công thức hoá học: 7(Mg,Fe)O.8SiO2(OH)2;

Actinolite: Dạng sợi, có màu, công thức hoá học: 2CaO.4MgO.FeO.8SiO2.H2O;

Tremolite: Dạng sợi, có màu, công thức hoá học: 2CaO.5MgO.8SiO2.H2O

Amiăng thô ở dạng đá, sợi thô, sợi đã được đập nhỏ, hạt mỏng, bột hay amiăng phế liệu thuộc các mã số nêu trên. Khi amiăng đã được gia công quá mức (nhuộm, chải…), đã qua xử lý và đã làm thành các thành phẩm của amiăng thì tùy theo mặt hàng cụ thể để phân loại vào các mã số tương ứng.

Về trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng và yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng, Bộ XD cũng đề cập tới việc ban hành danh mục, mã số hồ sơ vật liệu amiăng thuộc nhóm amfibole cấm nhập khẩu và quy định quản lý và sử dụng amiăng trắng thuộc nhóm Serpentine trong sản xuất vật liệu xây dựng.Trong khi đó, Dự thảo lại quy định đối với hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng liên quan tới amiăng, Bộ quy định việc sử dụng amiăng trắng thuộc nhóm Serpentine trong sản xuất làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng phải đảm bảo điều kiện về an toàn, bảo vệ môi trường, bảo hộ cho người lao động trong sản xuất vật liệu xây dựng, điều này đồng nghĩa với việc tiếp tục cho sử dụng amiăng trắng có kiểm soát.

Bên cạnh đó việc kinh doanh các sản phẩm vật liệu xây dựng có chứa amiăng phải tuân thủ quy định về quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển đảm bảo an toàn.

Quan điểm này đang đi ngược lại với Công văn 7307/VPCP-KGVX, ngày 19/9/2014 về việc triển khai đánh giá và kiểm soát tác hại vật liệu amiăng trắng đến sức khoẻ con người.

Tại Công văn 7307/VPCP-KGVX, ngày 19/9/2014, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải đã giao các Bộ: Xây dựng, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm quản lý quốc tế và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất và sử dụng amiang trắng về môi trường làm việc; điều kiện an toàn, bảo hộ lao động; điều kiện và tiêu chí bệnh nghề nghiệp; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm (tiêu chuẩn về độ cứng vững, không giải phóng amiăng ra môi trường trong quá trình sử dụng); quy định về xử lý môi trường với các sản phẩm thải bỏ có chứa amiang trắng là chất thải nguy hại;

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng, xây dựng Lộ trình cụ thể để thực hiện mục tiêu dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020. Tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh các nội dung có liên quan trong Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, qua dự thảo trên, việc sử dụng amiăng trắng chỉ được quy định, kiểm soát, chứ không có nỗ lực dừng/cấm sử dụng amiăng như Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo. Đó phải chăng lại là một bước lùi chính sách một lần nữa, trước diễn biến vận động phức tạp của nó và trước thực trạng sử dụng amiăng cộng với gánh nặng bệnh tật từ amiăng tới sức khoẻ con người theo dự đoán đang ngày một gia tăng.

Dự thảo này cũng đi ngược lại những khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) rằng tất cả các loại amiăng, bao gồm amiăng trắng đều gây ung thư và không có ngưỡng an toàn cho việc sử dụng amiăng trắng.

Trong vòng 15 năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách về amiăng, tuy nhiên, hiệu quả thực tế về việc dừng sử dụng amiăng vẫn còn là bài toán còn chờ lời giải.

Bên cạnh chỉ thị của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Công văn 7307/VPCP-KGVX, chỉ đạo Bộ Công thương “không phản đối” đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 Công ước Roterdam.

Đầu tháng 5/2015, Hội nghị các bên tham gia ba công ước gồm Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (lần thứ 7); Công ước Rotterdam về các thủ tục thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế (lần thứ 7) và Công ước Basel về Kiểm soát chất thải xuyên biên giới (lần thứ 12) đã khai mạc tại Geneva, Thụy Sỹ. Hội nghị có sự tham gia của Đoàn Việt Nam với các đại diện đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (là đầu mối quốc gia Công ước Stockholm và Công ước Basel), Bộ Công Thương (đầu mối quốc gia Công ước Rotterdam) và Tập đoàn Điện lực Việt nam và một số đại diện của tổ chức xã hội trong mạng lưới VN-Ban (Việt Nam Ban Asbestos Network – Mạng lưới cấm sử dụng amiăng tại Việt Nam).

Tại Hội nghị , Việt Nam đã không phản đối đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 Công ước Rotterdam, là danh sách các hóa chất độc hại và thuốc trừ sâu phải tuân thủ thỏa thuận thông báo trước trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, cuộc chiến amiăng ở Việt Nam vẫn tiếp tục kéo dài, bởi amiăng trắng vẫn không vượt qua nguyên tắc “đồng thuận 100%” để được đưa vào Phụ lục 3, Công ước Rotterdam 2015 lần này do gặp nhiều trở ngại.

Việt Nam – một trong những “điểm nóng” amiăng của Châu Á

Châu Á hiện là khu vực sử dụng nhiều amiăng nhất thế giới, chiếm tới hơn một nửa lượng amiăng tiêu thụ trên toàn cầu.

Đây là khu vực có tốc độ tăng nhanh chóng lượng amiăng được tiêu thụ. Giai đoạn từ 1920-1970 chỉ khoảng 14% con số này đã lên tới 64% trong giai đoạn 2001-2007. Và vào năm 2011, châu Á và Trung Đông chiếm tới 85% lượng tiêu thụ amiăng của thế giới. Đây là những con số đáng “báo động” và yêu cầu khu vực này cần có những hành động kịp thời để ngăn chặn.

Tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo cho thấy,Quốc gia này là một trong 10 nước sử dụng amiăng trắng nhiều nhất trên thế giới. Ngành sản xuất tấm lợp Fibro–xi măng ở Việt nam từ những năm 1966 – 1968, với 2 nhà máy và cho đến nay đã có 39 nhà máy sản xuất tấm lợp trong toàn quốc phân bố ở 23 tỉnh thành phố với 70 dây chuyền, công suất đạt 75-100 triệu m2/năm. Việt Nam từ 10 năm nay luôn đứng trong tốp 10 nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới. Hầu hết amiăng sử dụng cho nhu cầu trong nước được nhập khẩu từ nước ngoài, trung bình hàng năm lượng amiăng tiêu thụ khoảng 60 000 tấn/năm, năm 2012 là gần 79 000 tấn (đứng thứ 6), để sản xuất khoảng 80 triệu m2 tấm lợp fibro xi măng cung cấp cho thị trường trong nước.

Rất khó để kiểm soát mức độ an toàn tại các cơ sở sản xuất sử dụng amiăng tại Việt nam cũng như trên thế giới. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy: amiăng có khả năng gây bệnh rất cao dù với mức độ tiếp xúc thấp và không thể sử dụng amiăng một cách an toàn.

Điều kiện bảo hộ lao động cho người lao động tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp nên hiệu quả bảo vệ không cao. Đối với hàng triệu người sử dụng tấm lợp có chứa amiăng (các hộ gia đình, nhất là vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo) khi sử dụng lâu ngày tấm lợp bị hư hại, chất thải có amiăng bị thải bỏ tự do ra môi trường gây nguy hại đến sức khỏe người dân (đặc biệt đối với trẻ em) thì tổn thất kinh tế trong việc bồi thường, điều trị, xử lý chất thải bỏ, sẽ vượt xa con số thuế mà ngành vật liệu amiăng đem lại.

Ông Võ Quang Đức, Phó phòng Vệ sinh lao động kiểm soát môi trường (Phân viện Bảo hộ Lao động và Bảo vệ môi trường miền Nam) chia sẻ với báo giới rằng “Hầu hết công nhân trong các cơ sở sản xuất tấm lợp fibro xi măng chỉ được trang bị khẩu trang thông thường chứ ít được trang bị mặt nạ phòng độc. Thậm chí, có dùng mặt nạ phòng độc được trang bị cũng không đúng tiêu chuẩn”,

Rõ ràng, từ năm 2001, Chính phủ đã có đề án ngừng sản xuất loại vật liệu này do có khuyến cáo ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Nhiều đơn vị đã thử nghiệm các sợi khác để thay thế amiăng song hiện chưa có loại nào thay thế được.

Tuy nhiên, đến năm 2004, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 133 về việc cho phép sử dụng amiăng trắng để sản xuất tấm lợp. Nhưng để hạn chế ảnh hưởng, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các nhà máy phải hoàn thiện công nghệ, kiểm soát khí thải, nước thải, chất thải rắn. Đây phải chăng là một trong những bước lùi của chính sách, khiến cho việc sử dụng amiăng còn tiếp diễn?

Theo dự đoán của các chuyên gia trong khu vực, trong vài chục năm tới, khi thời gian ủ bệnh đã đủ, số các ca tử vong do amiăng gây ra sẽ tăng vọt.

Nỗi lo gánh nặng bệnh tật từ Amiăng?

Theo WHO, năm 2008 chi phí cho các bệnh liên quan đến Amiăng là 2.4 tỷ USD so với 802 triệu USD giá trị kinh tế mà amiăng đem lại. Rất nhiều nước đã phải trả giá và bị kiện tụng cho sự chậm trễ trong quyết định cấm sử dụng amiăng trong đó có Nhật bản, Úc, các nước trong Cộng đồng Châu Âu. Và tại Việt Nam sẽ là gì? Ai chịu trách nhiệm cho gánh nặng này?

“Sự bùng phát các bệnh amiăng trong những thập niên tới ở châu Á (bao gồm cả Việt Nam) là có thể dự đoán trước. Do đó, các quốc gia châu Á không chỉ nên dừng việc sử dụng amiăng mà còn phải chuẩn bị cho một đại- dịch bệnh- amiăng đang cận kề”, GS. Ken Takahashi, Giám đốc Trung tâm Hợp tác về các Bệnh nghề nghiệp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO),Đại học Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (UOEH) viết trên tạp chí Respirology, một tạp chí Hội Hô hấp học Châu Á Thái Bình Dương.

Hiện tại châu Á chỉ mới có 4 nước đã ban hành lệnh cấm amiăng. Ngoài Nhật Bản (năm 2004) và Hàn Quốc (2007) thì hai quốc gia, vùng lãnh thổ ban hành được lệnh cấm amiăng mới nhất là Hồng Kông (2014) và Nepal (2015), Việt Nam vẫn chưa ban hành lệnh cấm này.

Ông Sharan K. C, thuộc Tổ chức Nhân dân về y tế, giáo dục và phát triển Hải ngoại Australia (APHEDA) Việt Nam nói tại hội nghị hôm 6/9: “Chúng ta đang chứng kiến làn sóng thứ 3 của các bệnh liên quan đến amiăng. Đợt đầu tiên của các thợ mỏ mắc u trung biểu mô và ung thư phổi. Đợt thứ hai của những người làm việc trực tiếp với amiăng tại các nhà máy, công nhân dỡ hàng từ bến tàu, hay thợ xây, thợ ống nước, thợ điện và thợ mộc.”

“Giờ đây, chúng ta đang thấy làn sóng thứ 3 hay là đợt mắc bệnh của những người mắc bệnh gián tiếp. Đây là những người phụ nữ giặt bộ quần áo dính đầy bụi amiăng của chồng họ, cũng như những đứa trẻ hít phải amiăng từ quần áo bảo hộ lao động của cha chúng”, ông Sharan nói.

“Hậu quả của amiăng đối với cộng đồng sẽ còn rất lâu ngay cả sau khi lệnh cấm được ban hành. Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực lớn hơn để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc ngăn ngừa các bệnh liên quan tới amiăng trong tương lai. Nếu không có một lệnh cấm amiăng, các công nhân và gia đình của họ sẽ tiếp tục phải chết”, ông Sharan khẳng định.

Nếu tiếp tục sử dụng amiăng, tấn "thảm kịch" amiăng của các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai rất gần.

Các chuyên gia khuyến nghị cần nhanh chóng cụ thể hóa lộ trình cấm amiăng trắng tại Việt Nam theo hướng giảm ngay nhập khẩu amiăng theo lũy tích. Ví dụ: năm 2015 giảm 10%, năm 2016 giảm 30%,... để đến 2020 chúng ta sẽ cấm hoàn toàn amiăng.

* Amiăng trắng (tiếng Anh là chrysotile) là một loại sợi khoáng vô cơ có cấu tạo tinh thể dạng sợi dài, mảnh và xốp. Tên amiăng trắng được dùng để phân biệt với amiăng xanh, nâu, vốn là loại amiăng cực kỳ độc hại và đã bị cấm sử dụng từ lâu.

* Amiăng là nguyên liệu dùng để sản xuất hơn 3000 sản phẩm từ tấm lợp, ống thoát nước, vách ngăn cách nhiệt, vỏ bọc cho các thiết bị chịu nhiệt độ cao, má phanh.

* Gần 90% lượng amiăng tại Việt Nam được sử dụng trong sản xuất tấm lợp fibroxi-măng, 10% được phối trộn trong sản xuất má phanh xe hạng nặng, vật liệu bảo ôn cho lò hơi, đường ống dẫn hơi nước.

* Các nghiên cứu của Bộ Y tế Việt Nam đã phát hiện nhiều trường hợp ung thư trung biểu mô tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện rất ít người dân biết tác hại của amiăng trắng đối với con người cũng như hoàn toàn không biết thông tin nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm hoàn toàn việc sử dụng amiăng trắng.

* Nghịch lý nữa là, trong khi Việt Nam đã có công nghệ tấm lợp thay thế amiăng và sản phẩm được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Đông thì ở trong nước, người dân vẫn phải sống trong những căn nhà lợp tấm lợp fibro xi-măng độc hại chết người.

* Tấm lợp amiăng hiện rất phổ biến ở cộng đồng, 85% số hộ có dùng (lợp nhà, khu phụ, chăn nuôi, rào!); Xấp xỉ 50% số hộ có mái nhà lợp fibro xi măng.

* Xấp xỉ 1/3 dân chúng có nghe thông tin về amiăng; Nhưng ít thông tin nói về amiăng có trong tấm lợp ( <25%), và càng ít nói tới tác hại sức khỏe, môi trường của amiăng (<5%); gần như dân chúng không hề biết thế giới cấm sử dụng amiăng (< 2%)

* Sau khi được tiếp cận thông tin tác hại của amiăng đến sức khỏe, môi trường, và amiăng có trong tấm lợp fibro, tỷ lệ lớn người dân chuyển đổi thái độ, 2/3 số hộ đang sử dụng tấm lợp sẽ thay bằng vật liệu khác; xấp xỉ 75% số hộ chấp nhận vay vốn để chuyển đổi.

Nguồn: Tóm tắt kết quả chính từ phân tích giai đoạn 1 - Báo cáo kết quả nghiên cứu “Thực trạng sử dụng sản phẩm chứa Amiăng của người dân và khả năng tạo lập cộng đồng nói không với Amiăng tại hai xã thuộcYên Bái và Thanh Hóa – TS.BS Trần Tuấn, Nhóm hợp tác thúc đẩy phát triển chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học EBHPD

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chấm dứt sử dụng Amiăng vào năm 2020: Cần quyết liệt hơn