Chất lượng bữa ăn ca đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe và năng suất lao động của công nhân lao động. Do đó, các cấp Công đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, đưa vào nội dung thỏa ước lao động tập thể cũng như đối thoại định kỳ với người sử dụng lao động để nâng cao giá trị suất ăn ca cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Tại Công ty TNHH Sheen Bridge, khu công nghiệp Tân Kim (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), những bữa ăn ca của người lao động ngày càng được quan tâm, cải thiện để nâng cao chất lượng theo đề xuất của Công đoàn cơ sở và công nhân lao động. Theo đó, Công ty tổ chức nấu ăn tại đơn vị, phục vụ từ 3.200 - 3.500 suất mỗi ngày. Các món ăn trong tuần hầu như không lặp lại, vừa bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng, vừa giúp công nhân lao động có bữa ăn ngon, hợp khẩu vị. Bên cạnh đó, thực đơn bữa ăn ca luôn được nêm yết công khai hàng tuần tại khu vực nhà ăn, để công nhân lao động nắm được cũng như có thể đóng góp trực tiếp với người phụ trách hoặc thông qua hộp thư góp ý khi không hài lòng về chất lượng.
Còn tại tỉnh Hưng Yên, từ khi có Nghị quyết số 7c/NQ-BCH của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực thương lượng, đề xuất với chủ doanh nghiệp quan tâm, chú trọng hơn về chất lượng bữa ăn ca, tạo sự hài lòng trong công nhân lao động. Ở một số công ty, giá trị mỗi suất ăn được chi ở mức từ 30.000 - 40.000 đồng.
Ông Lê Quang Toản - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tác dụng của việc bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, thường xuyên khảo sát sự hài lòng của công nhân lao động về chất lượng bữa ăn ca... Bên cạnh đó, nhiều Công đoàn cơ sở tại các công ty đã phát huy tốt vai trò phối hợp với người sử dụng lao động trong việc giám sát, nâng cao chất lượng bữa ăn ca của người lao động.
Cũng giống nhiều địa phương khác, qua những lần đối thoại, thương lượng giữa Công đoàn cơ sở và chủ sử dụng lao động, suất ăn ca cho người lao động Công ty TNHH Vạn Lợi, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cũng được điều chỉnh tăng từ 15.000 đồng lên đến 20.000 đồng, chưa bao gồm chi phí nhiên liệu nấu, nướng. Để đạt được kết quả đó, hàng năm, LĐLĐ huyện đã chủ trì tổ chức đoàn giám sát chất lượng bữa ăn ca tại Công ty. Qua đánh giá, đơn vị đã đảm bảo chất và lượng của bữa ăn ca cho người lao động, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Dương Đức Khanh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tiến hành hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, duy trì chất lượng bữa ăn ca của người lao động tại các doanh nghiệp. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã quan tâm, nâng cao giá trị dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần tăng khả năng tái tạo sức lao động cho người lao động...
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố và các công đoàn ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của việc đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca đối với sức khỏe người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp” - ông Khanh nhấn mạnh.
Sau hơn 5 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, đến nay bữa ăn ca của công nhân lao động tại các doanh nghiệp đang dần được cải thiện. Có thể thấy, từ khi Nghị quyết ra đời có tác động không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho công nhân viên chức lao động, thể hiện trách nhiệm của các cấp Công đoàn trong việc chăm lo cho người lao động.