Chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi – Bài 1: An cư lạc nghiệp

Tấn Thành - Chí Đại 11/07/2023 05:53

Để người dân vùng đồng bào dân tộc và miền núi không chỉ có chỗ ở mà còn phát triển kinh tế ổn định, từ các chính sách hỗ trợ như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam đã đón nhận nhiều dự án đầu tư, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng đất khó.

Một góc khu tái định cư làng Tăk Tố, xã Trà Don.

Hầu như năm nào người dân ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam cũng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai, mưa lũ gây ra. Để bảo đảm an cư, lạc nghiệp cho người dân, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã có nhiều biện pháp không chỉ tái định cư, ổn định cuộc sống của bà con vùng sạt lở mà còn khai thác tiềm năng, thế mạnh ở những vùng đất này để người dân mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi với hiệu quả kinh tế cao.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thăm hỏi gia đình ông Hồ Văn Deo.

Tái định cư để ổn định cuộc sống bà con vùng sạt lở

Năm 2020, trên địa bàn huyện Phước Sơn và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam phải gánh chịu nhiều đợt sạt lở đất, đá làm hư hỏng nhiều nhà cửa, tài sản, đường sá. Trước thực trạng này, tại huyện Phước Sơn, chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực tập trung triển khai công tác di dời các hộ dân ở vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi ở mới, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của bà con.

Ông Hồ Văn Deo ở thôn 3, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn cho hay, việc được di dời đến nơi ở mới an toàn là một điều rất mừng đối với bà con nơi đây. “Khi gia đình tôi tái định cư (TĐC) vào nơi ở mới, được Nhà nước quan tâm có đầy đủ điện, nước, đường giao thông vừa đảm bảo an toàn, không còn cảnh thấp thỏm nỗi lo sạt lở đất, đá mỗi khi mùa mưa bão nữa” - ông Deo tâm sự.

3 năm sau vụ sạt lở núi kinh hoàng, chúng tôi tìm đến khu dân cư (KDC) Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, con đường dẫn vào trung tâm xã đã được đổ bê tông nên rất thuận lợi cho các phương tiện lưu thông. KDC Bằng La hiện lên với 39 căn nhà sàn nằm sát với nhau giữa thung lũng, trên diện tích hơn 6ha. Các công trình như trường học mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng khang trang. Đây chính là KDC mới cho bà con ở thôn 1 và thôn 2 của xã Trà Leng bị mất nhà cửa trong vụ sạt lở núi kinh hoàng cuối tháng 10/2020.

Chị Hồ Thị Nở, ở KDC Bằng La hồ hởi chia sẻ: Nhờ các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ bố trí chỗ ở mới, gia đình tôi cùng nhiều hộ dân khác đã ổn định cuộc sống trở lại, không còn cảnh lo sợ sạt lở đất, đá khi vào mùa mưa bão. Nhà nước còn quan tâm đầu tư xây dựng đường sá, điện thắp sáng, nước sạch để phục vụ người dân. Đặc biệt trường học mẫu giáo, trạm y tế được đầu tư xây dựng, do đó việc học hành của con em tốt hơn so với hồi trước rất nhiều”.

Gia đình ông Hồ Văn Deo, chị Hồ Thị Nở là 2 trong số hơn 7.820 hộ được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm sắp xếp, ổn định đời sống của bà con vùng sạt lở giai đoạn 2021-2025 do HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua (Nghị quyết 23) vào tháng 7/2021, với số vốn đầu tư hơn 968 tỷ đồng.

Người dân trồng đảng sâm ở huyện Tây Giang đem lại hiệu quả kinh tế.

Khuyến khích, giúp người dân phát triển kinh tế

Không chỉ TĐC, thời gian qua, nhằm ổn định cuộc sống của người dân vùng miền núi, nhất là những nơi ảnh hưởng bởi sạt lở, chính quyền và MTTQ các cấp đã khai thác tiềm năng và thế mạnh ở những vùng đất này để người dân mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Có rất nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được triển khai, điển hình như mô hình vườn ao chuồng của ông Hồ Văn Lai ở thôn 1, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My đã thu hút nhiều bà con đến tham quan, học tập. Ông Lai được biết đến là người đầu tiên của xã Trà Tập thực hiện mô hình nuôi cá để thoát nghèo bền vững. Thời gian đầu, gia đình ông gặp không ít khó khăn, nhất là không có nguồn vốn, lại thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc cá. Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm kịp thời của chính quyền, MTTQ và Hội Nông dân xã, gia đình đã vay mượn 50 triệu đồng từ nguồn quỹ Hội Nông dân huyện Nam Trà My để đầu tư, đào thêm 2 ao, mua thêm giống cá thả nuôi. Nhờ vậy, mỗi năm từ nguồn thu việc bán cá, ông Lai còn có thêm nguồn thu từ khách tham quan, nghỉ dưỡng tại vườn.

“Năm vừa rồi tôi bán hơn 1,5 tấn cá, thu về gần 100 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa thì cao gấp nhiều lần. Nhờ có nguồn thu nhập nên tôi đã có tiền trang trải cuộc sống gia đình và lo con cái ăn học” - ông Lai chia sẻ.

Hay như ở huyện Bắc Trà My, bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Long Sơn, xã Trà Sơn thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Qua quá trình khảo sát, xét chọn UBND xã Trà Sơn đã hỗ trợ gia đình bà Lan 290 gốc bưởi da xanh. Nhận được nguồn hỗ trợ kịp thời, thiết thực này, bà Lan đã bàn bạc với gia đình cải tạo hơn 1ha đất vườn lâu nay bỏ hoang, canh tác không hiệu quả để trồng bưởi.

“Với sự động viên của chính quyền, MTTQ, Hội Nông dân các cấp, gia đình tôi cần mẫn chăm bón, vun xới cho từng gốc bưởi. Nhờ vậy, vườn bưởi da xanh ngày càng phát triển tốt. Không chỉ trồng bưởi, gia đình tôi còn chăn nuôi bò, gà vịt. Tôi đã được tạo điều kiện vay vốn, đầu tư nuôi lợn đen, lợn rừng lai. Qua đó, mỗi năm tôi có thu nhập trên 200 triệu đồng. Từ đó gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm ăn khá giả” - bà Lan chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Sơn cho rằng, niềm vui của nông dân miền núi càng nhân lên khi các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới hay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã được đồng bào vùng sâu, vùng xa như huyện Bắc Trà My cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của chính người dân.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức bàn giao các vườn trồng bảo tồn, kết hợp với sản xuất giống cây dược liệu về cho các huyện Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My quản lý, chăm sóc kết hợp nhân giống phát triển sản xuất tại các địa phương, với diện tích 25ha. Trong đó, ba kích tím có khoảng 10ha tại các huyện Tây Giang, Đông Giang; 15ha cây sa nhân tại huyện Phước Sơn, Nam Giang... Qua theo dõi và báo cáo của các đơn vị tiếp nhận, các vườn dược liệu hiện nay sinh trưởng, phát triển khá tốt.

Theo ông Trần Ngọc Bằng - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam: Việc nhân rộng mô hình trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả. Hầu hết địa phương miền núi đều có các mô hình trồng dược liệu, đang được người dân tập trung đầu tư, mở rộng. Như tại Tây Giang, nhiều vườn đảng sâm ở các xã vùng cao như Axan, Ch’ơm, Gari đã tạo ra các sản phẩm được thị trường đón nhận. Để khuyến khích người dân trồng đẳng sâm, huyện Tây Giang hỗ trợ 5 triệu đồng/ha. Nhờ cách làm này mà hiện nay diện tích trồng loại dược liệu này ở Tây Giang khoảng 910ha.

Ông Hà Ra Diêu - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết: Để nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu sâu hơn về hiệu quả đem lại từ các mô hình kinh tế mới, thông qua các buổi tuyên truyền, đơn vị phối hợp địa phương kết nghĩa tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ năng, phương pháp chăn nuôi, trồng trọt gắn với áp dụng công nghệ. Nhờ đó, nhiều mô hình tăng trưởng nhanh chóng, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 90 cơ quan đơn vị, địa phương, doanh nghiệp kết nghĩa với 67 xã thuộc 9 huyện miền núi của tỉnh với giá trị nguồn lực thực hiện hằng năm ước khoảng hàng chục tỷ đồng”.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Cuộc sống của người dân các vùng sạt lở được tái định cư đã ổn định, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng khang trang để phục vụ sinh hoạt của bà con. Năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam bố trí ngân sách 40 tỷ đồng cho UBND huyện Nam Trà My để tiếp tục xây dựng các khu tái định cư cho người dân vùng nguy cơ xảy ra sạt lở, đường sá, cầu cống…Hiện nay, địa phương đang tích cực triển khai và dự kiến cuối năm sẽ nghiệm thu các công trình này.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi – Bài 1: An cư lạc nghiệp