Đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ có khoảng 1,2 triệu người, tập trung nhiều ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ. Bà con người Khmer Nam Bộ hầu hết theo Phật giáo Nam Tông. Vùng địa bàn sinh sống của đồng bào chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đời sống sản xuất phụ thuộc vào nông nghiệp, phần đông trình độ học vấn còn thấp…
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Do đó, hiện nay, đa số cán bộ, sư sãi, đồng bào Khmer đã tin tưởng vào chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, truyền thống đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Dương Hùng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Đảng, Nhà nước cần coi trọng yếu tố văn hóa, xã hội, tâm lý cộng đồng của người Khmer. Hoàn thiện chính sách dân tộc phù hợp với đặc thù của từng đối tượng, từng địa bàn. Trong xây dựng chính sách, Nhà nước cần chú ý đặc điểm riêng của dân tộc Khmer, từ đó có chính sách phù hợp, tạo sự gắn bó giữa văn hóa truyền thống với văn hóa dân tộc. Đặc biệt, chú trọng và nâng cao vai trò của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, nhất là cấp chi hội cơ sở ở các chùa. Đồng thời cần có chính sách đào tạo đội ngũ giáo viên dạy chữ Pali, kể cả chữ Khmer ở các điểm chùa, nhằm khắc phục sự hụt hẫng nguồn lực cho trường bổ túc văn hóa Pali Nam Bộ.
Để phát huy vai trò sư sãi và người tiêu biểu có uy tín trong dân tộc Khmer Trà Vinh trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết, ông Lưu Xuân Thủy- Vụ phó Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc lại cho rằng, một số nơi chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát huy vai trò người có uy tín nên chưa phát huy tốt được lực lượng này; chưa tạo điều kiện phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh trong cộng đồng dân cư. Để xây dựng, phát huy vai trò người có uy tín, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào để giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, đây là hội thảo có ý nghĩa đối với công tác Mặt trận. Công tác dân tộc của Mặt trận là công tác đặc thù để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Đối với đồng bào dân tộc việc tìm ra các biện pháp tuyên truyền, vận động để bà con đồng hành, hưởng ứng các CVĐ, các phong trào thi đua yêu nước tham gia phát triển kinh tế địa phương, giữ vững an ninh chính trị tại cơ sở là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận. Ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn giúp Ban Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam có những giải pháp khoa học để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận đối với đồng bào Khmer.
“Đối với hệ thống MTTQ các cấp cần phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ trong công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ Việt Nam. Có kế hoạch phân công nhiệm vụ, bố trí công việc cho người có uy tín tham gia các hoạt động của Mặt trận và đoàn thể; tăng cường các hình thức gặp gỡ, đối thoại, phổ biến cho người có uy tín nắm được các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo về phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò tự quản của đồng bào dân tộc Khmer, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào dân tộc Khmer tự ý thức được việc giữ gìn, phát triển, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình gắn với mở rộng giao lưu với các dân tộc khác đồng thời có tiếp thu, chọn lọc cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa của các dân tộc khác”- Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh chia sẻ.