Các công trình nghiên cứu về giáo dục sớm trên thế giới đều cho rằng: Sự phát triển trong những năm đầu đời quyết định tương lai của cả cuộc đời. Nhưng làm thế nào để mỗi đứa trẻ ra đời có thể chất tốt, phát triển khả năng trí tuệ, cảm xúc để khi lớn lên thành công trong môi trường cạnh tranh, hội nhập và toàn cầu hoá?
Ảnh minh họa.
Trước thách thức đó, Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người vừa tổ chức Hội nghị đề xuất chính sách cải thiện cơ hội chăm sóc, giáo dục sớm trẻ từ 0-3 tuổi.
Giáo dục sớm còn chưa được coi trọng
“Giáo dục sớm trẻ em những năm đầu đời góp phần cải tạo nòi giống, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”,là quan điểm được đưa ra và nhận được đồng tình tại diễn đàn. Theo PGS.TS. NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người): Nếu trong 3 năm đầu đời, trẻ được sống trong môi trường chăm sóc, giáo dục sớm đúng đắn, đa dạng, được cung cấp những trải nghiệm phong phú, kích hoạt não trẻ sớm ngay từ giai đoạn này, trẻ sẽ hình thành nên hàng tỉ các kết nối và mạng lưới thành công dày đặc trên bộ não, giúp trẻ đạt được những tiềm năng trí lực tối đa cho cả cuộc đời.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia có mặt tại diễn đàn, hiện nay lứa tuổi từ 0-3 lại chưa được quan tâm đúng mức. Theo báo cáo do Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội công bố vào tháng 9/-2014: Tình trạng huy động trẻ dưới 36 tháng ra nhà trẻ mặc dù có tăng dần hàng năm nhưng vẫn còn ở mức thấp. Năm 2010-2011 đã huy động được 6,5% cháu ra nhà trẻ (tăng 2,13%), trong đó có 62,5% trẻ mẫu giáo (tăng 10 %), trong đó lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt 93,5% (tăng 9,1%). Năm học 2013-2014, cơ cấu các bậc học cũng có sự chênh lệch khi mạng lưới cơ sở phục vụ cho việc chăm sóc và giáo dục nhóm trẻ (từ 3 tháng đến 3 tuổi chưa được coi trọng đúng mức, tổng số nhóm trẻ chỉ chiếm 12,9%).
Đại diện Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) cũng khẳng định: Thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay là giáo dục gia đình và giáo dục trẻ em như thế nào? Những gia đình truyền thống là gia đình nhiều thế hệ thì thế hệ sau sẽ được tiếp thu rất nhiều từ thế hệ trước về nề nếp gia phong, thuần phong mĩ tục... Tuy nhiên, theo khảo sát, đa số các gia đình hiện nay chỉ có 2 thế hệ, ước tính có khoảng 15 triệu hộ gia đình trong quá trình nuôi dạy con không có sự hỗ trợ trực tiếp từ phía ông bà, gia đình 3 thế hệ trở lên.
Thách thức nữa là thời gian của cha mẹ dành cho con nhỏ, ở bên chăm sóc con ngày càng ít. “Chúng tôi có nghiên cứu quốc gia, hiện nay có trên 60% bố mẹ có con dưới 6 tuổi không dành nổi 30 phút một ngày để trò chuyện với con”.
Thách thức nữa là các cơ sở giáo dục hiện nay chưa đáp ứng được đầy đủ về cơ sở vật chất, đội ngũ. Trẻ em thấp hơn 18 tháng tuổi không ở đâu nhận chăm sóc…
Hay như - Phó Trưởng ban CTGĐ, LHHPN Việt Nam nhận định: Hiện naynhững người làm cha mẹ, những người làm công tác trẻ thơ cũng còn hạn chế nhất định. Ở lứa tuổi này, nhiều cha mẹ phó mặc trách nhiệm cho người trông giữ trẻ, cho ông bà. Trong khi gia đình phải là môi trường đầu tiên, là thể chế đặt nền móng đầu tiên và có ảnh hưởng, có tính chất tương đối bền vững đến nhân cách con người. Giáo dục trẻ em cũng như giáo dục sớm cho trẻ là chức năng tự thân của gia đình. Không thể có môi trường nào có trọng trách cao hơn. Gia đình là trước nhất, sau đó đến nhà trường.
Hỗ trợ chăm sóc, giáo dục trẻ từ sớm
Một khó khăn được cho là then chốt để triển khai giáo dục sớm cho trẻ, đó là sự liên kết giữa các cơ sở giáo dục với các cơ sở thực hành. Điều bất cập nữa, ở các cơ sở mầm non hiện tại chủ yếu tiếp nhận độ tuổi mẫu giáo. Vì thế, hầu hết các cơ sở đào tạo GVMN vẫn thiên về kiến thức mẫu giáo nhiều hơn nhà trẻ. Ở các địa phương cũng vậy, rất ít nơi có lớp nhà trẻ. Giáo viên được quyền đứng lớp thì lại chỉ cần có bằng GDMN… Qua đó, lãnh đạo nhà trường đề nghị, về phía chính sách cần có bổ sung để phù hợp hơn. Các trường mầm non cũng nên nhận đủ đối tượng, phu hợp với chương trình đào tạo
Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cũng đưa ý kiến, mong muốn Đảng và Nhà nước coi trọng giáo dục sớm trẻ em từ 0-3 tuổi, coi đây là một nhiệm vụ chiến lược trong đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục nước nhà, góp phần đào tạo nhân tài, cải tạo và nâng cao chất lượng nòi giống của dân tộc VN. Đồng thời, đề xuất triển khai xây dựng chương trình giáo dục sớm ở quy mô quốc gia trong các cơ sở GDMN và cả trong các gia đình…
Theo đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Phương Thảo: Việc đầu tư cho trẻ từ 0-3 tuổi là đầu tư thoả đáng. Đầu tư chăm sóc giáo dục trẻ thơ giúp gắn kết các thế hệ gần hơn. Chúng ta nên nhớ, “giai đoạn vàng” là giai đoạn dễ bị tổn thương, tổn thương lâu dài, cần có sự quan tâm đặc biệt.
Bà cũng cho rằng: Cần xây dựng thông điệp cụ thể hơn với từng đối tượng. Cha mẹ không dành thời gian cho con nhiều, chất lượng giao tiếp, tương tác các thế hệ không có. Vì thế rất cần thông điệp cụ thể, để từng gia đình nhận thấy tầm quan trọng và có đầu tư thoả đáng. Còn với đối tượng trẻ miền núi, khó khăn, chúng ta có thể có thông điệp rằng, không có cháu bé nào không bình thường, mọi cháu bé đều có tiềm năng phát triển. Nhưng chúng ta đã hỗ trợ các cháu chưa? Trẻ khuyết tật đến trường, nếu chúng ta có biện pháp hỗ trợ thì các cháu sẽ làm rất tốt, vì thế cần xây dựng các chương trình đặc thù. Chẳng hạn chơi như thế nào ở nông thôn, chơi như thế nào ở thành thị…