Số người cao tuổi ở nước ta liên tục tăng cao trong những năm gần đây, hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,86% dân số). Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ có khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số.
Trong khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số gây áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, hệ thống y tế thì một thực trạng song song cần kể tới là mặc dù tuổi thọ của người cao tuổi ở nước ta tăng lên nhưng đa phần đều mắc nhiều bệnh lý phối hợp. Cụ thể, theo một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa trung ương, hầu hết những bệnh nhân trên 80 tuổi có đến 6 bệnh phối hợp như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ và đột quỵ...
Đặc biệt hơn, khác với bệnh lý ở người trẻ tuổi, GS.TS. Phạm Thắng - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam lý giải, già hóa dân số khiến cho người cao tuổi phải đối mặt với nhiều bệnh tật mạn tính, có nguy cơ tàn phế, đòi hỏi các biện pháp trợ giúp thích hợp. Bệnh người già thường là các bệnh có diễn biến âm thầm, mãn tính và khi phát hiện thì đã ở thể nặng. Bên cạnh đó, người cao tuổi còn có những yêu cầu khác biệt, đặc thù về chăm sóc sức khỏe. Đặc điểm bệnh lý của người cao tuổi cũng khác với các lứa tuổi khác, như lão hóa các cơ quan, tính chất đa bệnh lý, các hội chứng đặc trưng ở người cao tuổi; sử dụng nhiều thuốc, tình trạng phụ thuộc; tăng nguy cơ tai biến. Bệnh nhân cao tuổi thường có các hội chứng lão khoa đặc trưng (như hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, rối loạn vận động, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm) có nguy cơ tai biến điều trị cao… Những điểm khác biệt này dẫn tới chi phí chăm sóc sức khỏe ở người cao tuổi ngày càng tăng cao.
Với thực tế nói trên, dễ nhận thấy nhu cầu chăm sóc toàn diện sức khỏe người cao tuổi sẽ ngày càng gia tăng hơn nữa, đây là vấn đề cấp thiết cần giải quyết với hệ thống an sinh xã hội, y tế và đặc biệt là chuyên ngành lão khoa.
Mặc dù vậy, trước những thách thức đặt ra, ngành lão khoa ở Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn không hề nhỏ. PGS.TS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương chia sẻ: “Khó khăn đầu tiên là tâm lý của người Việt, hầu hết chúng ta không chuẩn bị được tâm thế đón nhận tuổi già, không chuẩn bị được tài chính từ khi còn trung niên để an dưỡng khi tuổi cao. Tuổi già với nhiều bệnh lý đòi hỏi việc chăm sóc thường xuyên, tốn kém về chi phí điều trị, dinh dưỡng trong khi tài chính bản thân eo hẹp, con cái bận rộn không hỗ trợ được nhiều, gánh nặng tuổi tác trước hết đè lên gia đình họ, sau đó là hệ thống an sinh xã hội. Khó khăn tiếp theo với hệ thống y tế, nhất là trong chuyên ngành lão khoa hiện vẫn còn thiếu nhân lực bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc. Tôi cho rằng cần tích cực đào tạo, xây dựng các mô hình, chương trình đào tạo tốt để đáp ứng chuyên môn cho người làm chuyên ngành…”.
PGS. TS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương cho rằng, theo xu thế chung của thế giới, chúng ta không thể xây dựng thật nhiều nhà dưỡng lão, bệnh viện lão khoa được mà điều quan trọng nhất là giữ người cao tuổi trong cộng đồng càng lâu càng tốt. Muốn vậy cần hỗ trợ người cao tuổi kiến thức, kỹ năng để họ tự chăm sóc bản thân. Chúng ta chuẩn bị cho người cao tuổi bằng trang bị kiến thức khoa học và cho cả những người trong gia đình có người cao tuổi. Từ phía cộng đồng, môi trường chính sách cũng cần sát thực phù hợp hơn cho người cao tuổi, đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm đối tượng này.