Chậm trễ hoàn thuế: Càng gỡ càng rối

H.Hương 23/05/2016 09:20

Sau nhiều lần sửa quy định liên quan đến hoàn thuế, tưởng chừng như doanh nghiệp sẽ được “dễ thở” hơn. Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản…

Chậm trễ hoàn thuế: Càng gỡ càng rối

Doanh nghiệp khốn khổ vì hoàn thuế.

Bị chiếm dụng vốn

Trong văn bản tập hợp các kiến nghị gửi Chính phủ, liên quan đến thủ tục thuế và hải quan, doanh nghiệp (DN) đã mạnh dạn nói lên tiếng nói: Chưa hết khó khăn về việc hoàn thuế. Việc hoàn thuế VAT từ nhà nước mang tính “ban phát” trong khi đó đây là quyền các DN được hoàn thuế. DN cho rằng “nhà nước chiếm dụng vốn của DN”.

Công ty CP TM Đầu tư Vân Long CDC Khu An Trì, P. Hùng Vương, Q. Hồng Bàng, TP. Hải Phòng khẳng định DN gặp nhiều khó khăn do việc tiền hoàn thuế về chậm. DN là DNNVV, thiếu vốn hoạt động phải vay Ngân hàng, tiền hoàn thuế chậm dẫn đến càng thiếu vốn hoạt động, thu hẹp quy mô kinh doanh, giảm xuất khẩu, thu ngoại tệ giảm, lợi nhuận nộp ngân sách giảm, thanh toán tiền lương cho người lao động chậm...

Doanh nghiệp này phân tích: Theo QĐ hoàn thuế số 3420/QĐ-CT ngày 7/9/2015, số tiền hoàn thuế 17.78.042.997 đồng, lý do hoàn thuế theo Điều 1, Khoản B Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015. Tuy nhiên đến 7-10-2015 DN mới nhận được tiền hoàn thuế từ ngân sách (chậm 25 ngày so với quy định). Theo QĐ hoàn thuế số 4354/QĐ-CT ngày 4/11/2015, số tiền hoàn thuế 10.244.536.223 đồng, lý do hoàn thuế theo Điều 1, Khoản B Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015, tới hiện tại DN vẫn chưa nhận được tiền hoàn thuế.

Công ty Đầu tư Vân Long cho rằng, việc dự toán Ngân sách hoàn thuế là công việc thường xuyên của Kho bạc và Cục thuế báo cáo Tổng cục thuế, và là trách nhiệm của Nhà nước với DN. Đề nghị Cục thuế và Tổng cục thuế xem xét yêu cầu chính đáng của DN được hoàn thuế đúng hạn, để tháo gỡ khó khăn cho DN, đảm bảo hoạt động bình thường và động viên cho DN.

Cũng liên quan đến thủ tục hoàn thuế, doanh nghiệp đồng thuận với qui định số dư thuế giá trị đầu vào âm 12 tháng liên tục mới được hoàn, điều này để đảm bảo cân đối nguồn thu NSNN. Nhưng thực tế hiện nay DN vừa có số dư thuế (âm), vừa phát sinh nợ thuế phải nộp. Nếu nợ trên 90 ngày (3 tháng) sẽ bị cưỡng chế, trong khi đó DN âm thuế thì chờ đến 12 tháng mới được hoàn điều này vô lý. Cơ quan quản lý để phần quá thiệt cho doanh nghiệp.

Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thành phố Đà Nẵng dẫn ví dụ, Cty A nợ tiền thuế GTGT từ tháng 8,9,10-2015 là 200 triệu, đến tháng 11-2015 đầu tư mua sắm TSCĐ có số thuế được khấu trừ 1 tỷ. Điều này bắt buộc doanh nghiệp nộp thuế nếu không sẽ bị cưỡng chế. Trong khi đó DN muốn được hoàn phần thuế khấu trừ thì phải chờ 12 tháng. “Điều này chưa hướng đến yếu tố cái gì có lợi cho DN thì áp dụng” – đại diện cộng đồng doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng nói.

Doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Quy định hoàn thì 12 tháng chỉ áp dụng đối với DN có số thuế âm 12 tháng liên tục. Còn phát sinh nộp thì được bù trừ mà không phải chờ. Đây là vấn đề tháo gỡ một cách linh hoạt cho DN, phần lớn DN ở Việt Nam là DN siêu nhỏ, áp dụng cưỡng chế thì DN không thể tồn tại được.

Chậm trễ hoàn thuế: Càng gỡ càng rối - 1

Và...ngày càng khó

Cũng phải thừa nhận rằng, việc hoàn thuế giá trị gia tăng là câu chuyện nóng kéo dài nhiều năm qua. Sau nhiều phản ánh của DN về việc chậm hoàn thuế, Bộ Tài chính đã sửa đổi một số quy định gây khó cho DN, phân bổ kịp thời dự toán hoàn thuế. Thế nhưng, càng kỳ vọng lại càng dễ thất vọng hơn.

Cụ thể từ ngày 1/7 tới theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp có số thuế giá trị gia tăng đầu vào âm liên tục 12 tháng tiếp tục không được hoàn thuế giá trị gia tăng như thời gian trước. Cụ thể, Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.Trường hợp lũy kế đến thời điểm kết thúc kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp mà vẫn còn số thuế VAT chưa được khấu trừ hết thì cơ sở kinh doanh được lựa chọn hạch toán số thuế chưa được khấu trừ hết vào chi phí được trừ để xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Như vậy, DN có số thuế VAT âm sẽ chỉ được khấu trừ mà không được hoàn thuế. DN cho rằng, hoàn thuế đã khó nay càng khó hơn, các quy định ngày càng siết chặt. Phía cơ quan quản lý cho rằng, không thể hoàn thuế với hàng tồn kho vì nhiều DN đã tiêu thụ xong hàng tồn kho nhưng vẫn kê khai để hưởng hoàn thuế.

Việc tăng cường thêm các quy định về thủ tục hoàn thuế kể trên theo Bộ Tài chính là do tình hình hoàn thuế GTGT ngày càng diễn biến phức tạp. Một số cục thuế như Hà Nội, TPHCM đã phát hiện và xử lý một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách của Nhà nước, có những thủ đoạn, hành vi gian lận mới để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của ngân sách nhà nước. Thế nhưng, việc siết và áp quy định cũng cần sát với quy luật kinh doanh của DN.

Phản ứng về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Long, giám đốc một công ty sản xuất kinh doanh thiết bị trường học cho rằng, DN sản xuất dự trữ là điều phổ biến. Nếu hàng tồn kho không được hoàn thuế thì DN khó còn đất sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chậm trễ hoàn thuế: Càng gỡ càng rối