Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, nhưng thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng với mức độ phức tạp, trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội. Điều đáng lưu tâm, các vụ việc không đơn thuần chỉ là những hành vi đánh nhau dẫn đến thương tích cho cơ thể mà các em còn quay video và đưa lên mạng xã hội để làm nhục người khác, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về tinh thần của nạn nhân.
Bạo lực học đường chưa dừng lại
Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, mạng xã hội lan truyền clip 1 nhóm học sinh “đánh hội đồng” nam sinh ngay trước cổng Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana (Đắk Lắk). Theo nội dung clip, trong lúc 2 nam sinh cãi nhau và 1 trong 2 nam sinh này giơ tay tát bạn thì bất ngờ phía bên ngoài có nhiều nam sinh khác cầm mũ bảo hiểm xông vào đánh liên tiếp vào đầu, vào người 1 nam sinh. Bị đánh hội đồng, nam sinh này cũng dùng mũ bảo hiểm đánh lại. Thời điểm xảy ra vụ việc có rất nhiều học sinh tan trường chứng kiến nhưng không ai can ngăn. Vụ việc chỉ dừng lại khi có bảo vệ cùng một thầy giáo chạy ra.
Lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana cho hay, Trung tâm đang tổ chức họp, xem xét sự việc để đưa ra hình thức xử lý đối với những học sinh tham gia đánh nhau.
Cùng thời điểm trên (ngày 29/9) một học sinh lớp 10 ở Huế đã dùng dao rượt bạn trong giờ ra chơi. Theo đó, vụ việc xảy ra trong giờ ra chơi tại Trường THPT Nam Đông (Thừa Thiên Huế), trong lúc vào nhà vệ sinh, giữa 2 học sinh lớp 10 đã xảy ra xích mích. Sau đó, 1 nam sinh đã dùng dao rượt khiến nam sinh còn lại bị thương. Lãnh đạo Trường THPT Nam Đông cho hay, ngay khi phát hiện, các thầy cô giáo nhà trường đã đưa học sinh bị thương vào sơ cứu ban đầu, sau đó đưa lên Trung tâm y tế huyện. Theo thông tin từ gia đình, hiện học sinh này đã được chuyển viện về TP Huế. Cũng theo lãnh đạo Trường THPT Nam Đông, do vụ việc đang được cơ quan công an điều tra nên nhà trường không thể tiết lộ danh tính những học sinh tham gia vụ việc. Khi nào công an có kết quả điều tra, trường sẽ thông tin cụ thể.
Trên đây chỉ là 2 vụ việc bạo lực học đường mới nhất xảy ra trong tháng 9 vừa qua. Hiện tượng này không mới nhưng thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng với mức độ phức tạp, trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội. Một câu hỏi đặt ra: Làm sao để “ngăn sóng” bạo lực học đường, khi vấn nạn này chỉ được bàn thảo khi xảy ra vụ việc hoặc gia tăng liên tục về số lượng rồi đâu lại để nguyên đấy.
Nền tảng giáo dục là quan trọng
Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau…
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất, giờ đây giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30. Trong đó, có hơn 75% các trường hợp bạo lực mà đối tượng là học sinh, sinh viên. Tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Phần lớn các vụ học sinh xô xát, đánh nhau xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp, trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động, xúi giục, lôi kéo của bạn bè… Không ít nạn nhân của bạo lực học đường sau đó đã rơi vào tình trạng cô đơn, không tìm kiếm được sự bảo vệ đã bỏ học, sa ngã. Nhiều em bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, luôn sống trong cảm giác sợ hãi…
Vậy đâu là giải pháp để ngăn chặn bạo lực học đường tận gốc? TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục phân tích, mỗi một học sinh với những đặc điểm tâm thần kinh khác nhau, trong giai đoạn phát triển khác nhau sẽ có nguy cơ gây bạo lực học đường ở mức độ khác nhau. Việc loại bỏ hoàn toàn bạo lực học đường là điều không thể. Tuy nhiên, nhiệm vụ của nhà trường và thầy cô là phải quản lý và giảm thiểu ở mức thấp nhất để tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh. Thậm chí, là truyền thông cũng không thể coi mình vô can và đưa tin theo kiểu giật tít, câu like. Chúng ta cần hợp tác, hành động vì chính những học sinh bị bạo lực và môi trường giáo dục lành mạnh cho những trẻ em khác.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, để giảm tình trạng bạo lực học đường, trước hết, trường học phải dạy học sinh phát triển những giá trị tốt đẹp, dựa trên nền tảng từ sự tôn trọng, tình thương yêu, lòng khoan dung và dạy cho các em các kỹ năng sống để khi xảy ra xung đột các em biết cách tự hòa giải, trình bày, giải quyết các vấn đề. Từ nền tảng đó, trường học cần xây dựng quy trình xử lý những xung đột, sự cố xảy ra trong nhà trường. Tiếp đến là phối hợp phụ huynh, khơi gợi ý thức tự giác, trách nhiệm, cùng tham gia với nhà trường trong việc giáo dục con cái.
Nhìn rộng ra, xã hội, nhà trường, gia đình, các bậc cha mẹ cần nhận thức rõ hơn tầm quan trọng về sự phát triển và hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Thế chân kiềng nhà trường - gia đình và xã hội thật vững chãi mới góp phần điều chỉnh hành vi của mỗi đứa trẻ, giúp trẻ hướng đến những điều tốt đẹp trong xã hội. Như vậy, mới có thể kỳ vọng về việc ngăn chặn từ gốc nạn bạo lực học đường.