Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến 6h sáng ngày 5/2, cả nước không có ca mắc Covid-19 nào. Như vậy, kể từ ngày 27/1 đến thời điểm đó, đây là lần đầu tiên sau 12 giờ liên tục, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, các ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng đã xuất hiện ở 11 tỉnh, thành phố. Đó là Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang và Điện Biên.
Tính đến nay, kể từ đầu dịch, cả nước có 1.068 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Còn tính từ đợt bùng phát dịch lần thứ 3 (ngày 27/1/2021 đến sáng ngày 5/2/2021), cả nước có 375 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Có thể thấy tốc độ lây nhiễm Covid-19 lần này nhanh hơn trước rất nhiều, có ở nhiều tỉnh/thành trong cùng một thời điểm. Tuy nhiên, điều đáng mừng, theo cơ quan y tế, trong số những bệnh nhân điều trị Covid-19 chỉ có 1 ca bệnh nặng (bệnh nhân 1539 ở Đà Nẵng, có tiền sử cao huyết áp và tiểu đường đã lâu năm) và 3 trường hợp được hỗ trợ thở ôxy. Còn từ đầu dịch đến nay (hơn 1 năm), cả nước có 35 ca tử vong do Covid-19.
Cuộc chiến chống Covid-19 ở nước ta suốt hơn 1 năm qua là cuộc chiến chống dịch lớn nhất chưa từng có. Ngay từ đầu năm 2020, khi những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), là nước láng giềng có chung đường biên giới rất dài, Việt Nam đã chủ động vào cuộc, đưa ra nhiều biện pháp ngăn ngừa, chống dịch. Tính đến hết năm 2020, chúng ta đã qua 2 lần bùng phát dịch với các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đó cũng là thời gian cả nước siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Các chủ trương, biện pháp quyết liệt được đưa ra từ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các địa phương. Đặc biệt, trong cuộc chiến ấy là vai trò của hệ thống Y tế từ Trung ương đến cơ sở; là vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng Biên phòng. Đội ngũ thầy thuốc, các chiến sĩ Biên phòng đã thực sự là “tấm khiên” vững chãi bảo vệ nhân dân, đất nước trước sự tấn công của dịch bệnh.
Trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù vô thanh vô ảnh ấy, người dân cả nước đã đồng lòng bảo vệ mình cũng là bảo vệ cộng đồng. Hơn 100.000 khu dân cư cả nước đã trở thành hơn 100.000 pháo đài dập dịch và từng người dân đã trở thành chiến sĩ trên mặt trận ấy.
Cũng chính vì thế mà trong năm 2020, trải qua hai đợt bùng phát dịch Covid-19 với những ca lây nhiễm ra cộng đồng, chúng ta đã nhanh chóng truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng, hạn chế tối đa số ca lây nhiễm và số ca tử vong. Chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch ở bên trong là chủ trương vô cùng sáng suốt của Chính phủ. Từ đó chúng ta đã từng có hai đợt kéo dài không có ca lây nhiễm trong cộng đồng (đợt một kéo dài 99 ngày; đợt hai là 55 ngày).
Thế giới ngưỡng mộ Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Vì rằng, trong khi hầu hết các quốc gia đều rơi vào khủng hoảng do đại dịch, thì Việt Nam vẫn vừa kiểm soát dịch vừa phát triển kinh tế. Bằng chứng là kết thúc năm 2020, tăng trưởng GDP toàn thế giới rơi xuống mức âm 4% thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%.
Nhưng lần này, tại đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ ba, có nhiều phức tạp hơn. Trước hết, với sự lây lan nhanh hơn của biến thể virus SARS-CoV-2 tới 70%, thì tốc độ lây nhiễm ra cộng đồng cũng ghê gớm hơn. Tiếp đó là số người tiếp xúc gần với những ca lây nhiễm đầu tiên ở nhiều địa phương, và bản thân họ cũng di chuyển nhiều, khiến cho công tác truy vết, khai báo, xét nghiệm y tế cũng như tiến hành phong tỏa, cách ly tập trung khó khăn hơn rất nhiều. Và, cũng đặc biệt khi đợt bùng phát dịch lần này xảy ra vào thời điểm Tết Nguyên đán đã đến rất gần (bắt đầu phát hiện ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng chỉ cách Giao thừa 14 ngày). Đây là thời điểm người dân di chuyển nhiều từ vùng này sang vùng khác để về quê đón Tết, sự di chuyển đan chéo. Điều này khiến cho công tác phòng, chống dịch trở nên vô cùng phức tạp.
Xin được nhắc lại, chỉ trong vòng 9 ngày từ khi phát hiện ca mắc mới đầu tiên cho đến sáng ngày 5/2, đã có tới 10 tỉnh/thành xuất hiện bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Thực tế đó cho thấy mức độ nguy hiểm của đợt bùng phát dịch lần này. Dẫu rằng với nhiều biện pháp thần tốc, quyết liệt, chúng ta đã hạn chế ở mức thấp nhất lây nhiễm nhưng cũng không thể vì thế mà chủ quan, vì những ngày tới tiếp tục là thời gian có nhiều yếu tố để dịch lan rộng khi mà lượng người di chuyển từ vùng này sang vùng khác là rất lớn.
Trong tình thế đó, rất cần sự tự giác của mỗi ngươi dân, không di chuyển từ vùng này sang vùng khác nếu không thật cần thiết. Tự giác khai báo y tế, khai báo với chính quyền địa phương phải được đẩy lên. Và, cũng xin được nhắc lại, để thành quả của cuộc chiến chống dịch Covid-19 của đất nước không bị phá hủy thì mỗi người đều phải nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Đó là: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI - KHAI BÁO Y TẾ.