Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Công điện số 665 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Dịch bệnh sốt xuất huyết hiện đang có nhiều diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành. Trong khi đó, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh.
T hông tin từ Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố. Đến nay cả nước ghi nhận hơn 120.000 ca mắc SXH, 40 người tử vong. Số mắc tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số mắc bắt đầu tăng từ tháng 5, chủ yếu vẫn là các ca tản phát, có một số ổ dịch quy mô nhỏ, không có ổ dịch lớn. Tuy nhiên, dịch đã lan ra cả nước (riêng các tỉnh phía Nam chiếm khoảng 82%).
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh SXH Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Đáng chú ý, bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ kê đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì cần vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.
Bệnh SXH bùng phát trong khi một số bệnh lây nhiễm khác cũng có dấu hiệu gia tăng, trong đó có bệnh chân tay miệng. Thời điểm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo làn sóng Covid-19 có khả năng quay trở lại, với biến thể Omicron BA.5, có tốc độ lây lan rất nhanh so với các biến thể khác. Từ ngày 27/6, Bộ Y tế cho biết biến thể BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam.
Chưa hết, ngày 23/7, Tổng giám đốc WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, do tốc độ lây truyền nhanh, nguy cơ lan rộng tới nhiều quốc gia. Theo ông Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho dù Việt Nam chưa phát hiện ca đậu mùa khỉ nào nhưng nguy cơ vẫn rất cao khi mà một số quốc gia gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Ông Tâm cho rằng, nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực. Trong khi đó, tại Việt Nam đã bỏ tờ khai y tế đối với khách quốc tế. Vì vậy người dân ở các quốc gia khác vào Việt Nam thuận lợi, trong đó có các quốc gia đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.
Còn bác sĩ Đỗ Hồng Hiên - chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam hiện chưa có báo cáo ca bệnh đậu mùa khỉ nhưng “chỉ là vấn đề thời gian”. “Chúng ta cần có các biện pháp ứng phó sàng lọc, ngăn chặn không gây lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế là những người có nguy cơ cao” - ông Hiên cảnh báo.
Như vậy, cùng một lúc chúng ta phải đối mặt với ít nhất là 4 dịch bệnh (SXH, chân tay miệng, đậu mùa khỉ và Covid-19). Vì thế việc tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng cũng như khẩn trương kích hoạt hệ thống y tế dự phòng, y tế điều trị là rất cần thiết. Mà trước hết là y tế dự phòng, nếu không làm tốt thì rất dễ khiến dịch xâm nhập, bùng phát và lây lan ra diện rộng; cùng đó là nguy cơ “dịch chồng dịch”. Lúc đó, việc khoanh vùng dập dịch, điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm cũng như những bài học từ việc phòng, chống đại dịch Covid-19, đặc biệt là ở đợt bùng phát thứ 4 buộc phải áp dụng nhiều biện pháp hạn chế, giãn cách, phong tỏa, gây rất nhiều hệ lụy. Vì vậy, đối với các loại bệnh dịch đã và đang lưu hành thì cùng với hệ thống y tế, từng người dân cũng cần hết sức cảnh giác. Chỉ lơ là một chút thôi thì cũng rất có thể bị dịch tấn công, từ đó lây lan rộng.
Phương châm duy nhất đúng và phải làm ngay là phải chặn dịch từ xa, trong trường hợp xuất hiện ca nhiễm thì phải lập tức khoanh vùng, áp dụng các biện pháp y tế cần thiết để dập dịch. Chỉ có như vậy mới bảo vệ được sức khỏe của người dân, để thành quả phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau khi đã kiểm soát được dịch Covid-19 không bị ảnh hưởng.