Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Chặn đứng những “chuyến xe bão táp”

Hoàng Phong 05/02/2025 10:08

Tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá số người quy định vẫn ngang nhiên tái diễn đầu năm, bất chấp quy định pháp luật. Không chỉ là vi phạm hành chính, đây còn là hành vi coi thường tính mạng con người, đòi hỏi sự trấn áp quyết liệt hơn của ngành chức năng để lập lại trật tự giao thông. Đặc biệt, khi Nghị định 168/NĐ-CP đi vào cuộc sống, công tác kiểm soát giao thông đã có chuyển biến tích cực, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông dịp Tết vừa qua.

Mới đây, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an) đã phát hiện xe khách mang biển kiểm soát 36H - 085.XX chạy trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cao Bồ - Mai Sơn - QL45, chở 56 người thay vì 46 người như quy định. Đáng báo động, tài xế L.V.S. không có giấy phép lái xe, cho thấy sự buông lỏng quản lý của doanh nghiệp vận tải…

Cứ mỗi dịp lễ, Tết, những chiếc xe khách lại trở thành “hộp diêm di động”, hành khách bị nhồi nhét đến mức không thể nhúc nhích, đối diện với nguy cơ ngạt thở, chấn thương do phanh gấp, tai nạn do xe mất kiểm soát. Hệ thống phanh bị quá tải, tài xế căng thẳng khi điều khiển phương tiện vượt công suất thiết kế... Mỗi chuyến đi là một hành trình đầy rủi ro.

Cao điểm sau Tết, khi người dân ồ ạt trở lại thành phố làm việc, sinh viên nhập học, khách du xuân nườm nượp kéo về lễ hội, các nhà xe đã không ngần ngại tận dụng nhu cầu đi lại tăng cao để trục lợi. Họ bán vé quá số ghế, sắp xếp chỗ ngồi dọc lối đi, thậm chí biến khoang hành lý thành nơi chứa khách. Mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh hành khách chen chúc, nằm la liệt trên sàn xe. Những phản ánh này không còn xa lạ, nhưng vì sao tình trạng này vẫn tái diễn năm này qua năm khác?

Câu trả lời nằm ở ý thức thực thi pháp luật còn lỏng lẻo, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, và quan trọng hơn cả, chính hành khách vẫn chấp nhận đi xe nhồi nhét. Nếu không có khách lên xe, liệu các nhà xe còn có cơ hội vi phạm? Nếu hành khách đồng loạt từ chối những chiếc xe quá tải, liệu tình trạng này có còn đất sống? Nhưng thực tế cho thấy, thay vì đứng lên đòi quyền lợi chính đáng, nhiều người vẫn miễn cưỡng chấp nhận, thậm chí trở thành “nạn nhân tự nguyện” của những “chuyến xe bão táp”.

Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là Nghị định 168/NĐ-CP đã dần phát huy hiệu quả. Với các quy định nghiêm khắc hơn, đặc biệt là cơ chế trừ điểm trên giấy phép lái xe, tài xế vi phạm không chỉ đối mặt với án phạt tiền mà còn có nguy cơ mất quyền lái xe vĩnh viễn nếu tái phạm nhiều lần. Thống kê cho thấy, trong kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 55.842 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 172 tỷ đồng, 7.035 giấy phép lái xe bị trừ điểm và tạm giữ 428 ô tô, 20.782 mô tô. Riêng vi phạm nồng độ cồn, số trường hợp bị xử lý giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy tác động mạnh mẽ của Nghị định này đối với hành vi của người tham gia giao thông.

Mỗi năm, hàng loạt chiến dịch kiểm tra, xử phạt, tạm giữ phương tiện được triển khai. Nhưng nếu chỉ dựa vào xử phạt, mà không thay đổi gốc rễ vấn đề, thì vi phạm vẫn tiếp diễn. Giải pháp căn cơ phải là đánh mạnh vào kinh tế của doanh nghiệp vận tải. Không thể chỉ phạt tài xế mà phải xử lý trách nhiệm của chủ xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Đình chỉ hoạt động xe vi phạm nhiều lần, rút giấy phép kinh doanh, công khai danh tính trên phương tiện truyền thông sẽ có sức răn đe mạnh hơn so với một khoản tiền phạt.

Bên cạnh đó, công nghệ cần được áp dụng để giám sát chặt chẽ số lượng hành khách trên mỗi xe. Lắp đặt cảm biến trọng tải, hệ thống kiểm soát hành trình kết nối trực tiếp với cơ quan chức năng sẽ ngăn chặn tình trạng xe khách chở quá số người ngay từ đầu. Nếu phát hiện vi phạm, xe phải bị chặn lại ngay tại bến, thay vì để lăn bánh trên đường rồi mới xử lý.

Quan trọng không kém là thay đổi nhận thức của hành khách. Cần có kênh phản ánh nhanh chóng, nơi người dân có thể tố giác xe vi phạm ngay tại thời điểm lên xe, giúp cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời. Một cộng đồng hành khách có ý thức sẽ tạo ra áp lực mạnh mẽ buộc nhà xe phải thay đổi.

Ngăn chặn những “chuyến xe bão táp” không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chức năng, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Khi hành khách không thỏa hiệp với sự nhồi nhét, khi doanh nghiệp vận tải hiểu rằng vi phạm không còn là con đường sinh lời, và khi pháp luật đủ nghiêm minh để trấn áp mạnh tay các sai phạm, thì hình ảnh kinh hoàng về những chuyến xe quá tải mới thực sự biến mất.

Nghị định 168/NĐ-CP đã bước đầu phát huy tác dụng, nhưng nếu muốn thay đổi triệt để, cần một cuộc cách mạng về ý thức và trách nhiệm của cả doanh nghiệp lẫn hành khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn đứng những “chuyến xe bão táp”