Trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có quy hoạch. Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, cần công khai minh bạch trong quy hoạch.
ĐBQH Tạ Văn Hạ. Ảnh: Quang Vinh.
PV: Thưa ông, khi đề cập đến vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm, thì “lợi ích nhóm trong quy hoạch” là cái dễ nhìn nhận nhất. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Ông Tạ Văn Hạ: Đúng là trước kia ở một số nơi, có chuyện lợi dụng quy hoạch để làm những việc chưa đúng. Chưa đúng ở đây là nói đến lợi ích nhóm trong quy hoạch. Và theo tôi lợi ích nhóm là yếu tố chính. Thứ hai là do buông lỏng trong công tác quản lý, trình độ năng lực của cán bộ trực tiếp làm công tác quy hoạch còn yếu kém, có nhiều mặt hạn chế. Nhưng nói gì thì nói yếu tố lợi ích nhóm vẫn là đầu tiên cho nên mới có việc quy định được xây dựng là như thế này nhưng anh lại cố tình điều chỉnh theo hướng tăng lên. Một khu đô thị theo quy định chỉ có 10 khối nhà nhưng anh làm tăng lên, tức là tăng diện tích xây dựng, tăng mật độ xây dựng, giảm mật độ cây xanh, không gian văn hóa, giáo dục, y tế. Đó là sai phạm nghiêm trọng và cần phải xử lý cũng như có giải pháp xử lý dứt điểm. Vì vậy, chúng ta phải công khai minh bạch để người dân có điều kiện giám sát, cơ quan quản lý sớm phát hiện, kịp thời xử lý, khắc phục những tình trạng như vậy.
Ông vừa đề cập đến việc cần công khai quy hoạch để dân giám sát nhưng việc thay đổi quy hoạch, điển hình là thay đổi công năng, xây dựng vượt tầng tại các dự án xây nhà chung cư đang diễn ra rất phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Việc thay đổi quy hoạch, xây thêm vượt tầng người dân đã nhìn thấy, cơ quan chức năng cũng biết. Vậy theo ông, tại sao các sai phạm vẫn cứ tồn tại?
- Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, sau đó là của các cấp chính quyền địa phương. Những sai phạm lớn như vậy anh phải thấy chứ? Để xảy ra những chuyện như vậy chính là sự lãng phí, thất thoát lớn của xã hội, nhân dân. Do đó cần xử lý nghiêm trách nhiệm của những người làm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
Chúng ta hay đề cập đến sự liên kết theo nhóm lợi ích giữa “khối trong Nhà nước” và khối “ngoài Nhà nước” và dường như, có tình trạng quy hoạch được cấp chính quyền điều chỉnh theo ý muốn của doanh nghiệp. Vậy theo ông làm sao khắc phục được tình trạng này?
- Thứ nhất cần công khai minh bạch. Dự án này, quy hoạch này phải được dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Lúc bấy giờ công khai rõ ràng, minh bạch rồi sẽ làm giảm đi lợi ích nhóm, hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch theo ý muốn. Thứ hai song song với nó phải có chế tài, xử lý thật nghiêm đối với những người có trách nhiệm quản lý nhưng cố tình làm sai, làm không đúng quy định của pháp luật về vấn đề quy hoạch.
Cái mà chúng ta lo ngại nhất chính là việc “tham nhũng chính sách”, cấu kết để làm chính sách có lợi cho một nhóm lợi ích. Theo ông việc điều chỉnh quy hoạch theo ý muốn của doanh nghiệp có phải là tham nhũng chính sách? Chúng ta cần xử lý vấn đề này như thế nào?
- Chuyện tham nhũng chính sách chúng ta đã đặt ra nhưng theo tôi ranh giới để xác định thế nào là tham nhũng chính sách chưa rõ ràng. Ở đây chủ yếu là các cơ quan quản lý Nhà nước khi trình các dự án luật đều nghiêng về hướng làm sao cho mình dễ dàng quản lý. Cho nên mới có chuyện điều khoản a, b đặt ra các thủ tục hành chính để gây phiền hà, không cần thiết. Do đó, trong quá trình xây dựng luật, các Ủy ban của Quốc hội là những cơ quan thẩm tra cần phải nêu lên vấn đề này, còn các ĐBQH cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, làm sao hạn chế tối đa những tư tưởng ấy.
Từ việc quy hoạch bị thay đổi, hay thay đổi công năng nên ở một số dự án nhà chung cư người dân không được cấp sổ hồng do chủ đầu tư mắc sai phạm, làm không đúng giấy phép xây dựng. Theo ông cần xử lý vấn đề trên như thế nào để đảm bảo lợi ích của người mua nhà?
- Muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền thì vấn đề thượng tôn pháp luật phải được đặt lên trên hết. Chủ đầu tư làm sai phải xử phạt chủ đầu tư, còn các cán bộ quản lý trong lĩnh vực xây dựng sai cũng phải xử lý. Tất nhiên trong quá trình xử lý phải chú ý đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân - là những người mua nhà có nhu cầu ở thực sự, làm sao để dân vừa không thiệt thòi về vật chất và đồng thời đảm bảo điều kiện sống cho họ.
Trân trọng cảm ơn ông!