Mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh có gần 10.000 tấn rác thải được thu gom xử lý, trong đó ngoài 90% là rác thải sinh hoạt, còn lại là rác thải công nghiệp và y tế. Điều đáng nói, tình trạng “đổ trộm” trái phép chất thải độc hại tại các khu vực vùng ven đã và đang đặt ra các áp lực vô hình trong công tác thu gom rác thải của TPHCM.
Nhiều doanh nghiệp vi phạm
Là đô thị vệ tinh của TPHCM, người dân sinh sống tại các tuyến đường số 2, 5, 14 thuộc phường Linh Xuân, TP Thủ Đức cho biết, kể từ thời điểm đầu năm khi dịch Covid-19 giảm bớt cũng là lúc có nhiều bãi rác tự phát xuất hiện ở các cung đường này bốc mùi nồng nặc.
Ông Phạm Văn Khiên (43 tuổi) - trú khu phố 2 phường Linh Xuân cho biết, người dân bức xúc cắm biển cấm đổ rác trên các đống rác cũ (đã xử lý đốt bỏ) thế nhưng cứ sau một đêm lại phát sinh thêm các bãi rác ngổn ngang chồng chất lên nhau.
Ông Nguyễn Thanh Bình - một cán bộ hưu trí tại phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức phản ánh, mới đây một xe chở nhớt bẩn (đã qua sử dụng) có hành vi ngang nhiên “đổ chui” ra mặt đường kéo dài từ phường Hiệp phú đi qua phường Tăng Nhơn Phú B (đường Quang Trung và đường 12). Vụ việc sau đó đã được người dân báo tin đến Công an TP Thủ Đức để xử lý.
Chọn các khung giờ đêm khuya hoặc rạng sáng để “đổ chui” rác thải độc hại, các phương tiện cũng rất tinh vi khi chọn các địa điểm hẻo lánh, vùng ven của TPHCM để xả thải trái phép. Điều đáng nói, không chỉ các nhà xưởng ở quy mô nhỏ, hộ gia đình, nhiều doanh nghiệp cũng có hành vi xả thải trực tiếp chất thải độc hại ra môi trường.
Gần đây nhất, 1 nhà xưởng của Công ty TNHH Monarch Laundry tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè hoạt động trong lĩnh vực giặt công nghiệp đã bị xử phạt với số tiền 325 triệu đồng về hành vi xả thải ra môi trường.
Theo cơ quan chức năng TPHCM, qua kiểm tra, từ năm 2017 doanh nghiệp này đã nhiều lần thực hiện hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 đến 3 lần (100 - 200m3/ngày, đêm) các chất giặt tẩy độc hại ra môi trường.
Trước đó, 1 công ty thuộc da hoạt động trong Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) cũng bị xử phạt số tiền lên đến gần 6,4 tỷ đồng do không thu gom triệt để chất thải nguy hại vào khu vực lưu chứa tạm thời theo quy định. Trong khi đó, có hành vi để chất thải nguy hại ngoài trời mà chất thải có thể tràn, đổ, phát tán ra ngoài môi trường. Cũng theo cơ quan chức năng, doanh nghiệp này còn có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600m3/ngày đến dưới 800m3/ngày.
Vấn nạn tái diễn “đổ chui” rác thải độc hại được lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM nhìn nhận, đã và đang gây nhiều áp lực trong công tác thu gom, xử lý chất thải của thành phố.
Xử lý tại nguồn, tăng chế tài xử phạt
Là một đơn vị tham gia công tác thu gom rác thải tại TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ môi trường sạch và xanh toàn cầu cho biết, kể từ sau dịch Covid-19 đến nay, công ty chưa tuyển thêm nhân sự, ngoài ra với phát sinh rác thải ngày càng lớn cũng khiến đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Trung, việc thay thế, chuyển đổi từ thu gom rác thủ công bằng phương thức thu gom bằng phương tiện cơ giới cũng đang khiến công tác thu gom rác gặp nhiều bất cập.
Ông Phan Văn Hà - đại diện một đơn vị thu gom khác tại TPHCM cũng phản ánh, việc thu gom rác đang gặp nhiều khó khăn, số phương tiện của công ty đang quá tải, số lượng rác tăng nhanh hàng ngày. Ông Hà cũng cho rằng, các nguồn rác thải tập kết tại các điểm thu gom cần được kiểm soát để đảm bảo ngăn chặn các đơn vị “đổ chui” rác thải ra môi trường.
Về giải pháp chuyển đổi phương thức thu gom rác, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TNMT TPHCM cho biết, thành phố đang triển khai 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác truyền thống sang đốt phát điện. Để tránh phát sinh các rác thải độc hại chưa được phân loại tại nguồn, các quận, huyện cũng được yêu cầu tuyên truyền người dân trên địa bàn giảm sử dụng túi nylon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa, khuyến khích người dân sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường, tự phân hủy.
Không chỉ riêng tại TP Thủ Đức, đại diện Sở TNMT TPHCM cũng yêu cầu các quận, huyện cùng phối hợp thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện có trường hợp thu gom, vận chuyển rác từ tỉnh giáp ranh về các điểm tập kết, trạm trung chuyển của TPHCM. Các trường hợp vi phạm này được Sở TNMT TPHCM yêu cầu báo cáo với cảnh sát môi trường và UBND quận, huyện và TP Thủ Đức để xử lý theo thẩm quyền.
Đối với nạn “đổ chui” rác thải độc hại tại các vùng ven của TPHCM, ông Trần Duy Long - Phó Trưởng phòng TNMT TP Thủ Đức cho biết, tình trạng nhiều xe rác từ các địa bàn khác chuyển rác về đổ tại các trạm trung chuyển trên địa bàn TP Thủ Đức đã được cơ quan này ghi nhận. Đồng thời, với những phương tiện được phát hiện sẽ được nhắc nhở và giao cho đơn vị vận hành của các trạm trung chuyển xử lý. Cũng theo ông Long, hiện nay TP Thủ Đức có 8 trạm trung chuyển rác với công suất 725 tấn/ngày nhưng thực tế đang gom từ 1.200-1.400 tấn/ngày.