Tiếng dân

Chặn quảng cáo “bẩn”

LÊ ANH 20/02/2024 07:57

Tình trạng livestream bán hàng, quảng cáo trái quy định trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe vẫn tiếp diễn. Ngành y tế TP HCM đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để xử lý triệt để tình trạng này nhưng không ít cá nhân, tổ chức vẫn lén lút hoạt động bát nháo.

anhto.png
Công an TPHCM khai thác nhanh “Mr Lee” và các đối tượng liên quan hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế ngày 15/11/2023. ẢNH: SỞ Y TẾ TPHCM.

Xử phạt chưa đủ răn đe?

Đây là thực tế nhức nhối, có những cơ sở bị xử lý nhiều lần nhưng vẫn tái phạm do mức xử phạt còn nhẹ. Trường hợp điển hình ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã vào cuộc, tổ chức đoàn kiểm tra phát hiện một số cơ sở quảng cáo và tư vấn trái phép trong lĩnh vực y tế trên địa bàn.

Sau kiểm tra, đã xử phạt vi phạm đối với Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Đại Việt và cá nhân bà Lê Hoàng Trâm bằng hình thức phạt tiền theo quy định, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 2 tháng. Ngoài ra, cơ quan này còn tiếp tục phối hợp với Công an TPHCM để xác minh, làm rõ việc công ty quảng cáo đã được Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Đại Việt ký hợp đồng quảng cáo trái phép trong lĩnh vực y tế.

Trước đó, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cũng đã xác minh việc đăng thông tin quảng cáo trên các trang mạng xã hội để dẫn dắt người bệnh đến khám chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Đại Việt có liên quan đến Công ty TNHH Quảng cáo Fruit có trụ sở tại địa chỉ tầng 6, 7 số 1505 đường Ba Tháng Hai (Phường 16, quận 11). Điều đáng nói, kể từ ngày 30/1/2024, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phối hợp với đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an TPHCM tiến hành kiểm tra đột xuất tại cơ sở khám chữa bệnh của Công ty TNHH Quảng cáo Fruit.

Tại đây, Đoàn kiểm tra đã phát hiện tại khu vực tầng 6 tòa nhà có 1 phòng không biển hiệu. Bên trong có trang bị hệ thống máy tính và có các nhân viên đang thực hiện tư vấn, quảng cáo các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân trên các trang mạng xã hội. Qua kiểm tra, Đoàn còn ghi nhận cơ sở này có hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh cho các cơ sở y tế, bao gồm: Phòng khám đa khoa Đại Việt, Phòng khám đa khoa Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) bằng hình thức thiết kế website và chạy quảng cáo trên Google, Facebook.
Theo ghi nhận của Đoàn kiểm tra, nhân viên tại Công ty TNHH Quảng cáo Fruit có hành vi thực hiện tìm kiếm khách hàng có lượt tương tác trên các trang mạng xã hội như website, Google, Facebook, Zalo,…Sau đó tiến hành tư vấn các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo tài liệu đã được hướng dẫn trước đó để lôi kéo khách hàng có nhu cầu đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà công ty đã hợp tác thực hiện.

Dù đã “bắt quả tang”, đồng thời Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu Công ty TNHH Quảng cáo Fruit ngừng việc tư vấn khám, chữa bệnh trên các nền tảng mạng xã hội thế nhưng phía cơ sở này vẫn bất chấp và tiếp tục hoạt động vi phạm quy định quảng cáo trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.

anhnho.jpg
Cơ sở khám chữa bệnh gắn mác Mr.Lee tại TP Thủ Đức bị xử phạt nhiều lần do vi phạm trong lĩnh vực y tế.

Ngành Y tế quyết liệt vào cuộc

Không chỉ tại cơ sở y tế “chui” hoạt động vi phạm trên mạng xã hội kể trên, ngành y tế TPHCM phối hợp với chính quyền TP Thủ Đức nhiều lần kiểm tra đột xuất, phát hiện sai phạm tại một cơ sở có gắn bảng hiệu “Mr. Lee” tại số 15 Nguyễn Quý Cảnh (phường An Phú, TP Thủ Đức). Dù đã “5 lần 7 lượt” kiểm tra, bắt quả tang nhưng những dịch vụ ăn theo “Mr. Lee” hoặc phòng khám mang tên “Mr. Lee” vẫn lan tràn trên không gian mạng.

Trước bức xúc của dư luận, ngày 25/1/2024, Thanh tra Sở Y tế TPHCM phối hợp với Công an TP và Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức đoàn kiểm tra đột xuất tại tầng 3, tòa nhà số 24 đường Ba Tháng Hai (phường 12, quận 10) liên quan đến hoạt động hội thảo do công ty TNHH Thẩm mỹ quốc tế Yonglee tổ chức có sự tham gia của người nước ngoài và ông Trương Thanh Tịnh (chủ cơ sở y tế “chui” Mr. Lee).

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một số người quốc tịch Hàn Quốc và hơn 50 khách mời và nhân viên tổ chức sự kiện. Theo hình ảnh nội dung quảng cáo chương trình của hội thảo này, Đoàn kiểm tra phát hiện và ra Quyết định tạm giữ 11 loại sản phẩm (gồm trang thiết bị y tế, hộp filler), hơn 400 tờ rơi, catalogue giới thiệu sản phẩm, 6 standee quảng cáo hội thảo để tiếp tục xác minh làm rõ.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, đại diện Công ty TNHH Thẩm mỹ quốc tế Yonglee chỉ cung cấp hình ảnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cấp cho Công ty TNHH Thẩm mỹ quốc tế Yonglee, nhưng không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tổ chức sự kiện, hội thảo và các hồ sơ pháp lý liên quan đến các sản phẩm filler và trang thiết bị y tế đang được trưng bày, giới thiệu tại hội thảo.

Điều đáng nói, kể từ ngày 15/9/2023, ngay khi nhận được thông tin phản ánh của người dân (qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” và đơn phản ánh), Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TPHCM, lập biên bản kiểm tra y tế, yêu cầu dừng ngay việc hành nghề thẩm mỹ trái phép, cũng như chấm dứt việc quảng cáo trái phép trên mạng xã hội. Thế nhưng, đến đầu năm 2024 thì một số hoạt động ăn theo cơ sở thẩm mỹ Mr. Lee vẫn hoạt động công khai.

Để tăng chế tài nghiêm khắc hơn trong xử lý các vi phạm trong quảng cáo y tế, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ban hành Quy trình phản ứng nhanh trong tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế có hiệu lực ngay từ đầu năm 2024 đến nay. Thanh tra Sở Y tế TPHCM sẽ là nơi tiếp nhận và xử lý toàn bộ các nội dung phản ánh của người dân liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế.

Theo ông Nguyễn Hải Nam - Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, việc livestream bán thuốc qua mạng là hành vi vi phạm pháp luật, bất kể là cá nhân hay tổ chức nào. Bởi vì, hiện nay việc kinh doanh dược trực tuyến chưa được pháp luật công nhận. Đồng thời, Sở Y tế cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm.

Về phía Sở Y tế TPHCM đã triển khai ứng dụng y tế trực tuyến và đường dây nóng để người dân có thể phản ánh ngay về việc kinh doanh thuốc qua mạng, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không có số đăng ký hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn quảng cáo “bẩn”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO