Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm bổ sung quy định về quảng cáo trực tuyến. Đây được cho là giải pháp mạnh nhằm kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh đang diễn ra trên mạng xã hội, đặc biệt là quảng cáo “rác”.
Chặn chỗ này lại “mọc” chỗ khác
Thời gian qua, hình thức bán hàng livestream (phát sóng trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi cho người bán lẫn người mua thì đây cũng là nơi để hàng giả, hàng rởm… thậm chí là hàng cấm thâm nhập vào thị trường.
Không ít người tiêu dùng đã bị mê hoặc, thậm chí nghiện hình thức mua sắm này khi các nhà bán hàng liên tục hô khẩu hiệu “giảm sập sàn”, “không đâu rẻ hơn”, “rẻ vô địch”, “cam kết hoàn tiền nếu không đúng sự thật”… Đáng nói hơn, nhằm tạo uy tín cho sản phẩm, rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình.
Hay chỉ cần nhấn vào YouTube để xem một clip ngắn sẽ vấp phải không ít quảng cáo tài xỉu, tá lả ăn tiền, cá độ bóng đá... Còn ở Facebook quá nhiều fanpage được lập ra với những tên gọi, nội dung khác nhau nhưng đều có chung một mục đích là “cài cắm” quảng cáo cá độ, cờ bạc online. Không thiếu các fanpage có số lượng người theo dõi lên tới hàng trăm nghìn lượt nhưng bên cạnh việc tải các clip, hình ảnh về cuộc sống, sự kiện… thì cũng “tiện” gắn luôn quảng cáo cờ bạc, cá độ vào. Một số đối tượng còn lợi dụng hình thức quảng cáo để lôi kéo, dụ dỗ người dùng vay tiền trực tuyến với lãi suất cao.
Có thể nói việc quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay như “ma trận”. Cho dù các cơ quan chức năng đã phối hợp với các đơn vị quản lý nền tảng mạng xã hội đưa ra các chế tài xử phạt nhưng nó vẫn như những “chiếc vòi bạch tuộc”, chặn ở đây thì lại mọc ở chỗ khác, nhan nhản khắp mọi nơi. Cùng với đó, việc sử dụng ngôn ngữ thô tục, xúc phạm, chia sẻ hình ảnh phản cảm, livestream câu view bằng những hành động nguy hiểm... là những biểu hiện lệch chuẩn, thiếu văn hóa trên mạng xã hội.
Không ít người dùng bức xúc khi bắt gặp các quảng cáo lệch lạc, gây nhiễu thông tin xuất hiện một cách tràn lan trên mạng xã hội, nhưng họ dường như bất lực vì tìm mọi cách vẫn không tránh khỏi.
Tăng cường giải pháp
Bà Nguyễn Lan Phương - Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông cho rằng, để giải quyết tình trạng quảng cáo sai sự thật, cần đặt vấn đề trong chuỗi giá trị về quảng cáo với sự tham gia chính của 4 chủ thể: người quảng cáo - người chuyển tải sản phẩm quảng cáo - người phân phối/phát hành quảng cáo - người tiếp nhận quảng cáo. Trong trường hợp quảng cáo trên mạng xã hội, người phân phối quảng cáo là các nhà cung cấp nền tảng có khả năng thiết kế, kiểm soát các tính năng công nghệ trên nền tảng của mình để thúc đẩy quảng cáo minh bạch. Do đó, cơ quan chức năng nên cân nhắc quy định nghĩa vụ của các nền tảng trung gian đối với việc minh bạch trong quảng cáo.
Bà Phương cũng thông tin, trên thực tế, dù quy định này chưa có ở Việt Nam nhưng các nền tảng như Google, Facebook đều đã triển khai một số hoạt động bảo vệ người dùng như: gắn nhãn các nội dung được quảng cáo, rà soát để quét và gỡ bỏ các nội dung quảng cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, chặn gỡ quảng cáo vi phạm pháp luật theo báo cáo từ người dùng hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Thông tin từ Bộ VHTTDL, mới đây Bộ cũng đang đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm bổ sung quy định về quảng cáo trên mạng xã hội, kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh đang diễn ra khá sôi động trên môi trường mạng. Theo đó, nội dung sửa đổi về quảng cáo trên mạng bao gồm quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước.
Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như: quảng cáo trên mạng phải có dấu hiệu nhận diện bằng từ ngữ, ký hiệu hoặc các hình thức tương tự để người tiếp nhận xác định là quảng cáo và phân biệt với các thông tin không phải quảng cáo.
Đặc biệt, đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, người phát hành quảng cáo, người cung cấp dịch vụ quảng cáo trên mạng Internet phải thiết kế tính năng để người sử dụng có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp nhau với tổng thời gian không quá 7 giây; cho phép người sử dụng được từ chối quảng cáo hoặc báo cáo vi phạm với những quảng cáo có nội dung không phù hợp…
Người dùng mạng xã hội đang chờ đợi những động thái mới quyết liệt từ Bộ VHTTDL để loại bỏ dần những “hạt sạn” trên các nền tảng xã hội, bởi việc quảng cáo cũng cần minh bạch, đúng sự thật và đúng liều lượng, tránh gây bức xúc cho người dùng.
Theo ông Nguyễn Thanh Đảo - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, trên những trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, TikTok... không khó để tìm thấy các tin quảng cáo với hình thức đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế đem lại cho cả doanh nghiệp, nhà quảng cáo và người tiêu dùng, thực trạng hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay vẫn có các điểm bất cập và nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Trong đó, nổi cộm lên là vấn nạn về quảng cáo xâm phạm bản quyền, chứa các nội dung sai sự thật, gây nhầm lẫn, trái thuần phong mỹ tục... khiến người xem bức xúc.