Thành lập công ty ma mua bán hóa đơn bất hợp pháp; nhiều doanh nghiệp đánh cắp mã số thuế cá nhân để kê khai tăng chi phí hoạt động nhằm giảm số thuế phải nộp. Nhiều lỗ hổng thuế đang tồn tại.
Thủ đoạn thường xuyên được các đối tượng sử dụng là dùng chứng minh thư giả, chứng minh thư mua trôi nổi hoặc thuê các đối tượng kém hiểu biết, thậm chỉ cả người đang mắc bệnh hiểm nghèo làm đại diện pháp luật, làm thủ tục thành lập doanh nghiệp (DN).
Sau đó, thực hiện mua bán hóa đơn lòng vòng qua nhiều doanh nghiệp khác nhau, bán cho các DN khác làm chứng từ hợp thức hóa đầu vào nhằm khấu trừ thuế, hoặc xin hoàn thuế, nhằm trục lợi cho cá nhân.
Các đối tượng cũng có thể tiến hành mua lại các công ty không phát sinh doanh thu, các đơn vị đang ở trạng thái hoạt động không hiệu quả hoặc làm thủ tục khôi phục các công ty đã bị ra thông báo tạm ngừng nghỉ có thời hạn, bỏ trốn, mất tích; đã in ấn và phát hành hóa đơn.
Sau đó lợi dụng sự thông thoáng trong đăng ký và thay đổi đại diện và pháp luật và chuyển nhượng để chuyển nhượng thành công ty mới, trốn tránh việc kiểm tra của cơ quan thuế rồi xuất hóa đơn khống cho các đối tượng có nhu cầu.
Ngoài các hành vi sử dụng “công ty ma” nói trên, còn có những hình thức vi phạm về sử dụng hoá đơn khác như: Các đối tượng cố tình xuất hóa đơn liên 1 giá trị thấp nhiều lần so với liên 2; Cố tình xuất hóa đơn trong giai đoạn công ty đang bị cưỡng chế về hóa đơn.
Mới đây, Tổng cục Thuế cũng đã chỉ ra nhiều phi vụ thành lập công ty ma để buôn bán hóa đơn giả lớn. Cụ thể như vụ Nguyễn Thị Đào tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, mua lại 17 công ty thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả nhằm mục đích mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. Cơ quan công an đã xác định đối tượng này xuất khống 3.500 hóa đơn.
Hay vụ mua lại 50 “công ty ma” để mua bán hoá đơn khống hơn 10.000 tỷ đồng tại Hải Phòng. Theo đó, Công an TP Hải phòng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 8 đối tượng về hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng do Lê Thanh Phong, 43 tuổi, giám đốc Công ty vận tải Duy Mạnh, tại huyện An Dương, Hải Phòng, cầm đầu.
Công ty này mua lại hàng loạt công ty và thuê người đứng tên giám đốc để thực hiện việc mua bán hóa đơn. Các công ty có liên quan thành lập trong thời gian ngắn (năm 2016-2017) nhưng doanh số mua vào bán ra rất lớn.
Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính của ngành Thuế thời gian qua đã mang lại nhiều thuận lợi cho DN, nhưng đồng thời cũng bị một số đối tượng làm ăn không chân chính cố tình lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trục lợi cho bản thân.
Ông Nguyễn Văn Phụng- vụ trưởng Vụ quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế cũng thừa nhận có chuyện một số cá nhân bị mất chứng minh thư nên mã số thuế lọt ra ngoài, bị DN lợi dụng, độn chứng từ, bịa ra chứng từ trả tiền công, lương rồi đưa vào bảng kê khai chi phí của họ.
Chính lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng thừa nhận rằng công tác quản lý việc tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn của DN còn chưa chặt chẽ, chưa thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra về hóa đơn. Ngoài ra, việc quản lý kiểm tra hồ sơ tại địa bàn chưa sâu sát để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường trong hoạt động của DN như: cơ sở vật chất, vốn và ngành nghề kinh doanh, chênh lệch về kê khai doanh thu, chi phí và số thuế phải nộp, các giao dịch đáng ngờ.
Giới chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý để chống thất thu, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi gian lận, trốn thuế, đặc biệt là hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.