Chỉ còn 10 ngày nữa, ngày 5/11, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chính thức diễn ra, tuy rằng trước đó cử tri một số tiểu bang đã bỏ phiếu sớm. Đây là cuộc bầu cử đặc biệt gay cấn. Theo tờ USA Today, dù một trong hai ứng viên là cựu Tổng thống Donald Trump hay đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris đắc cử, thì cũng đều “vô cùng đặc biệt”.
Trước khi ngày bầu cử chính thức bắt đầu (ngày 5/11/2024), khảo sát được công bố vào ngày 19/10 của The New York Times/Siena College cho thấy hai ứng viên vẫn so kè quyết liệt trên đường đua: tỷ lệ cử tri tiềm năng ủng hộ bà Harris và ông Trump đều ở mức 47%. Trong khi đó, theo Đài CNN, nhiều dấu hiệu cho thấy bà Harris đã cải thiện được tình hình so với trước đó 1 tháng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là 2 trong số hàng trăm khảo sát diễn ra trên khắp nước Mỹ trong khoảng từ 15/9 đến 19/10/2024.
Theo giới quan sát chính trường Mỹ, mọi cuộc khảo sát cũng chỉ là tương đối. Càng tương đối hơn khi cuộc đua vào Nhà Trắng lần này liên tục có những cú ngoặt bất ngờ đến từ cả đảng Dân chủ (của bà Harris) lẫn đảng Cộng hòa (của ông Trump).
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này, mọi tiểu bang đều quan trọng. Tuy nhiên Pennsylvania, Wisconsin, Bắc Carolina và Georgia là 4 tiểu bang có vai trò then chốt trong số 7 tiểu bang chiến trường của Mỹ (Pennsylvania, Florida, Michigan, Wisconsin, Arizona, Bắc Carolina và Georgia). Tờ New York Times gọi Pennsylvania là “vị vua bất khuất, không thể bàn cãi và bất khả xâm phạm của tất cả các bang chiến trường”, với 19 phiếu đại cử tri. Đây cũng là tiểu bang mà ông Trump và bà Harris tổ chức nhiều buổi vận động tranh cử nhất.
Nếu Pennsylvania là “vị vua đầy quyền lực” thì tại Wisconsin, bà Harris có vẻ như “được lòng” hơn ông Trump. Dù thế thì theo nhà phân tích chính trị Nate Cohn của tạp chí The Times thì Wisconsin vẫn có thể là một trong những cơ hội tốt nhất mà ông Trump sử dụng để ngăn cản con đường chiến thắng của bà Harris.
Trong khi đó, đối với ông Trump, Georgia là tiểu bang phải thắng. Georgia cũng là nơi mà ông Joe Biden đã chiến thắng sát sao trước ông Trump vào năm 2020. Theo các kết quả thăm dò của New York Times tính đến ngày 19/10, Georgia là tiểu bang mà ông Trump có lợi thế nhất trong 7 tiểu bang chiến trường. Tuy nhiên, đây cũng là tiểu bang mà nhóm vận động tranh cử của bà Harris nhắm đến, bất chấp việc ông Trump có thể đang chiếm ưu thế.
Theo nhà phân tích chính trị Nate Cohn, các mùa bầu cử Tổng thống Mỹ đã qua đều cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của các tiểu bang chiến trường. “Đó là ẩn số cho dù những tham khảo trước đó nghiêng về ứng viên nào. Vì đây chính là những địa hạt mà cử tri lẫn đại cử tri luôn lưỡng lự và có thể thay đổi thái độ một cách bất ngờ đến mức khó tin. Cả ông Trump và bà Harris cũng như ban vận động chiến dịch tranh cử của họ đều rất rõ điều đó. Có lẽ vị Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ cũng sẽ được những bang chiến địa này quyết dịnh vào ngày 5/11 tới” - bình luận gia Nate Cohn nói.
ChatGPT dự đoán người chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
Tạp chí Newsweek đã hỏi ChatGPT liệu ông Trump hay bà Harris sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5/11 sắp tới. Câu hỏi đầu tiên Newsweek đặt ra với ChatGPT: Có thể cho tôi biết bạn tin ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua Tổng thống năm 2024 giữa bà Kamala Harris và Donald Trump không?. "Dự đoán sẽ là một cuộc đua rất cạnh tranh, nhưng khó để dự đoán chắc chắn" - ChatGPT đưa ra phản hồi, sau đó, dẫn ra những điểm mạnh và yếu của hai ứng viên để làm rõ hơn vì sao lại trả lời như vậy. Newsweek tiếp tục hỏi: Giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump, ai sẽ thắng ở mỗi tiểu bang chiến trường?. Câu trả lời của ChatGPT là ông Trump sẽ giành chiến thắng ở bang Arizona và North Carolina. Trong khi đó, bà Harris được ChatGPT dự đoán sẽ giành chiến thắng ở bang Michigan, Nevada, Pennsylvania, Wisconsin. Còn kết quả không rõ ràng là ở bang Georgia.
Cuộc “so găng” lần này giữa ông Trump và bà Harris diễn ra trên nhiều mặt trận, mà trước hết là lĩnh vực kinh tế. Khoảng 60% cho rằng kinh tế là một trong những vấn đề quan trọng nhất khi họ cân nhắc bỏ phiếu.
Khảo sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ cho mỗi ứng viên đều là khoảng 40% đối với câu hỏi ai sẽ làm tốt hơn về kinh tế. Trong khi đó, khoảng 10% chưa tin tưởng vào ứng viên nào về chính sách kinh tế. Đối với các vấn đề khác, hơn 50% người tham gia khảo sát cho rằng y tế là mối quan tâm hàng đầu, trong khi hơn 40% quan tâm những vấn đề tội phạm, nhập cư, chính sách về phá thai và súng đạn. Chỉ khoảng 1/3 xem biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng và 1/4 xem chính sách liên quan xung đột Hamas - Israel của các ứng viên sẽ tác động lá phiếu của họ. Khảo sát với biên độ sai số được cho là +/-3,4%.
Trong lần bầu cử lần này, nếu bà Kamala Harris đắc cử thì lần đầu tiên Mỹ có nữ chủ nhân Nhà Trắng. Tuy nhiên, từ nay đến ngày kết thúc bầu cử, biết đâu lại xảy ra những chuyện bất thường.
Tại cuộc tranh luận trực tiếp vào ngày 10/9, hai ứng viên Tổng thống đã bắt tay thân thiện, nhưng không khí bao trùm vẫn là sự đối chọi gay gắt, từ phong cách, ngôn từ đến các nội dung cơ bản của nước Mỹ.
Vấn đề người dân Mỹ quan tâm hàng đầu, cũng là trọng điểm tranh luận là kinh tế, đời sống xã hội. Bà Harris khẳng định nạn thất nghiệp lớn nhất từ thời kỳ đại suy thoái khiến Tổng thống Joe Biden phải “dọn dẹp sạch mớ hỗn độn mà ông Donald Trump để lại”. Đối lại, ông Trump chỉ trích lạm phát cao dưới thời Tổng thống Biden là “thảm họa” của nền kinh tế.
Suốt thời gian vận động tranh cử, hai ứng cử viên cũng luôn tận dụng thời cơ, chỉ trích gay gắt, tập trung vào các điểm yếu của đối thủ hơn là đưa ra thông điệp, định hướng mới của mình. Đa số cử tri Mỹ bối rối khi khó xác định được thông điệp cốt lõi của từng ứng viên.
Không chỉ người Mỹ mà cộng đồng quốc tế cũng chú tâm vào cuộc bầu cử vào ngày 5/11, bởi Mỹ hiện là cường quốc số một và có sức chi phối trên nhiều lĩnh vực, khu vực. Vì quan hệ và lợi ích mà góc nhìn của mỗi liên minh, mỗi quốc gia về kết quả bầu cử khác nhau nhằm chủ động ứng phó với mọi biến động.
Thời gian qua, nhiều trang tin và tạp chí, như NPR, PBS, Axios và Political Wire... liên tục đăng các bài phân tích về vai trò của một nhóm cử tri đặc biệt trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, bao gồm những người "không ưa" cả hai ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, nhóm cử tri này chiếm khoảng 20% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Tuy mang tiếng không ưa cả hai ứng cử viên, số cử tri nói trên lại thể hiện khá rõ sự thiên vị: 47% bỏ phiếu cho ông Donald Trump, trong khi chỉ 30% bầu cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, 23% còn lại bỏ phiếu cho các ứng cử viên khác. Thực tế cho thấy, trong trường hợp đó, nếu phiếu bầu của số cử tri đặc biệt này được phân bổ đồng đều giữa ông Trump và bà Clinton thì không loại trừ khả năng bà Clinton đã giành thắng lợi tại một số bang chiến trường chủ chốt như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, từ đó trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ.
Bước sang kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020, tỷ lệ cử tri đặc biệt này trong tổng số cử tri đi bỏ phiếu đã giảm xuống còn 3%. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm cầm quyền của Tổng thống Joe Biden, số cử tri đặc biệt này đã tăng vọt. Kết quả của phần lớn các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành cho thấy từ 15 - 20% cử tri nhóm này không ủng hộ bà Harris lẫn ông Trump. Mà như vậy, kết quả phiếu bầu vào ngày 5/11 tới là rất khó đoán.
Giới quan sát chính trường Mỹ cho rằng, quyết định của nhóm cử tri đặc biệt này (hoặc miễn cưỡng bỏ phiếu cho một trong hai ứng viên, hoặc bầu cho ứng cử viên thứ ba, hoặc không đi bỏ phiếu) nhiều khả năng sẽ trở thành nhân tố quyết định kết quả bầu cử tại các tiểu bang chiến trường quan trọng.
Luật pháp Mỹ quy định cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra 4 năm một lần, vào năm chẵn, trong ngày thứ Ba đầu tiên sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Như vậy ngày bầu cử năm nay sẽ là ngày 5/11.
Trong những năm đầu tiên mới thành lập nước Mỹ, ngày bầu cử Tổng thống được ấn định cho từng bang riêng biệt. Tuy có nhiều ngày bầu cử nhưng chủ yếu đều tập trung vào tháng 11. Lý do là vì các đại cử tri phải gặp mặt ở các bang vào ngày thứ Tư đầu tiên của tháng 12, mà cuộc gặp đó phải diễn ra sau ngày bầu cử 34 ngày, do đó ngày bầu cử phải được tổ chức trong tháng 11.
Đến năm 1840, Quốc hội Mỹ đưa ra quyết định bỏ phiếu thống nhất trong một ngày trên toàn nước Mỹ và không hề thay đổi cho tới nay.
Về cách thức bầu chọn: Tổng thống và Phó Tổng thống được bầu bởi các đại cử tri của các tiểu bang. Mỗi tiểu bang sẽ cử ra một số đại cử tri bằng đúng tổng số Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ của bang. Các đại cử tri sẽ họp lại trong từng tiểu bang và bầu Tổng thống và Phó Tổng thống bằng lá phiếu của mình. Tổng thống và Phó Tổng thống không được là cư dân của cùng một bang.
Có hai lá phiếu khác nhau: phiếu bầu Tổng thống và phiếu bầu Phó Tổng thống. Kết quả cuộc bầu cử sẽ được trình lên Chủ tịch Thượng viện bằng hai bản: một bản là danh sách các ứng cử viên được bầu chọn vào chức vụ Tổng thống, với số phiếu bầu tương ứng; bản khác là danh sách ứng cử viên được bầu chọn chức Phó Tổng thống cùng số phiếu bầu tương ứng.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ phải thoả mãn những tiêu chuẩn bắt buộc do Hiến pháp nước này qui định: phải là công dân Mỹ, được sinh ra trên đất nước Mỹ, tuổi từ 35 trở lên, và cư trú tại Mỹ ít nhất 14 năm.
Quá trình bầu cử gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn bầu chọn các ứng cử viên của các đảng, gọi là bầu cử sơ bộ; và giai đoạn chính thức bầu Tổng thống từ trong số các ứng cử viên gọi là Tổng tuyển cử.
Điều đặc biệt trong luật bầu cử Tổng thống của Mỹ là các cử tri không trực tiếp bầu Tổng thống. Lá phiếu của họ gọi là lá phiếu phổ thông chỉ có nhiệm vụ chọn ra đại diện cử tri hay còn gọi là đại cử tri cho tiểu bang của mình. Các đại cử tri tập hợp lại thành Cử tri đoàn của tiểu bang. Tùy thuộc vào dân số mà mỗi tiểu bang của Mỹ có một số nhất định đại cử tri trong Cử tri đoàn. Do đó ở hầu hết các bang, ứng viên nào được nhiều nhất phiếu phổ thông thì cũng nhận được toàn bộ phiếu của Cử tri đoàn tiểu bang đó.
Tiểu bang California đông dân nhất nước Mỹ, nên có nhiều đại cử tri nhất: 55 đại cử tri, trong khi đó có một số bang ít dân, chỉ có 3 đại cử tri. Toàn nước Mỹ có 538 đại cử tri, để trở thành Tổng thống, một ứng viên cần thu được 270 phiếu đại cử tri.
Trên thực tế, chế độ bầu cử qua đại cử tri có thể gây ra rắc rối. Các đại cử tri không bắt buộc phải bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ cam kết ủng hộ. Minh họa điển hình là trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000, ông George Bush của đảng Cộng hòa chỉ đạt 50.459.211 phiếu phổ thông so với 51.003.894 phiếu phổ thông của ông Al Gore thuộc đảng Dân chủ, nhưng ông Bush vẫn đắc cử vì nhận được 271 phiếu đại cử tri, trong khi ông Al Gore chỉ được 266 phiếu (thua đúng 5 phiếu).
2024, năm của những cuộc bầu cử lớn
Hơn 2 tỷ người ở khoảng 50 quốc gia, chiếm hơn 60% GDP toàn cầu đã và sẽ tham gia các cuộc bầu cử quốc gia trong năm 2024. Đây là năm có nhiều cuộc bầu cử nhất từ trước đến nay. Cùng với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới, còn có một số cuộc bầu cử quan trọng khác.
Trong 2 tháng 4 và 5, có tới 900 triệu cử tri Ấn Độ đi bỏ phiếu để bầu Quốc hội, qua đó quyết định đảng nào sẽ thành lập chính phủ. Kết qua là ông Narendra Modi và đảng Bharatiya Janata (BJP) của mình đã giành chiến thắng.
Ngày 1/10, bà Claudia Sheinbaum đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mexico cũng như khu vực Bắc Mỹ. Trước đó, ngày 14/8, Tòa án Bầu cử Tư pháp Liên bang Mexico đã phê chuẩn tính hợp pháp của cuộc tổng tuyển cử diễn ra hôm 2/6/2024; xác nhận bà Claudia Sheinbaum sinh năm 1962 đã giành chiến thắng.
Cuộc bầu cử bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra từ ngày 6-9/6. Đây là cuộc bầu cử với quy mô xuyên quốc gia diễn ra trên tất cả 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Bà Ursula von der Leyen đã giành được số phiếu vượt trên mức cần thiết để tái đắc cử, một chiến thắng thuyết phục hơn rất nhiều so với cuộc bỏ phiếu đầu tiên bà đắc cử vào năm 2019.
Ngày 18/3, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) công bố kiểm phiếu cho thấy Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin đã giành số phiếu ủng hộ áp đảo và tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo nước Nga thêm nhiệm kỳ 6 năm (2024-2030).