Gần đây, khi số ca F0 tăng cao, xuất hiện tình trạng người dân nóng lòng có được giấy xác nhận mình là F0 hoặc mình đã khỏi Covid-19. Đây là tình trạng khá phổ biến ở các địa phương.
Với nhiều trường hợp tự xét nghiệm, cho kết quả dương tính “hai vạch”, người dân đã thông báo với tổ dân phố, với trạm y tế phường nhưng nhiều trường hợp không nhận được trả lời, trả lời qua quýt, khiến người dân không yên tâm. Vì thế, thật đáng ngại là trong thực tế nhiều người tự xét nghiệm “hai vạch” nhưng không báo cáo, tự mình chữa trị. Nguy hiểm hơn, cũng do không nhận được trợ giúp của y tế cơ sở, nên một số người dù biết mình dương tính với SAR-CoV-2 nhưng cũng không thông báo với cơ quan y tế và chính quyền địa phương. Có nghĩa là họ tự điều trị và vẫn sinh hoạt, làm việc “bình thường”.
Đã từ lâu, y tế phường/xã cũng như UBND đã được trang bị máy tính để phục vụ việc phòng, chống Covid-19. Chúng ta hay nói đến cách mạng công nghiệp 4.0, nghe có vẻ xa vời nhưng thực tế nhất đó chính là sử dụng máy tính, tích hợp thông tin ngay từ cơ sở. Từ đó có dữ liệu chính xác để quản lý địa bàn. Nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện điều đó, bằng chứng là tại nhiều địa phương khi người dân cần có chứng nhận mình đã trở thành F0 hoặc mình đã khỏi Covid-19 nhưng rất lâu mới có giấy xác nhận.
UBND phường cho rằng, họ phải đợi xác nhận của y tế nên điều đó kéo dài, có khi mất cả mươi ngày, trong khi người đã âm tính với SARS-CoV-2 lại cần sớm để đi làm và được hưởng bảo hiểm xã hội (nếu đủ điều kiện). Chính vì thế, họ đã “rồng rắn” xếp hàng tại phường để có được giấy xác nhận. Việc này vừa mất thời gian, gây bức xúc không cần thiết.
Ở thời điểm điểm hiện tại, số ca F0 đang tăng nhanh ở nhiều địa phương. Cụ thể, tại Hà Nội, ngày 5/3 số ca dương tính mới với SAR-CoV-2 đã hơn 25.000 (trong vòng 24 giờ). Hơn 10 ngày qua, số ca mắc mới ở Hà Nội luôn hơn 10.000. Với đà “tăng vọt” như hiện nay thì thì đỉnh dịch cũng chưa sớm xuất hiện, cũng có nghĩa là số ca mắc mới vẫn còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. Tại TP Hồ Chí Minh, sau đợt bùng phát dịch từ tháng 5 đến tháng 9/2021, dịch tạm yên nhưng nay cũng quay trở lại với số ca mắc mới đang gia tăng. Đáng lo nhất là các tỉnh miền Bắc, kể cả những tỉnh miền núi, số ca mắc tăng cao trong nhiều ngày.
Nhưng, cho dù số ca mắc mới tăng cao nhưng số người phải vào viện điều trị, trở nặng ít (so với số ca lây mắc mới), số ca tử vong cũng rất ít. Điều đó cho thấy thực tế đợt lây nhiễm này không nguy hại như đợt trước. Chính vì thế, giới chuyên gia y tế đã cho rằng chúng ta cần bình tĩnh trước đợt dịch này, không nên quá hoảng hốt.
Kể từ đầu tháng 10/2021, Chính phủ cũng đã quyết định nới lỏng một số biện pháp chống dịch, xác định chúng ta mở cửa, thích ứng hiệu quả, linh hoạt với dịch để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Tới 15/3 này, du lịch khôi phục hoàn toàn khi các tuyến bay thương mại quốc tế “mở cửa”.
Trong tình thế đó, việc xác định F0, nhất là chứng nhận F0 đã khỏi bệnh (âm tính) cần được tiến hành nhanh, để chúng ta có nguồn lao động phù hợp với đòi hỏi của tình hình. Khi Covid-19 dần trở thành bệnh đặc hữu thì cũng không nên quá sợ hãi, nhất là với cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở. Cũng thật khó lý giải vì sao lại chậm cấp giấy chứng nhận đã khỏi Covid-19 khi người đó đã âm tính. Cũng không thể vin vào cớ tại địa bàn (phường/xã) quá nhiều F0, trong khi đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ UBND phường/xã ít, quá tải nên không làm kịp (!).
Đó cũng chỉ là một cách thanh minh. Có thể dẫn chứng rằng hơn 96% người dương tính với SARS-CoV-2 hiện thời tự điều trị tại nhà, có nghĩa là y tế cơ sở cũng như các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 đã được giảm tải rất nhiều. Vậy thì lý do gì để trì hoãn việc cấp chứng nhận F0 hoặc đã khỏi Covid-19 cho người dân? Nơi nào cũng được trang bị máy tính, nơi nào cũng báo cáo rất hay về việc thích ứng với công nghệ 4.0; chẳng lẽ nói đùa?