Từ bỏ công việc văn phòng ổn định, Phạm Tuấn Anh (28 tuổi, Nghệ An) tìm thấy đam mê từ các mô hình tiểu cảnh. Anh đã “thổi hồn” vào những lon bia, bìa giấy… tái hiện sinh động khung cảnh Sài Gòn những năm 1968.
Một ngày đầu tháng 9, cơn mưa thu bất ngờ đổ xuống trong lúc Tuấn Anh đang hoàn thiện nốt công đoạn cuối cùng của mô hình Sài Gòn những năm 1968. Chàng trai vội vàng mang những tấm bạt che chắn từng mảnh ghép cho “đứa con tinh thần”, thế nhưng cơn mưa lớn đã làm hỏng một vài chi tiết.
Trong bữa cơm tối hôm đó, thấy anh buồn, bố mẹ không ngừng động viên, nhắc nhở anh phải cần cù, nhẫn nhịn, chịu khó. Cũng từ đây, Tuấn Anh nhận ra bố mẹ đang ủng hộ việc tái dựng những mô hình tiểu cảnh xưa cũ của mình. Từ ngày bỏ công việc văn phòng ở công ty tư nhân, đây cũng là lần đầu tiên bố mẹ không lên tiếng phản đối, ngược lại còn ủng hộ, tiếp thêm cho anh động lực .
Phạm Tuấn Anh là cựu sinh viên ngành trắc địa công trình, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương IV, ra trường anh làm việc ở một công ty tư nhân. Suốt thời gian dài làm công việc văn phòng, anh nhận thấy sức trẻ của mình đang bị hoài phí bởi tính chất công việc lặp đi lặp lại. Nghỉ việc, anh tìm thấy đam mê từ việc làm các mô hình tiểu cảnh.
Bắt đầu từ con số 0, khoảng thời gian đầu Tuấn Anh vấp phải không ít khó khăn. Anh phải lên mạng tìm hiểu kỹ từng công đoạn, cách để tạo nên một mô hình tiểu cảnh. Sau khoảng thời gian tìm tòi, tận dụng những vật liệu sẵn có, anh bắt tay vào thực hiện.
Theo Tuấn Anh, điều khó khăn nhất khi tái hiện những mô hình tiểu cảnh chính là phải không ngừng sáng tạo, tỉ mỉ và tính kiên trì. Nếu không kiên trì thì sẽ không thể nào làm được. Vì không được đào tạo qua trường lớp nên những lúc chán nản Tuấn Anh thường nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
“Những lúc ý nghĩ bỏ cuộc le lói trong đầu, mình thường nghĩ đến lý do tại sao lại bắt đầu, cứ thế lấy đó làm động lực để vượt qua, bởi không phải ai cũng tìm được đam mê và sống hết mình vì nó”, Tuấn Anh tâm tình.
Những công trình chàng trai 9x đã góp phần tái hiện lại các hình ảnh xưa cũ, giúp thế hệ trẻ hình dung rõ hơn về đất nước một thời đã xa. Mô hình khắc họa khung cảnh phố cổ Hà Nội, sông nước miền Tây… hoặc là các danh lam thắng cảnh của Việt Nam, những hình ảnh thời bao cấp hay các thời kỳ trước đó. Nội dung các mô hình điều hướng về việc gìn giữ những giá trị xưa cũ.
Trong loạt tiểu cảnh Tuấn Anh từng làm, chàng trai dành nhiều tâm huyết nhất là mô hình tái hiện khung cảnh Sài Gòn những năm 1968. Từ những thông tin qua giấy báo, internet, Tuấn Anh đã “thổi hồn” vào bìa giấy, vỏ lon bia, biến chúng thành những ngôi nhà, tiệm cà phê, khung cảnh đường phố Sài Gòn những ngày xưa cũ.
Thủa bé, chàng trai 9x thường được bố mẹ kể cho nghe cuộc sống ở thời bao cấp. Qua những câu chuyện mà bố mẹ kể đã vô tình thôi thúc tâm hồn nghệ thuật của anh, điều đó đã giúp Tuấn Anh tái hiện lại cảnh vật thân thuộc ngày ấy một cách sinh động, y như thật.
Nói về lý do thực hiện mô hình Sài Gòn những năm 1968, chàng trai 9x cho hay: “Vốn là người thích hoài cổ, tôi luôn mong muốn những sản phẩm của mình sẽ lưu giữ, truyền cảm hứng và gợi nhớ lại được phần nào ký ức tuổi thơ cho mọi người. Đó là lý do vì sao tôi làm nên mô hình Sài Gòn những năm 1968”.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tuấn Anh đã cho ra đời được khoảng 40 sản phẩm. Chàng trai trẻ thường mất khoảng 7 ngày cho một sản phẩm thông thường. Còn đối với những sản phẩm đòi hỏi tính tỉ mỉ cao hơn, anh mất khoảng 15 ngày để hoàn thiện nó.
Tuấn anh cho biết, trong tương lai anh sẽ mở một tiệm cà phê để trưng bày các sản phẩm của mình. Anh hi vọng, những mô hình của anh sẽ giúp thế hệ trẻ hình dung rõ hơn hình ảnh đất nước những ngày xưa cũ, qua đó nâng cao tinh thần yêu nước, yêu quê hương.
Ngắm một số mô hình tiểu cảnh của anh Phạm Tuấn Anh: