Đại hội IV được xem là đại hội của đại đoàn kết dân tộc, củng cố và tăng cường Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì độc lập dân tộc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. So với 3 kỳ Đại hội trước, Đại hội lần này có thành phần tham gia rộng rãi nhất với tinh thần “Lấy đại nghĩa dân tộc làm trọng, lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, hận thù, hướng về tương lai, hòa hợp thành một khối thống nhất vì lợi ích của đất nước và dân tộc, cùng nhau ra sức phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm thất bại mọi mưu toan của bất cứ thế lực nào cản trở bước tiến lên của dân tộc ta”.
Quang cảnh Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IV.
Đại hội được tiến hành trọng thể vào hai ngày 17 và 18/8/1994 tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Đỗ Mười dự và có bài phát biểu quan trọng. Dự Đại hội còn có các đồng chí cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công. Đồng chí Lê Đức Anh- Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nông Đức Mạnh- Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Võ Văn Kiệt- Thủ tướng Chính phủ và nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tham dự Đại hội có 621 đại biểu chính thức và 125 đại biểu khách mời.
Đại hội đặc biệt quan tâm và thảo luận sâu về sự thay đổi cấu trúc xã hội qua 8 năm đất nước bước vào công cuộc đổi mới.
Trong đó, đối với giai cấp công nhân, không còn thuần nhất như thời bao cấp; đời sống một bộ phận được cải thiện, nhưng nhìn chung, mức sống thấp hơn so với mức trung bình của toàn xã hội và không ổn định.
Một bộ phận công nhân, chủ yếu là trong khu vực nhà nước ra khỏi dây chuyền sản xuất, không có việc làm, đời sống hết sức khó khăn; một bộ phận khác thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, tiếp cận với công nghệ hiện đại nên cuộc sống khá hơn…
Trong khi đó, giai cấp nông dân có sự “chuyển mình” nhanh chóng, từ chỗ đại bộ phận sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải, thương nghiệp, dịch vụ. Trong nông thôn đã xuất hiện nhiều hộ kinh doanh tổng hợp. Song, ở nhiều nơi vẫn chưa thoát khỏi kinh tế tự cấp, tự túc; đời sống nông dân nhiều vùng còn rất khó khăn.
Cùng với giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức giữ vai trò tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với trên 70 vạn người có trình độ đại học và trên đại học, nước ta được xếp vào nước có tỷ lệ trung bình so với thế giới, song lại thấp hơn so với các nước trong khu vực. Số trí thức bỏ cơ quan, xí nghiệp nhà nước ra làm ngoài ngày càng tăng; nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm; một bộ phận phải chuyển sang làm lao động chân tay…Nguyện vọng chung của trí thức là muốn có điều kiện tốt để phát triển tài năng và cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc.
Qua 8 năm đổi mới đã xuất hiện và phát triển những chủ doanh nhân tư nhân kinh doanh đa dạng trong nhiều lĩnh vực. Nhiều chủ doanh nhân là trí thức, trong đó có cả cán bộ, đảng viên, gia đình cách mạng. Đó là những người có trình độ khoa học, kỹ thuật, quản lý, có vốn và có khả năng huy động vốn trong nước và nước ngoài. Song, vẫn còn nhiều người có vốn nhưng chưa bỏ vào sản xuất kinh doanh. Nếu Nhà nước có luật khuyến khích đầu tư và được quản lý tốt, thành phần kinh tế mới này sẽ đóng vai trò tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với chủ trương sắp xếp lại lao động và khuyến khích nhân dân tự tạo lấy việc làm, số hộ tiểu thủ công nghiệp, tiểu thương và làm dịch vụ bung ra nhanh chóng.
Báo cáo trước Đại hội cũng đề cập đến những chuyển biến trong thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi, trong đồng bào các dân tộc thiểu số, tín đồ các tôn giáo, trong kiều bào và trong hàng triệu người trước đây làm việc trong chế độ cũ ở miền Nam…
Nhìn chung, cùng với sản xuất phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ổn định và có bộ phận được cải thiện rõ rệt, song bộ phận dân cư nghèo còn nhiều, nhất là ở miền núi. Lòng tin vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước được củng cố và tăng cường. Nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng, tập trung nhất là vấn đề việc làm, học hành, chữa bệnh; nông sản làm ra khó tiêu thụ, lo cơ chế thị trường dẫn đến bất công xã hội, khoảng cách giàu nghèo càng lớn…
Nhân dân bất bình trước tình hình nhiều người làm giàu bất chính, tệ tham nhũng, tình trạng buôn lậu, tiêu pha lãng phí; nạn mại dâm, ma túy, giá trị đạo đức xuống cấp; văn hóa phẩm độc hại đồi trụy tràn lan; kỷ cương phép nước chưa nghiêm; quyền dân chủ của nhân dân còn bị vi phạm…
Tình hình trên cho thấy: “Đoàn kết dân tộc tuy được củng cố nhưng chưa vững chắc và chưa mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới, còn những nhân tố gây mất ổn định” như Báo cáo Chính trị đã khẳng định.
Đại hội mong muốn Đảng và Nhà nước sớm hoàn thiện các chính sách đối với công nhân, nông dân và trí thức; bồi dưỡng và phát huy lực lượng thanh niên, phụ nữ; bổ sung và hoàn thiện các chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, các tôn giáo, các nhà công thương, cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài; mong muốn Đảng tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn có kết quả để nâng cao bản lĩnh và năng lực lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Nhà nước trong sạch vững mạnh, quản lý có hiệu lực, hiệu quả, cùng toàn dân đưa đất nước phát triển nhanh, vững chắc tiến kịp các nước trong khu vực.
Về công tác Mặt trận, thực hiện phương hướng và nhiệm vụ mà Đại hội III đã đề ra, 5 năm qua Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên đã đạt được những thành tựu và có bước tiến mới; góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Vị trí, vai trò của Mặt trận ngày càng được khẳng định trong cuộc sống.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định nhiệm vụ chung trong những năm tới là: “Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam tán thành công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ trên thế giới”.
Để hoàn thành nhiệm vụ chung nêu trên, Đại hội nhất trí thực hiện một số chủ trương lớn, trong đó, đại đoàn kết dân tộc là đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo người trong nước và người định cư ở nước ngoài tán thành công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Đại hội đã cử ra UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IV gồm 206 vị với thành phần rộng hơn, bao gồm những người vừa tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, vừa có khả năng đảm đương trọng trách nặng nề mà Đại hội giao phó, vừa thể hiện tính liên tục, tính kế thừa và phát triển của Mặt trận.
UBTƯ MTTQ Việt Nam đã cử ra Đoàn Chủ tịch gồm 40 vị do đồng chí Lê Quang Đạo làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch. Đại hội suy tôn Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch danh dự.
Đại hội nhất trí thực hiện một số chủ trương lớn, trong đó đại đoàn kết dân tộc là đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người trong nước và người định cư ở nước ngoài tán thành công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đại hội đã cử ra UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IV gồm 206 vị với thành phần rộng hơn, bao gồm những người vừa tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, vừa có khả năng đảm đương trọng trách nặng nề mà Đại hội giao phó, vừa thể hiện tính liên tục, tính kế thừa và phát triển của Mặt trận. |
Trong Diễn văn bế mạc Đại hội, Chủ tịch Lê Quang Đạo nêu rõ: “Thành công của Đại hội tạo thêm nguồn sức mạnh để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và mở rộng hơn nữa Mặt trận dân tộc thống nhất. Chặng đường phía trước có nhiều thuận lợi mới, vận hội mới, đồng thời cũng có nhiều khó khăn và thử thách mới, đòi hỏi nhân dân ta phải đồng tâm, hiệp lực thống nhất hành động để biến những thành công của Đại hội thành hiện thực trong cuộc sống”. |
(Còn nữa)