Cùng với sự suy giảm kinh tế, văn hóa thì khi phải sống trong giãn cách xã hội vì tác động của Covid-19… không ít người đã gặp phải những chấn thương tâm lý rất nặng nề.
Đối với nhiều người, đại dịch đã gây ra thiệt hại về thể chất, tình cảm và tài chính, sức khỏe tinh thần dường như bị kéo căng. Sẽ là hoàn toàn bình thường khi cảm thấy căng thẳng và lo lắng, đặc biệt là khi các hoạt động cô lập xã hội vẫn tiếp diễn, thậm chí không biết sẽ kéo dài trong bao lâu. Nhưng rõ ràng việc duy trì sức khỏe tinh thần của mỗi người là điều cần thiết để vượt qua mọi tác động nói chung và dịch bệnh Covid- 19 nói riêng.
Trên thực tế, sự bùng phát, tái phát của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều người dân cảm thấy khó khăn khi được yêu cầu thực hiện những thay đổi quan trọng, chưa từng có trong lối sống của họ. Đơn cử như việc bị cách ly, hay phải làm việc trực tuyến, học và thi online, đi chợ trong điều kiện giãn cách, không được ra đường thường xuyên, hoặc không được ra đường sau 18 h hàng ngày…
Những qui định dù áp dụng trong thời gian ngắn hay dài (để phòng dịch) cũng tác động ít nhiều tới nếp sinh hoạt, thói quen và đặc trưng ngành nghề với mỗi người. Không ít người than vãn chỉ thèm một ly trà đá vỉa hè, một bát phở buổi sáng, hay ăn trưa cùng bè bạn…
Theo các chuyên gia, điều quan trọng là phải nhận ra rằng, những cảm xúc mạnh mẽ như sợ hãi, buồn bã, bối rối, tức giận và cáu kỉnh đều là những phản ứng phổ biến đối với các tình huống căng thẳng. Tuy nhiên, có những công cụ có thể sử dụng để đảm bảo nhu cầu sức khỏe tâm thần mỗi người được đáp ứng cả trong và sau thời gian cách ly.
Do đó, để giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, để vừa đẩy lùi, vừa chung sống với dịch bệnh, trước tiên mỗi người cần phải quan tâm hơn nữa tới bản thân mình và cảm xúc của chính mình mỗi ngày. Có thể sẽ phải dừng lại để thừa nhận cảm xúc và làm dịu cảm xúc sẽ là một công cụ mạnh mẽ để chống lại cảm giác mất kiểm soát hoặc bất lực. Tiếp đó là việc phải thiết lập được những thói quen mới.
Một trong những “chiến lược” hiệu quả nhất để lấy lại cảm xúc bình thường là thiết lập một thói quen phù hợp với hoàn cảnh. Điều này thậm chí có thể được xây dựng dựa trên các thói quen trước đó của bạn.
Việc quản lý thông tin, tiếp nhận thông tin mỗi ngày cũng cần được coi trọng. Các phân tích đã chỉ ra, số lượng và chất lượng của các tương tác xã hội của chúng ta đóng một vai trò rất lớn đối với sức khỏe tâm thần của mỗi người. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi sự xa cách xã hội đã khiến nhiều người cảm thấy bị “ngắt kết nối” hoặc bị cắt đứt khỏi “thế giới thực”.
Giữ liên lạc với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp là một yếu tố quan trọng trong giảm thiểu cảm giác bị cô lập và bảo vệ sức khỏe tinh thần của mỗi người. Ngay cả khi chúng ta không thể gặp mặt trực tiếp, vẫn có những cách để giữ kết nối như gọi điện, nhắn tin hoặc gửi email cho những người thân yêu; tổ chức các cuộc họp công việc qua kênh trực tuyến; theo dõi bạn bè trên mạng xã hội…
Đặc biệt với người phải sinh sống trong các khu cách ly, cần dành thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động có ý nghĩa. Thông thường, những tình huống khó khăn mang đến cho chúng ta những cơ hội thăng hoa tiềm tàng. Một trong những điều mà một số người có thể nhận ra trong thời gian bị cách ly là cảm giác cuộc sống chậm lại, cho phép có nhiều thời gian hơn để kết nối lại với bạn bè, gia đình và bản thân…
Cuối cùng, tập thể dục là một cách tuyệt vời để giải phóng năng lượng bị dồn nén và giảm mức độ hormone căng thẳng như adrenaline và cortisol. Ngay cả thời gian hoạt động tương đối ngắn cũng có thể góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất của mỗi người. Mặc dù các trung tâm thể dục đóng cửa và các hoạt động ngoài trời bị hạn chế, mỗi người vẫn có thể lựa chọn được những hình thức tự vận động ở nhà sao cho phù hợp và hiệu quả.