Để duy trì sản xuất và vừa phòng, chống dịch, nhiều doanh nghiệp triển khai mô hình hoạt động “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm”. Tuy nhiên, sau vài tuần thực hiện, rất nhiều DN than thở vì khó khăn trong tổ chức do chi phí thực hiện rất lớn.
Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM cho rằng, phương án “3 tại chỗ” là giải pháp tình thế và có thể duy trì tối đa khoảng 1 tháng. Các công ty, nhà máy chỉ phục vụ hoạt động sản xuất, không có chức năng duy trì sinh hoạt cho người lao động nên khó có thể biến DN thành khu dân cư. Nhiều DN đã phải mở rộng, cơi nới đủ kiểu để người lao động vừa sản xuất, vừa sinh hoạt và cách ly. Nhưng không thể kéo dài tình huống này được, vừa không đảm bảo an toàn quy định phòng, chống dịch, vừa không vệ sinh trong sinh hoạt.
Cùng về vấn đề này, bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM cho rằng, mặc dù những DN này đều đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” theo đúng các yêu cầu từ cơ quan y tế, công nhân “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở. Nhiều nhà máy lớn vẫn ghi nhận ca nhiễm mới do từ bên ngoài và cả bên trong khu vực sản xuất. Cụ thể là các khâu giao nhận lương thực, thực phẩm, vật tư, nguyên liệu, thành phẩm, hồ sơ… F1 chuyển thành F0 trong khu sản xuất.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), chỉ có khoảng 30% DN thủy sản tại các tỉnh phía Nam đảm bảo được điều kiện hoạt động “3 tại chỗ” và 70% DN thủy sản không thực hiện được nên đã phải ngưng sản xuất. Một số DN lo lắng và phải ngưng sản xuất vì dịch bệnh bắt đầu tấn công. Mới đây, Công ty cổ phần Súc sản thực phẩm Vissan - DN thực hiện “3 tại chỗ” nhưng cũng phải ngưng sản xuất khi phát hiện nhiều F0 trong nhà máy. Sau khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” từ 28/6 cho 1.500 nhân viên, trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm công nhân, công ty này đã phát hiện các ca dương tính với Covid-19 ở khâu pha lóc và đóng khay. Đến ngày 20/7, công ty phát hiện thêm 20 ca dương tính Covid-19 nhưng các ca này đều cách ly tại công ty. Số ca nhiễm nCoV ở công ty này tiếp tục tăng buộc doanh ban lãnh đạo công ty quyết định tạm ngừng cung cấp mặt hàng thịt heo mảnh tới các hệ thống siêu thị và cửa hàng.
Không chỉ lo ngại dịch bệnh ập đến nhà xưởng, nhiều DN gặp khó khi chi phí duy trì hoạt động “3 tại chỗ” quá cao. Cụ thể, DN vừa phải trang bị cơ sở vật chất sinh hoạt, vừa phải lo ăn uống và xét nghiệm Covid-19 định kỳ cho người lao động.
Đại diện một DN cho biết, việc thực hiện “3 tại chỗ”, phương án này chỉ có thể kéo dài từ 2 - 3 tuần đối với các DN vừa, vì DN phải gồng gánh quá nhiều các khoản chi phí để đảm bảo chuỗi sản xuất, thực hiện các quy định chống dịch tại nhà máy. “Chi phí xét nghiệm hàng tuần, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân ăn - ngủ - làm việc tại nhà máy tăng 50-100%, chi phí trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy tăng 30-50%, trả lương và chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc, chi phí nguyên phụ liệu tăng cao,… Điều này làm tổng chi phí của doanh nghiệp tăng gấp nhiều lần so với trước, trong khi đó tổng sản lượng giảm hơn 50%. Nhìn chung, áp lực tài chính đối với DN “3 tại chỗ” là rất lớn”.
Theo Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp TP HCM (Hepza), tổng số DN đăng ký thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ trên địa bàn TP HCM là 618/1.412. Qua kiểm tra, thẩm định có 414 DN hoạt động. Số còn lại vừa tiếp tục thẩm định, vừa không đủ điều kiện. Đối với DN phải tạm ngưng hoạt động, sẽ tiến hành rà soát, triển khai áp dụng hỗ trợ phù hợp theo Nghị quyết số 09 của HĐND thành phố.
Liên quan đến việc DN thực hiện phương án hoạt động bảo đảm “3 tại chỗ”, ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng, DN không nhất thiết gò bó theo mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm”. Nếu có phương án khác an toàn hơn có thể đề xuất để thành phố thẩm định rồi cho vận hành. Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị ngành xây dựng nghiên cứu mô hình nhà ở cho công nhân, để có những khu lưu trú dã chiến đáp ứng điều kiện sinh hoạt dài ngày.