Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng lo ngại về diễn biến dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở một số quốc gia châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, khi 3 biến thể virus mới có tốc độ lây lan nhanh gấp đôi so với chủng cũ. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại các nước ASEAN cũng rất nóng.
Mặc dù có ít nhất 8 người thiệt mạng và 384 người khác được cứu sau khi xảy ra một trận vỡ sông băng dẫn tới lở tuyết tại khu vực thuộc bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ; nhưng nó cũng chỉ được coi là “sự cố” trước đại dịch Covid-19 đang đẩy quốc gia tỉ dân này vào một thảm họa y tế.
Làn sóng Covid-19 thứ hai tấn công Ấn Độ với mức độ kinh hoàng
Những ngày này, Covid-19 càn quét Ấn Độ. Số người mắc SARS-CoV-2 tăng khủng khiếp mỗi ngày. Các bệnh viện chật cứng. Số người tử vong ngày một nhiều. Đáng sợ là trong các bệnh viện đã không còn ô-xy cung cấp cho người bệnh.
Trước tình thế đó, Không quân Ấn Độ đã phải điều một chiếc C-17 cất cánh vào lúc lúc 2 giờ sáng tới sân bay quốc tế Changi ở Singapore. Đây là một phi vụ đặc biệt. Sau khi chất 4 container gồm các bình ôxy đông lạnh, máy bay rời Singapore và hạ cánh tại căn cứ không quân Panagarh. Đại sứ quán Singapore tại Ấn Độ đăng lên Twitter: “Chúng tôi chung tay với Ấn Độ trong cuộc chiến chống Covid-19”.
Cùng đó, 23 nhà máy tạo ô-xy di động đang được đưa từ Đức về Ấn Độ bằng đường hàng không. Các nhà máy di động sẽ được triển khai ở các bệnh viện Khoa học Y khoa lực lượng vũ trang để điều trị bệnh nhân Covid-19. Tình trạng thiếu hụt ô-xy trầm trọng tại các bệnh viện điều trị Covid-19 tại Ấn Độ đã đẩy không ít gia đình vào con đường phạm tội với hành vi lấy cắp bình dưỡng khí. Theo tờ India Today, người thân của các bệnh nhân mắc Covid-19 đã lấy cắp bình ôxy tại kho dự trữ của bệnh viện quận Damoh, bang Madhya Pradesh.
Do thiếu ô-xy, một số bệnh viện buộc phải cho bệnh nhân về nhà. Kulwinder Singh - Giám đốc y tế Bệnh viện Shanti Mukund, cho hay họ đã phải yêu cầu gia đình của 85 bệnh nhân có nhu cầu ô-xy cao cân nhắc một kế hoạch khác do bệnh viện chỉ còn đúng lượng ô-xy để cung cấp cho bệnh nhân trong 2 giờ.
Trong khi đó, số người mắc SARS-CoV-2 vẫn tăng lên ở cấp độ khủng khiếp. Ngày cuối tuần, Ấn Độ ghi nhận thêm 346.786 ca mắc mới và 2.624. Đây là những con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát và trong 3 ngày liên tiếp nước này ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày. Đến nay tổng số ca Covid -19 tại Ấn Độ đã gần 15 triệu ca, trong đó hơn 190.000 người tử vong.
Cũng tờ India Today viết, “tang thương bao trùm khắp mọi nơi, trong khi hệ thống y tế đứng trước nguy cơ sụp đổ. Bệnh nhân xếp hàng dài tại các bệnh viện, thi thể người chết do Covid-19 chất chồng tại các lò hỏa táng”.
Trên thực tế, Ấn Độ đã trở thành tâm chấn của đại dịch. Số ca mắc Covid-19 trung bình tính theo ngày đã tăng hơn 20 lần trong 2 tháng qua. Số ca tử vong tại đây cũng tăng hơn 17 lần trong 2 tháng qua. Làn sóng Covid-19 thứ 2 tấn công Ấn Độ với mức độ kinh hoàng. Những tiếng còi xe cứu thương gầm rít suốt ngày đêm trên các con đường vắng vẻ ở thủ đô New Dehli - một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Ấn Độ.
“Bất lực và vô vọng” - cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Menon Rao đăng tải dòng Tweet. “Ấn Độ đang rơi nước mắt”. Còn Kiran Mazumdar Shaw, Chủ tịch điều hành của Công ty chăm sóc sức khỏe Biocon, viết trong một bài bình luận đăng trên tờ Economic Times rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một làn sóng thứ hai sẽ ập đến một cách kinh hoàng như vậy”.
Truyền thông Ấn Độ cho rằng, để xảy ra tình trạng khốn đốn này trước hết là do quá chủ quan. Tình hình sẽ không trở nên quá tồi tệ nếu nước này không nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch hoặc chậm phân phối vaccine cho người dân. Lơ là trong khâu phòng chống dịch, vội vã mở cửa nền kinh tế cũng như cho phép tổ chức các lễ hội lớn của người Hindu với con số tham gia hàng triệu người đã khiến dịch bùng phát.
Nói như ông Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch bệnh tại New Delhi, thì làn sóng thứ hai là hệ quả của sự chủ quan, tự mãn và tụ tập đông người. Biến thể của virus không phải là lý do để giải thích cho điều tồi tệ này. Trong khi đó việc triển khai tiêm phòng vaccine diễn ra chậm chạp: mới chỉ hơn 8% dân số được tiêm phóng trong khi chương trình đã khởi động hơn 3 tháng nay.
Thái Lan chật vật kháng cự; Lào, Campuchia mở rộng phong tỏa
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 25/4, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận hơn 19.000 ca mắc Covid-19 và 318 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên khoảng 3,3 triệu người, trong đó gần 67.000 người tử vong.
Đứng đầu là Indonesia với gần 1,7 triệu người mắc, trong đó hơn 44.500 ca tử vong.Tiếp đến là Philippines khi số ca nhiễm đã lên tới gần 1 triệu người và gần 17.000 ca tử vong.
Thái Lan cũng đang phải chật vật kháng cự dịch Covid-19 khi mà số ca mắc mới tiếp tục tăng ở mức cao kỷ lục (vào ngày 24/4). Chỉ riêng trong ngày này, Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) xác nhận thêm 2.839 ca nhiễm mới, tăng 769 ca so với con số của ngày hôm trước, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 trên cả nước lên 53.022 ca. Cùng ngày, có 8 bệnh nhân tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 129 người.
Tại Campuchia, thủ đô Phnom Penh vẫn là nơi có số ca mắc mới cao nhất, tiếp theo là tỉnh Preah Sihanouk và tỉnh Kandal. Kể từ ngày 15/4 Chính phủ đã ban bố lệnh phong tỏa Phnom Penh. Người phát ngôn Chính quyền đô thành Phnom Penh, ông Met Meas Pheakdey, cho biết các cơ quan chức năng đã điều động nhóm y bác sỹ đến lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ cho những người dân ở các “khu vực đỏ” tại thủ đô hiện đang bị hạn chế ra ngoài. Những khu vực đỏ là những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, gồm 3 quận Steung Meanchey, Por Senchey và Toul Kork.
Tại Lào, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 xác nhận, chỉ trong 1 ngày (ngày 24/4) nước này có thêm 88 ca mắc mới Covid-19, trong đó có tới 84 ca ở thủ đô Vientiane, 2 ca ở tỉnh Champasak, 2 ca ở tỉnh Bokeo. Đáng chú ý, các ca mắc mới đều là lây nhiễm từ cộng đồng, trong đó có cả trẻ em.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 10/18 tỉnh, thành phố của Lào thực hiện lệnh phong tỏa.