Châu Á trước làn sóng Covid mới

Thế Tuấn (tổng hợp) 02/12/2020 08:31

Sau khi vợ của Tổng Giám đốc các trại giam, ông Chlem Savuth, được xác nhận là ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên ở nước này, Thủ tướng Campuchia Hunsen đã kêu gọi người dân bình tĩnh, không hoảng sợ trong lúc cơ quan y tế truy tìm những người đã tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với ca bệnh. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) làn sóng Covid mới đã thực sự đe dọa châu Á.

Trên đường phố Tokyo (Nhật Bản).

Campuchia: Áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp

Thủ tướng Hunsen cho biết, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp để cách ly và tiến hành xét nghiệm đối với những người có thể đã tiếp xúc với ca nhiễm này. Còn theo Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, bà Or Vandine, thì đây không phải là lúc để đổ lỗi, mà phải đoàn kết, lắng nghe các nhà lãnh đạo và chuyên gia y tế của đất nước để vượt qua tình hình phức tạp và nguy hiểm.

“Điều quan trọng nhất lúc này là mọi người phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo rằng không có tình trạng lây nhiễm từ người này sang người khác và không có tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng” - bà Vandine nhấn mạnh.

Với ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng, hiện chưa xác định được vợ ông Savuth đã tiếp xúc với virus gây bệnh Covid-19 từ đâu hay từ ai song bệnh đã kịp lây ra cả nhà (5 người). Tuy nhiên, Chính phủ đã lập tức quyết định tạm thời đóng cửa Trung tâm Thương mại AEON 1 (Phnom Penh) khi biết trường hợp dương tính với Covid-19 đã đến đây ăn uống và mua sắm.

Ngày 30/11, Thủ tướng Hun Sen thông báo bắt đầu chiến dịch phòng, chống bệnh Covid-19 trong 15 ngày. Trong thông điệp mới nhất gửi tới Đô trưởng Phnom Penh và Tỉnh trưởng Siem Reap, ông Hun Sen đã ra lệnh cấm tất cả các cuộc gặp, hội họp trên 20 người và cấm tổ chức đám cưới trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 15/12. Cùng ngày, Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia thông báo đóng cửa toàn bộ rạp chiếu phim, bảo tàng và nhà hát ở Campuchia trong hai tuần. Còn Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng thông báo toàn bộ các du khách nước ngoài và kể cả công dân Campuchia khi nhập cảnh vào nước này sẽ phải cách ly 14 ngày tại những trung tâm được chỉ định trước.

Indonesia: Gia tăng số ca mắc và tử vong

Truyền thông Indonesia đưa tin, tại thời điểm này các bệnh viện ở thủ đô Jakarta và đảo Java đã gần kín chỗ trong bối cảnh số ca lây nhiễm mới Covid-19 liên tục gia tăng. Đây được coi là đợt lây nhiễm dữ dội kể từ sau đợt thứ nhất vào cuối tháng 2, đầu tháng 3. Một lần nữa, giáo sư Wiku Adisasmito, Người phát ngôn của Lực lượng đặc nhiệm chống Covid của nước này kêu gọi nhà chức trách mạnh tay trấn áp những kẻ không tuân thủ giãn cách xã hội.

Chỉ trong ngày kết thúc tháng 11, Indonesia ghi nhận 4.617 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên gần 539 ngàn người, trong đó có 16.945 ca tử vong. Trước đó, ngày 29/11, Indonesia “lập kỷ lục” mới về ca lây nhiễm trong ngày với 6.267 trường hợp.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các bậc phụ huynh thận trọng và kiên nhẫn cho con em học từ xa trong bối cảnh đa số các trường học trên khắp đất nước vẫn đóng cửa cho đến hết năm.

Lực lượng đặc nhiệm xử lý Covid-19 của Indonesia cho biết, tỷ lệ các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Indonesia đã tăng lên 14,1%, bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn của Chính phủ. Trong đó, thủ đô Jakarta là nơi có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất trong cả nước. Ông Dicky, nhà dịch tễ học từ Đại học Griffith nói: “Không có lựa chọn nào khác. Nếu chúng ta muốn kiểm soát đại dịch ở Indonesia, thì hãy tránh đám đông dưới bất kỳ hình thức nào”.

Indonesia hiện là quốc gia có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất Đông Nam Á và thứ 5 châu Á.

Iran, Thái Lan, Ấn Độ: Tiếp tục nóng

Tại Iran, tình hình căng thẳng do Covid-19 gây ra kể từ cuối tháng 10 vẫn tiếp diễn. Iran vẫn là nước dẫn đầu khu vực Trung Đông về số người mắc SARS-CoV-2. Để khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, Đài Truyền hình nước này đã chạy hàng chữ lớn “4 phút lại có một người chết vì Covid-19”. Người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 quốc gia của Iran, ông Alireza Zali nói, “các bác sĩ và y tá của chúng tôi đang mệt mỏi. Tôi kêu gọi mọi người tôn trọng các quy định”. Tới thời điểm này, 21 trong số 31 tỉnh của Iran đã phải đặt trong tình trạng báo động đỏ do Covid-19.

Tại Thái Lan, kể từ ngày 3/9 khi giới chức y tế nước này xác nhận một nam tù nhân đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và đã được chuyển từ trại giam đến một bệnh viện thuộc Cục Cải huấn quản lý, tình hình liên tục nóng lên. Đáng chú ý, đây là ca nhiễm Covid-19 mới tại Thái Lan sau 100 ngày nước này không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Cho tới ngày 30/11, nhằm ngăn chặn một ổ dịch tiềm tàng sau khi phát hiện 3 công dân Thái nhập cảnh trái phép từ Myanmar có xét nghiệm dương tính, Bộ Y tế Thái Lan một lần nữa phải áp dụng tình trạng khẩn cấp, vì rằng 356 người ở tỉnh Chiang Rai và Chiangmai có nguy cơ đã phơi nhiễm với 3 đối tượng nói trên.

Tại Ấn Độ, hiện đã trở thành nước thứ hai trên thế giới có số ca SARS-CoV-2, sau Mỹ. Đáng chú ý, Covid-19 đã khiến nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ. Trang CNN Business dẫn số liệu do Chính phủ Ấn Độ cho biết tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trong quý 3 giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2019. Quý 3 năm ngoái, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng hơn 4%. “Để kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19, các biện pháp hạn chế đã được đặt ra đối với nhiều hoạt động kinh tế” - Bộ Thống kê Ấn Độ nói trong một tuyên bố và cho biết: “Những hạn chế này đã dần được gỡ bỏ, nhưng đã gây ra ảnh hưởng về mặt kinh tế”.

Theo chuyên gia kinh tế Shilan Shah thuộc Capital Economics, việc phục hồi của nền kinh tế thứ 3 châu Á này là rất khó khăn, khi mà dịch Covid-19 vẫn không có dấu hiệu giảm. Đặc biệt, Covid-19 tiếp tục lây lan tại những khu ổ chuột tại những thành phố lớn cũng như tại những vùng nông thôn nhiều người nghèo và hệ thống y tế chưa phát triển.

Thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23h59 ngày 30/11, các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng 1.190.977 ca mắc Covid-19 trong đó có 27.765 ca tử vong. Indonesia tiếp tục là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN, với số ca bệnh và tử vong mới liên tục dẫn đầu khối. Trong ngày 30/11, nước này ghi nhận gần trên 4.600 ca bệnh mới và 130 ca tử vong. Cũng trong thời điểm này, có tới 8 nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca Covid-19 mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á trước làn sóng Covid mới