Quốc tế

Châu Âu chìm trong giá rét

Thanh Đức 08/01/2024 08:26

Tuần đầu của năm mới 2024, các quốc gia châu Âu phải đối mặt với tình trạng giá rét khủng khiếp lẫn những trận lũ lụt bất ngờ. Ngày 7/1, Cơ quan chính sách khí hậu châu Âu đưa ra cảnh báo, thời tiết cực đoan đang “tăng tốc”.

16-anhbaitren.jpg
Tuyết rơi dày ở thành phố Munich (Đức). Nguồn: GETTY IMAGES.

Tiến sĩ Carlo Buontempo - Giám đốc Trung tâm Copernicus cho rằng việc các quốc gia Bắc Âu bị nhấn chìm trong tuyết suốt 1 tuần có thể coi là kỷ lục của sự lạnh giá. Tại Thụy Điển, người dân đã phải trải qua những đêm tháng 1 lạnh nhất kể từ năm 1999, khi mà có nơi nhiệt độ xuống âm 42 độ C. Riêng tại Kvikkjokk - Arrenjarka, nhiệt độ đo được là âm 43,6 độ C - mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Quân đội Thụy Điển đã được điều động hỗ trợ các hoạt động cứu hộ.

Còn tại Đan Mạch, tuyết dày nhất kể từ năm 2011. Người dân được khuyến cáo tránh lái xe quanh Aarhus - thành phố lớn thứ hai của Đan Mạch, nơi ùn tắc giao thông kéo dài tới 30km. "Nhiều tuyến đường gặp vấn đề lớn, nhiều người kẹt hàng giờ. Hãy suy nghĩ kĩ và ở nhà" - cảnh sát Đan Mạch cảnh báo trên mạng xã hội.

Trong khi đó, tại Phần Lan, nhiệt độ phía Tây Bắc rơi xuống âm 42 độ C. Lạnh nhất là vùng Enontekio: âm 43 độ C. Theo Viện Khí tượng Phần Lan, nước này chỉ ghi nhận nhiệt độ dưới âm 42 độ C 3 lần kể từ năm 2000 đến nay.

Người dân sinh sống tại Helsinki (thủ đô Phần Lan) bất ngờ khi ống nước đóng băng, bị vỡ. Suốt cả tuần trẻ con và người già buộc phải ở trong nhà. Bão tuyết và giá rét gây gián đoạn giao thông và khiến nhiều trường học đóng cửa. Đó là điều nhiều người không thể ngờ tới khi Helsinki vừa trải qua một mùa hè nóng nhất trong lịch sử.

Còn tại nước Nga, những đợt không khí lạnh từ Siberia và Bắc Cực quét xuống, khiến nhiệt độ ở thủ đô Matxcơva và các khu vực khác giảm xuống âm 30 độ C, thấp hơn nhiều so với nhiệt độ trung bình của ngày đầu năm mới 2024. Giới chức Matxcơva và St.Petersburg đã ban bố cảnh báo thời tiết màu cam, khuyến cáo người dân đề phòng nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Mùa đông khắc nghiệt với nền nhiệt thấp kỷ lục đã gây ra tình trạng băng giá cực điểm, làm gián đoạn giao thông ở nhiều khu vực của nước Nga. Đài RT của Nga đưa tin, không chỉ Matxcơva và St.Petersburg, mà cả các khu vực miền trung xứ sở bạch dương, bao gồm Vladimir, Ivanovo, Kostroma, Tver và Yaroslavl, nhiệt độ còn ở mức âm 35 độ C. Riêng vùng Sverdlovsk nhiệt độ giảm xuống âm 40 độ C.

Tuyết rơi dày đặc khiến nhiều chuyến bay phải hoãn hoặc hủy. Băng tuyết cũng gây ra nhiều vấn đề với giao thông đường sắt. Tại vùng Chelyabinsk trên dãy Urals, các tuyến đường sắt tạm ngừng hoạt động. Một chuyến tàu điện Lastochka đã bị kẹt 3 giờ đồng hồ ở vùng Vladimir, trên đường từ Matxcơva đến Nizhny Novgorod, trong thời tiết âm 30 độ C.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng liên bang Nga cảnh báo, đợt lạnh bất thường sẽ lan tới 70% diện tích của đất nước trong những ngày tới và sẽ không giảm trước ngày 10/1. Ở một số vùng, nhiệt độ thậm chí có nguy cơ xuống tới âm 54 độ C.

Nếu nước Nga và Bắc Âu chìm trong tuyết thì một số nơi ở khu vực Tây và Trung Âu lại hứng chịu cơn bão Henk (đổ bộ ngày 2/1), kéo theo mưa lớn gây mất điện trên diện rộng, làm gián đoạn giao thông.

Cơ quan quản lý nguồn nước Hà Lan cho biết, một phần của con đê điều tiết mực nước đã bị cuốn đi. Nước trên sông Maas gần thành phố Maastricht dâng cao. Còn tại Pháp, mưa lớn trút xuống các vùng Pas-de-Calais và Nord buộc hàng nghìn người phải sơ tán và 10.000 hộ gia đình bị cắt điện sinh hoạt. Đường sá ở thị trấn Blendecques biến thành sông.

Tương tự, nhiều khu vực nước Đức phải vật lộn với lũ lụt do mưa lớn, nhất là bang Lower Saxony. Tại Vương quốc Anh, Cơ quan môi trường đã phát cảnh báo vàng về thời tiết lạnh, đồng thời giữ nguyên cảnh báo nguy cơ lũ lụt với khoảng 1.000 ngôi nhà ở vùng England. Các khu vực thuộc vùng trung du trên sông Trent, mực nước lên tới 5,35m - gần mức cao kỷ lục 5,5m được ghi nhận vào năm 2000.

Nhà khí tượng học Fabian Ruhnau nói với kênh truyền hình RTL Today của Luxembourg rằng, những trận mưa lớn ở châu Âu một phần là do những luồng gió mạnh từ Bắc Đại Tây dương thổi thẳng vào khu vực Trung Âu. El Nino khiến nước biển dâng tấn công hệ thống phòng, chống bão lũ đã lỗi thời của châu Âu. Rét mướt và lũ lụt xuất hiện cùng lúc đã cho thấy nhiều quốc gia châu Âu đã không ứng phó đầy đủ trước biến đổi khí hậu. “Hệ thống phòng thủ lỗi thời đang khiến nhiều cộng đồng chìm trong nước lũ. Việc xây dựng phát triển dọc theo bờ sông đã gây thêm căng thẳng cho hệ thống thoát nước” - TS Ruhnau nói và khuyến cáo châu Âu cần cải thiện khả năng phòng, chống lũ lụt, hệ thống cảnh báo sớm và các biện pháp phục hồi để giảm thiểu hậu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu chìm trong giá rét

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO