Ngày 19/12, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo nước này sẽ được đặt trong tình trạng phong tỏa trong phần lớn giai đoạn Giáng sinh và đón năm mới.
Thông báo này đã chấm dứt chuỗi ngày của sự bất định và tranh cãi trong liên minh cầm quyền, vốn bất đồng giữa việc phong tỏa hoàn toàn với bên muốn có thêm thời gian để hỗ trợ các doanh nghiệp và cho phép các gia đình đoàn tụ trong kỳ nghỉ năm nay. Tuy nhiên, điều đó không chỉ diễn ra ở Italy.
Theo quy định mới của Thủ tướng Conte, các cửa hàng không thiết yếu trên cả nước Italy sẽ phải đóng cửa trong giai đoạn từ ngày 24 đến 27/12; 31/12 đến 3/1 và 5 đến 6/1/2021. Trong những ngày này, người dân chỉ được phép di chuyển giữa các khu vực với lý do làm việc, chăm sóc sức khỏe hoặc khẩn cấp.
Các cửa hàng sẽ được mở trong các ngày từ 28 đến 30/12/2020 và ngày 4/1/2021. Đây cũng là thời điểm mọi người có thể tự do ra khỏi nhà. “Khoảng thời gian quá ngắn ngủi để chúng ta được tự do” – truyền thông Italy nhận xét một cách hài hước.
Trong một “mùa đông nghiệt ngã” khi Covid-19 hoành hành, hầu hết các quốc gia châu Âu đã phải ban bố tình trạng phong tỏa cục bộ, cùng đó là những quy định ngặt nghèo về y tế. Cũng trong ngày 19/12, Chính phủ Áo tuyên bố sẽ áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ 3 sau lễ Giáng sinh. Quyết định này được đưa ra chỉ 11 ngày sau khi lệnh phong tỏa lần thứ 2 ở nước này kết thúc.
Theo đó, những cửa hàng không thiết yếu, vốn đã mở cửa trở lại từ tuần trước, sẽ phải đóng cửa và chỉ được phép mở cửa trở lại từ ngày 18/1/2021 cùng với các nhà hàng, trường học, viện bảo tàng và nhà hát. Cùng đó, hoạt động xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên diện rộng sẽ được thực hiện từ ngày 15 đến ngày 17/1/2021. Những người không được xét nghiệm sẽ phải chấp hành lệnh phong tỏa cho tới ngày 24/1/2021, còn những người có kết quả âm tính “sẽ được tự do”.
Cùng thời gian này, Chính phủ Thụy Sĩ đã yêu cầu tất cả các nhà hàng, trung tâm thể thao và giải trí đóng cửa trong vòng 1 tháng, kể từ ngày 22/12/2020. Chính phủ cũng hối thúc người dân ở nhà để hạn chế lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, những động thái cứng rắn đó của Chính phủ cũng không “làm hài lòng” giới chuyên gia y tế, khi họ liên tục kêu gọi phải áp đặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt hơn.
Còn Chính phủ Thụy Điển cũng đã buộc phải đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt nhất để tránh nguy cơ đẩy đất nước rơi vào làn sóng Covid-19 lần thứ 2. Bộ Y tế nước này kêu gọi người dân đeo khẩu trang trên các phương tiên giao thông công cộng và đóng cửa những địa điểm làm việc công cộng không thiết yếu. Thủ tướng Stefan Lofven nhấn mạnh: “Hiện không thể quay trở về cuộc sống hàng ngày bình thường. Đại dịch là một vấn đề sinh tử.” Cũng cần biết rằng, trước đó Thụy Điển đã từ chối ban hành quy định về việc sử dụng khẩu trang trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Trong khi nhiều quốc gia châu Âu “hốt hoảng” khi Giáng sinh và năm mới đến, vì lúc đó các hoạt động tụ tập đông người sẽ diễn ra khiến nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng, thì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại một lần nữa cảnh báo “giai đoạn khó khăn nhất của châu Âu” đã đến.
WHO đưa ra những con số chóng mặt về tốc độ lây nhiễm Covid-19 ở châu Âu, bất chấp những kết quả nghiên cứu vaccine là khả quan và nước Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm ngừa đại dịch này. Vì sao châu Âu lại dễ dàng lâm vào khủng hoảng Covid-19? Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo Giám đốc Văn phòng châu Âu tại WHO, tiến sĩ Hans Kluge, thì rõ ràng là châu Âu buông lỏng các biện pháp chống dịch.
“Nhiều nước châu Âu đã lơ là các biện pháp y tế công cộng trong mùa hè. Việc đeo khẩu trang không trở nên phổ biến. Các cuộc tập hợp đông người vẫn không được kiểm soát. Vì thế mà ta đã thấy những hệ quả dữ dội của virus đang tăng lên gấp bội”- tiến sĩ Kluge nói.
Ngay cả Thụy Sĩ, nơi WHO đóng trụ sở, cũng bị Covid-19 tấn công. Lí do được cho là nước này đã áp dụng phương pháp chống dịch quá phân tán, chỉ có một số vùng mới vừa bắt buộc đeo khẩu trang.