Nhiệt độ ở thủ đô Paris của Pháp đã lên tới mức kỷ lục khi trong hôm thứ Sáu vừa qua với 42,6 độ C. Đợt nắng nóng bất thường đang lan rộng khắp khu vực Bắc Âu, làm dấy lên nhiều quan ngại về tình hình sức khỏe của người dân trong khu vực này.
Người dân Paris đổ ra các đài phun nước công cộng (Nguồn: AFP).
Không dám đi bộ trên các tuyến phố
Trong lúc đợt nắng nóng càn quét ở nhiều nước khác như Bỉ, Hà Lan và Đức, nhiệt độ ở thủ đô Paris đã vượt qua mức kỷ lục năm 1947 là 40,4 độ C. Nhiều con tàu ở châu Âu đã phải di chuyển chậm hơn thường lệ nhằm tránh làm hỏng hệ thống đường sắt. Nhà điều hành SNCF của Pháp còn kêu gọi hành khách tạm ngừng di chuyển, trong khi Công ty đường sắt Deutsche Bahn của Đức đề nghị đổi vé miễn phí cho khách hàng.
Ở Paris, hàng triệu người phải đối đầu với cái nắng gay gắt, không dám đi bộ trên các tuyến phố, hạn chế đi ra đường trong lúc nắng gắt. Chính quyền các cấp khuyến cáo người dân để ý tới những người sống độc thân, do lo ngại về ảnh hưởng của nắng nóng.
“Thời tiết quá nóng nực, đúng là không thể chịu nổi. Có quá nhiều người, không có đủ máy điều hòa cho mọi người” - ông Petra Ulm, một cư dân của thủ đô Paris, nói.
Tại Paris, nhà chức trách, tình nguyện viên xuống đường trao nước, kem chống nắng cho người già, người bệnh tật, vô gia cư và mở trung tâm ban ngày để họ có chỗ nghỉ ngơi, tắm gội. “Chúng tôi ở ngoài đường cả ngày dưới cái nắng như đổ lửa để mang nước, súp và sữa cho người vô gia cư ở vùng ngoại ô Boulogne của Paris”, một tình nguyện viên cho biết.
Người dân đổ ra các bãi biển
Ở Anh, nhiệt độ đã lên tới 38,1 độ C ở Cambridge, chỉ kém chút ít so với mức nhiệt độ kỷ lục là 38,5 độ C từng được ghi nhận ở nước này. Những cư dân nào may mắn mới tìm được một chỗ tắm trên bãi biển chật cứng người, những người kém may mắn hơn buộc phải ở trong nhà tránh nắng.
“Thời tiết nắng nóng rõ ràng không có lợi cho sức khỏe của nhiều người, nếu có ngày nghỉ thì chúng tôi chỉ muốn đổ ra bờ biển chống nóng” - Graham Clarke, 50 tuổi, một nhân viên bảo hiểm sống ở Cambridge, cho hay.
Ở Hà Lan, nhiệt độ có lúc lên tới 40,4 độ C, phá vỡ kỷ lục được ghi nhận từ năm 1944. Tại thành phố Amsterdam, rất nhiều người đổ tới khu vực đài phun nước ở quảng trường trung tâm, trong khi các nhân viên lao công thành phố phun nước trên các cây cầu để ngăn tình trạng biến dạng do nắng nóng.
“Tôi cố gắng tránh ra ngoài nhiều nhất có thể” - Serona Methorst, sinh viên 19 tuổi, ở Amsterdam cho hay - Chúng tôi vốn quen với khí hậu mát mẻ hơn. Nhiều người thực sự thấy khó chịu với thời tiết nắng nóng.
Trong hôm 25/7, Đức một lần nữa ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục mới là 41,5 độ C. Nắng nóng khiến chính quyền nước này phải tạm ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Grohnde do lo ngại ảnh hưởng tới môi trường. Lượng nước dùng để làm mát lò phản ứng nhà máy này được bơm trở lại xuống các con sông.
Ở Cologne, miền Tây nước Đức, tình nguyện viên phát nước miễn phí cho những người qua đường bị khát. Khách du lịch và người dân địa phương trên khắp châu Âu tìm đến các đài phun nước hoặc các con sông để giải nhiệt.
Nhiều hoạt động tê liệt
Nước Bỉ cũng ghi nhận kỷ lục mới khi nhiệt độ lên tới 40,6 độ C. Hôm 25/7, một đoạn cáp điện đã bị đứt ngay bên ngoài thủ đô Brussels, khiến đoàn tàu Eurostar đi London không thể tiếp tục hành trình. Đoàn tàu tới Paris chạy sau tàu Eurostar cũng phải ngừng hoạt động. Ít nhất 300 hành khách phải chuyển sang một đoàn tàu khác để trở về Brussels, đợi chuyến thay thế. Hai đoàn tàu chạy tuyến London - Brussels và hai đoàn tàu chạy tuyến Brussels - London buộc phải hủy chuyến.
Ở miền Bắc nước Pháp, chính quyền các cấp đã công bố mức báo động đỏ, trong khi phần còn lại của nước này đưa ra cảnh báo vàng, đồng thời áp dụng hạn chế sử dụng nước. Ở Áo, 1 đứa trẻ 3 tuổi đã chết vì tình trạng mất nước, sau khi ngủ quên trong một chiếc xe đậu giữa trời nắng.
Người Pháp vẫn bị ám ảnh bởi đợt nắng nóng đầu hè năm 2003, khi 15.000 người chết do đợt nóng cực đoan. “Chúng ta cần phải chăm sóc bản thân và cả những người xung quanh, đặc biệt là những người sống độc thân” - Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nói.