Nhiệt độ mùa đông cao kỷ lục quét qua các khu vực của châu Âu trong năm mới khiến các nhà hoạt động kêu gọi cần hành động nhanh hơn chống lại biến đổi khí hậu. Nhưng mặt trái của sự ấm lên này cũng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các chính phủ đang phải vật lộn với giá năng lượng cao.
Mùa đông phá kỷ lục
Hàng trăm địa điểm trên khắp châu Âu đã chứng kiến kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ trong những ngày qua, từ Thụy Sĩ, Ba Lan đến Hungary, nơi ghi nhận đêm Giáng sinh ấm nhất ở Budapest và chứng kiến nhiệt độ tăng lên 18,9 độ C vào ngày 1/1.
Pháp có những ngày cuối năm 2022 ấm áp khi nhiệt độ đã tăng lên gần 25 độ C ở phía Tây Nam, nguyên nhân khiến các khu trượt tuyết nhộn nhịp thường thấy ở châu Âu trở nên vắng vẻ do không có tuyết.
Trong khi đó, Dịch vụ thời tiết ở Đức - nơi nhiệt độ trên 20 độ C được ghi nhận - cho biết, nước này chưa từng quan sát thấy thời tiết chuyển mùa ôn hòa như vậy kể từ khi bắt đầu ghi nhận vào năm 1881.
Nhiệt độ cũng lên tới 25,1 độ C tại sân bay Bilbao ở xứ Basque của Tây Ban Nha. Mọi người có thể tắm nắng khi ngồi bên ngoài Bảo tàng Guggenheim của Bilbao hoặc đi bộ dọc theo sông Nervion.
Các nhà khoa học vẫn chưa phân tích một cách cụ thể về những hiện tượng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu gây nên nhiệt độ cao gần đây, nhưng thời tiết ấm áp của tháng Giêng phù hợp với xu hướng tăng nhiệt độ dài hạn do biến đổi khí hậu.
Ông Freja Vamborg - nhà khoa học về khí hậu cho biết: “Mùa đông đang trở nên ấm hơn ở châu Âu do nhiệt độ toàn cầu tăng lên”. Nó diễn ra sau một năm xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan mà các nhà khoa học kết luận là có liên quan trực tiếp đến sự nóng lên toàn cầu, bao gồm các đợt nắng nóng chết người ở châu Âu, Ấn Độ và lũ lụt ở Pakistan.
Cơ quan thời tiết quốc gia Pháp Meteo France cho rằng, nhiệt độ bất thường là do một khối không khí ấm áp di chuyển đến châu Âu từ các vùng cận nhiệt đới. Nó xảy ra trong mùa trượt tuyết bận rộn, dẫn đến các chuyến đi bị hủy bỏ bởi các con dốc trống tuyết.
Trên núi Jahorina ở thủ đô Sarajevo của Bosnia thời gian này lẽ ra phải là một trong những tuần bận rộn nhất, nhưng thay vào đó, mọi thứ đều yên tĩnh vì không có tuyết.
Cứu trợ ngắn hạn
Nhiệt độ ôn hòa bất thường đã giúp một số khu vực tránh khỏi viễn cảnh một mùa đông khắc nghiệt do thiếu khí đốt. Với việc các kho dự trữ khí đốt gần đầy và giá khí đốt đã giảm xuống mức trước xung đột Nga – Ukraine. Châu Âu có thể đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Giá khí đốt chuẩn đã giảm 20% so với mức kỷ lục được thiết lập vào tháng 8. Ngân hàng Morgan Stanley trong một báo cáo cho biết mức tiêu thụ của châu Âu dự kiến sẽ thấp hơn khoảng 16% so với mức trung bình 5 năm trong suốt năm 2023.
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), sự kết hợp của các điều kiện sẽ giúp giảm lạm phát, ổn định triển vọng kinh tế của châu Âu. Mặc dù một đợt lạnh đột ngột hoặc gián đoạn vận chuyển vẫn có thể khiến thị trường năng lượng rơi vào tình trạng hỗn loạn, nhưng sự lạc quan đang gia tăng rằng châu Âu giờ đây có thể vượt qua mùa đông này và thậm chí là cả mùa đông tới.
Châu Âu đã thiệt hại gần 1.000 tỷ USD do giá năng lượng tăng vọt bắt nguồn từ xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022. Các chính phủ đã bỏ ra hơn 700 tỷ USD để hỗ trợ các công ty và người tiêu dùng trong khi tiếp tục nỗ lực loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đặc biệt là khí đốt tự nhiên.
Ngoài ra, theo S&P Global, năng lượng gió và năng lượng mặt trời sẽ giúp cắt giảm 39% sản lượng điện khai thác bằng khí đốt tại 10 thị trường năng lượng lớn nhất châu Âu trong năm nay. Bên cạnh đó, theo Morgan Stanley, giao hàng LNG đã lập kỷ lục mới vào tháng 12 và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục.
Bất chấp những diễn biến tích cực, rủi ro vẫn tồn tại. Nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga trong năm 2023 sẽ chỉ bằng 1/5 mức thông thường - khoảng 27 tỷ mét khối - và có nguy cơ Điện Kremlin cắt hoàn toàn nguồn cung.
Nhà nghiên cứu Anne-Sophie Corbeau tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia (Mỹ) đánh giá, đó là một mức giảm khổng lồ đối với thị trường vốn tiêu thụ 400 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2021. Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể gây ra cạnh tranh.
Công ty Wood Mackenzie của Anh nhận định: “Châu Âu có thể đang ở một vị thế tốt hơn so với lo ngại trước đây, nhưng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn”.
Một lưu ý của Cơ quan tư vấn chính sách của EU – Eurointelligence - cảnh báo, các chính phủ châu Âu không nên bị “ru ngủ” bởi điều kiện hiện nay. “Mặc dù mùa đông ấm sẽ mang lại cho các chính phủ nhiều không gian tài chính hơn trong nửa đầu năm nay, nhưng việc giải quyết các vấn đề năng lượng của châu Âu sẽ phải được thực hiện bằng hành động phối hợp trong vài năm nữa. Chưa thể khẳng định khủng hoảng đã kết thúc”.
Thời tiết ở châu Âu đang ấm áp bất thường khi nhiều nước trên khắp “Lục địa già” ghi nhận nhiều kỷ lục nhiệt độ. Trong báo cáo công bố ngày 5/1 vừa qua, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết một số nước châu Âu đã ghi nhận các mức nhiệt cao kỷ lục vào đêm Giao thừa và ngày đầu Năm mới. Tại thành phố Besancon phía Đông nước Pháp, nhiệt độ ngày 1/1 đạt 18,6 độ C, mức cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 1,8 độ C so với kỷ lục trước đó ghi nhận vào tháng 1/1918.