Châu Âu và việc khủng hoảng người di cư

Linh Chi 20/08/2015 10:10

Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu dường như đã lên đỉnh điểm sau khi con số mới của cơ quan quản lý cho thấy mức kỷ lục 107.500 người di cư tìm cách vượt biên để tìm “thiên đường sống” của họ. Mức tăng đột biến chưa từng có này đã biến làn sóng di cư trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đối với châu lục này.

Châu Âu và việc khủng hoảng người di cư

Người di cư đổ xô đến các hòn đảo của Hy Lạp

Nguồn: ABCnews

Tình trạng khẩn cấp

Cơ quan quản lý biên giới Frontex của Liên minh châu Âu (EU) hôm 19-8 đã công bố một báo cáo thể hiện các con số thống kê về tình trạng di cư trái phép ở châu lục này, trong đó chỉ tính riêng tháng 6 đã có 70.000 người di cư tìm cách vượt biên. Trong khoảng 7 tháng đầu của năm 2015, châu Âu có khoảng 340.000 người di cư, so với mức 123.500 cùng kỳ năm ngoái, theo Frontex.

“Đây là tình trạng khẩn cấp đối với châu Âu mà trong đó tất cả thành viên EU cần phải hỗ trợ chính quyền một số nước đang phải tiếp nhận một lượng lớn người nhập cư tại khu vực biên giới của họ” – Giám đốc Frontex Fabrice Legger nói trong một tuyên bố.

Chỉ tính riêng ở nước Đức, chính quyền dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 750.000 người tìm cách nhập cư vào nước này trong năm nay.

Cao ủy LHQ về vấn đề người tị nạn (UNHCR) cho hay, chỉ tính riêng trong tuần trước, khoảng 20.843 người di cư – tất cả đều chạy khỏi chiến sự và tình trạng bị ngược đãi ở Syria, Afghanistan và Iraq – đã cập bến Hy Lạp, đất nước đã chứng kiến một làn sóng người di cư hơn 160.000 người đến bờ biển của họ kể từ tháng Một đến nay.

Đức – “Thiên đường” của người di cư

Đức, đầu tàu kinh tế của châu Âu, đã trở thành điểm đến hàng đầu của những người di cư, khi có đến 1/3 số người đến châu Âu hồi năm ngoái tìm cách nhập cư vào nước này. Theo một báo cáo mà tờ Handelsblatt đưa ra, Berlin dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 700.000 người nhập cư trong năm 2015.

Giám đốc UNHCR Antonio Guterres hôm đầu tuần đã kêu gọi đoàn kết trong cộng đồng các nước châu Âu nhằm đối phó với làn sóng người di cư này, khẳng định rằng việc một số nước như Đức hay Thụy Điển sẽ phải tiếp nhận phần lớn lượng người di cư đến châu Âu là điều “không thể chấp nhận được”.

Trong khi đó, Pháp và Anh đang chuẩn bị ký kết một thỏa thuận trong tuần này nhằm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng nhập cư đang lan rộng ở cảng Calais của Pháp, nơi hàng nghìn người di cư tìm cách vượt biên sang Anh trong vô vọng thông qua đường hầm qua eo biển Manche.
Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy làn sóng người di cư trái phép đổ vào châu Âu sẽ giảm. Tính đến nay đã có khoảng 250.000 người di cư đã băng qua biển Địa Trung Hải để đến Italy và Hy Lạp, và Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) còn dự tính con số này có thể tăng lên 300.000 người vào cuối năm nay.

Làn sóng di cư lớn chưa từng có này cũng khiến khoảng 2.440 người chết trong khi cố gắng vượt biển đến châu Âu. Con số này cũng bao gồm 49 người di cư thiệt mạng vì chết ngạt khi trốn trong tàu buôn người trong tình trạng thiếu dưỡng khí.

Đổ bộ vào đảo của Hy Lạp

Sự gia tăng trong làn sóng người di cư đến châu Âu còn được thấy rõ ở nước vốn đang bị khủng hoảng nợ công là Hy Lạp, và bởi vậy Chính phủ nước này không thể hỗ trợ nổi hàng nghìn người di cư đến nước họ.

“Trong nhiều tháng qua, UNHCR đã liên tiếp cảnh báo về cuộc khủng hoảng di cư gia tăng trên các hòn đảo của Hy Lạp” – người phát ngôn của UNHCR William Spindler nói và khẳng định rằng Chính phủ nước này cần phải lập tức tăng cường cải thiện các thủ tục đăng ký, dịch vụ và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ người di cư trên cả đất liền và các hòn đảo nhỏ.

Cho đến mãi gần đây, thì đa phần người di cư đều tìm cách vượt Địa Trung Hải đến châu Âu thông qua Italy, tuy nhiên do sự nguy hiểm địa lý và nhiều vấn đề khó khăn khác nên họ đã chuyển sang điểm đến Hy Lạp. Và khi đến được một số hòn đảo của Hy Lạp, người di cư gần như không được hỗ trợ và thậm chí phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Điển hình là hòn đảo Kos, trong tuần trước từng chứng kiến một cảnh tượng hỗn loạn khi lực lượng cảnh sát phải đối phó với hàng nghìn người di cư tập trung tại đây, một cảnh tượng cho thấy sự thất bại của châu Âu trong việc phản ứng với cuộc khủng hoảng di cư. Vốn đã mệt mỏi vì cảnh nặng nợ, Hy Lạp thừa nhận rằng đất nước họ không thể chống đỡ được làn sóng người di cư khổng lồ này và đã yêu cầu sự hỗ trợ từ EU.

Mới đây, EU đã thông qua khoản tiền trị giá 2,4 tỷ Euro để giúp đỡ các nước thành viên đương đầu với làn sóng người di cư. Tuy nhiên UNHCR vẫn thúc giục EU nên hỗ trợ khẩn cấp cho Hy Lạp, chỉ ra rằng “đa phần” người di cư đang có xu hướng tiến đến khu vực phía Bắc của châu Âu, mà Hy Lạp là thuận tiện nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu và việc khủng hoảng người di cư