Tinh hoa Việt

Châu ngọc Hồ Gươm

Hoài Hương 03/04/2025 16:46

Hồ Gươm như một vườn thơ ngàn năm với nhiều loài hoa cỏ bốn mùa nghiêng bóng soi gương. Đã có bao nhiêu tài tử thi nhân kim cổ vịnh ngâm vẻ đẹp tĩnh lặng màu lục thủy của hồ để cho bao mộng tương tư không chỉ với người kinh thành Thăng Long, người Hà Nội mà còn cả người phương Nam đã từng trót một lần dừng chân thả hồn nơi đây.

img_7457.jpeg

Vào khoảnh khắc xuân đang ở đỉnh rực rỡ của mùa, được tay trong tay cùng một thiếu nữ Hà Nội, thả từng bước thong dong ngắm Hồ Gươm hoàng hôn buông, hình như đang chạm vào một góc xưa thần thoại hồ ngàn năm trước khi bắt gặp trong gió nhẹ phớt qua hương thơm ngọt như mật cùng những dây hoa đỏ như châu ngọc rủ rèm thả xuống mặt hồ của cây lộc vừng trong sương chiều tím nhạt lãng đãng.

Ừ mà lạ, vòng hồ rộng với bao nhiêu loài cây, nhưng chỉ có hai cây lộc vừng cổ thụ mà như làm không gian Hồ Gươm lộng lẫy quyến rũ cả một hoàng hôn.

Như một sự hòa quyện tuyệt mỹ giữa thiên nhiên và bàn tay tài hoa của người xưa, hai cây lộc vừng cổ thụ cùng với Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tháp Bút, đài Nghiên, và mặt nước màu lục trở thành bức tranh phong cảnh thần tiên, cho dù thi nhân , hoa sư tài hoa bậc nhất cũng khó họa hết bằng ý, bằng thơ, bằng nét…

Mà thật lạ, hai cây lộc vừng cổ thụ có lẽ tuổi cũng mấy trăm năm, mỗi cây có một dáng “thế” rất độc đáo, gần như chẳng đâu có được.

Một cây chỗ đường Trần Nguyên Hãn được các nhà chơi cây cảnh bonsai ví như con ngựa tung bờm, chồm vó đang phi nước đại, bất chợt gặp làn nước xanh màu ngọc lục bảo, đã dừng chân.

Một cây có 9 gốc hợp quần, sát hồ, choãi mình nghiêng soi bóng như muốn chạm vào những tầng mây lãng đãng trôi trên mặt nước lăn tăn sóng.

Mùa này lộc vừng đã trút hết lá để rồi bật ra những dây hoa xanh mướt non tơ, ở trên bám những nụ hoa li ti, rồi bừng nở tạo thành từng chuỗi ngọc, kết lại như rèm châu rủ xuống, tỏa hương thơm thanh mát cả góc hồ…

Và cũng thật đặc biệt, loài hoa biểu tượng cho thịnh vượng, giàu sang, viên mãn, nhưng không kiêu sa quý phái như các loài khác chỉ nở khi mặt trời mọc, hoa lộc vừng âm thầm bung nở khoe sắc hương từ lúc xế chiều trong hoàng hôn đến khi bình minh lên.

Những bông hoa nhỏ li ti, cánh hoa như sợi tơ mềm mại đỏ rực, trên đầu cánh hoa điểm một đốm trắng sáng duyên dáng, để cho hoa long lanh hơn trong xám nhạt hoàng hôn và càng rực rỡ quyến rũ hơn trong sẫm tím của đêm. Những người yêu hoa thường cố đợi tới nửa đêm, lúc này hoa bung hết những cánh đỏ, tung thả hương thơm, như quấn quýt níu kéo thời gian ngưng đọng, để bình minh chầm chậm thong thả sang ngày….

Có một khoảnh khắc trong tôi cũng như dừng lại trong hoàng hôn Hồ Gươm, khi em Hà Nội, bên cây lộc vừng 9 gốc, nhặt những bông hoa đỏ vừa rụng xuống, xâu thành những sơi dây đỏ đeo vào cổ, vào tay, quấn thành vòng trên tóc...

Cảm giác tôi đang được chiêm ngưỡng châu ngọc Hồ Gươm, châu ngọc Hà Nội cổ tích, và một góc phố bình yên kỳ lạ, không tạp âm, không lao xao chen chúc thị thành, không vội vã bụi bặm nhân gian…

Lại lan man không biết mấy trăm năm qua, hai gốc lộc vừng cổ thụ đã qua bao nhiêu mùa hoa rủ rèm châu ngọc lộng lẫy Hồ Gươm hoàng hôn, làm chứng nhân cho bao thăng trầm Thăng Long- Hà Nội, cũng như tâm tình nhân gian bao thế hệ đã gửi vào đây mỗi mùa hoa.

Chẳng biết người xưa khi đứng dưới gốc lộc vừng hoa nở nghĩ gì, có nghĩ vài trăm năm sau, ai là người tương giao, tương cảm với cảnh sắc nơi này. Nhưng chắc rằng, có hai nghệ sĩ nhiếp ảnh là Võ An Ninh và Quang Phùng, một đã thuộc về thế giới người hiền, một đang ở tuổi xưa nay hiếm, đã từng si mộng hoa lộc vừng như báu vật, để lưu giữ trong tác phẩm của mình như một hoài niệm trăm năm sau Hà Nội.

Hoàng hôn Hồ Gươm xuân, ngàn năm mộng châu ngọc lộc vừng, để người phương Nam nấn ná bước chân, lưu luyến tương tư một góc Hà Nội phố.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu ngọc Hồ Gươm