Châu Phi đang phải đối diện với một trong những mùa bão nghiêm trọng nhất từ đầu năm 2022,
Nam Phi
Số người chết do cơn bão nhiệt đới tấn công ba quốc gia Nam Phi đã tăng lên 77 người trong khi các đội cứu hộ vẫn đang khẩn cấp sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hỏng và giúp đỡ hàng chục nghìn nạn nhân.
Bão nhiệt đới Ana đã đổ bộ vào Madagascar vào ngày 24/1 trước khi tràn vào Mozambique và Malawi trong suốt tuần, mang theo những cơn mưa xối xả. Madagascar vào tối 27/1 đã ban bố tình trạng thảm họa quốc gia khi số người chết do cơn bão tăng lên 48. Mozambique cũng ghi nhận 18 người thiệt mạng trong khi con số đó ở Malawi là 11. Tàn dư của cơn bão cũng quét qua Zimbabwe, nhưng không có trường hợp tử vong nào được báo cáo.
Tại ba quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hàng chục nghìn ngôi nhà đã bị hư hại. Một số ngôi nhà bị sập hoàn toàn dưới trận mưa lớn, khiến nhiều cư dân bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Các dòng sông bị bồi lấp đã cuốn trôi cầu cống và nhấn chìm các cánh đồng, gia súc và phá hủy sinh kế của các gia đình nông thôn. Ở Madagascar, 130.000 người dân đã phải rời bỏ nhà cửa. Ở miền bắc và miền trung Mozambique, bão Ana đã phá hủy hơn 10.000 ngôi nhà, hàng chục trường học và bệnh viện, đồng thời làm đứt đường dây điện.
Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Mozambique, bà Myrta Kaulard lo ngại: “Thách thức phải đối diện rất lớn, các cơn bão đang nhắm tới một khu vực vốn đã cực kỳ dễ bị tổn thương. Thậm chí người dân vẫn đang cố gắng phục hồi sau cơn bão Idai và Kenneth từng đổ bộ vào khu vực này năm 2019”.
Tại quốc gia láng giềng Malawi, chính phủ đã ban bố tình trạng thiên tai theo Đạo luật Cứu trợ và Chuẩn bị Thiên tai năm 1991. Gần 50.000 gia đình với con số khoảng 216.972 người dân đã phải di dời. Phần lớn đất nước vẫn chìm trong bóng tối kể từ đầu tuần. Lũ quét đã buộc các công ty điện lực phải đóng máy phát điện. Tuy nguồn cung cấp điện đã dần trở lại trong hai ngày qua, nhưng nhiều hệ thống đã bị phá hủy hoàn toàn.
Một nhà khoa học chuyên quản lý tài nguyên nước, Giáo sư Anthony Turton cho biết, Nam Phi có thể đang chứng kiến sự thay đổi theo mùa sang thời kỳ ẩm ướt hơn mức trung bình. Ông nhấn mạnh: “Kể từ năm 1982 trở đi, lượng mưa tại khu vực này đã có sự thay đổi theo mùa”. Turton nhấn mạnh sự thay đổi hiện tại đồng nghĩa với việc mưa sẽ rơi vào mùa xuân và sự phát triển của cây ăn quả cũng sẽ chuyển sang một thời điểm khác trong năm.
Đông Phi
Cơn bão nhiệt đới Ana chính là một lời nhắc nhở thẳng thừng rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đang mang thực tế khắc nghiệt đến gần hơn với con người. Khu vực này vốn đã liên tục hứng chịu những cơn bão và lốc xoáy nghiêm trọng trong những năm gần đây, phá hủy nhà cửa, cơ sở hạ tầng và mùa màng, thậm chí còn khiến một lượng lớn người dân phải di dời.
Khi sức ảnh hưởng của Ana còn chưa thuyên giảm, một cơn bão khác tên là Batsirai, hiện đang di chuyển đến bờ biển phía đông của châu Phi. Batsirai được mô tả chỉ là một hệ thống bão nhỏ không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với nhóm đảo ở phía đông Madagascar, bao gồm cả lãnh thổ Reunion của Pháp.
Tuy nhiên, cường độ và quỹ đạo của Batsirai vẫn chưa được xác định chắc chắn. Viện Khí tượng Quốc gia Mozambique đã cảnh báo Batsirai vẫn có khả năng phát triển thành một cơn bão nhiệt đới nguy hiểm.
Những động thái cứu trợ khẩn cấp
Các cơ quan cứu trợ đã thiết lập hàng chục địa điểm tạm thời làm nơi cư trú cho những người vô gia cư. UNICEF cho biết họ đang triển khai nhân viên để thành lập các trung tâm học tập tạm thời cũng như phân phối thực phẩm, thuốc và viên lọc nước ở Mozambique. Tổ chức này nhấn mạnh 12 cơ sở y tế và 137 trường học đã bị hư hại do cơn bão ở Mozambique, buộc hơn 27.000 trẻ em phải nghỉ học. Ước tính cần 3,5 triệu USD để ứng phó với cơn bão.
Người phát ngôn của Chương trình Lương thực Thế giới cho biết cơ quan này đã chuẩn bị cho mùa bão năm nay khi cơn bão Ana bắt đầu đổ bộ vào khu vực ngày 24/1. Bão Ana đã mang đến mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng ở Madagascar, Mozambique và Malawi. Vô số đất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng quan trọng và nhà ở của người dân đã bị hư hại khiến cuộc sống và sinh kế của họ biến mất.
“Ưu tiên của chúng tôi hiện nay là khôi phục nguồn điện cho các cơ sở y tế, hệ thống phân phối xử lý nước và trường học”, công ty điện lực quốc gia Malawi khẳng định trong một tuyên bố.