Từ một đứa trẻ có đam mê với không gian, ông Ouattara - Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Vũ trụ châu Phi, cơ quan giám sát mới được thành lập của Cơ quan Vũ trụ châu Phi (AfSA), đang đưa châu Phi bay vào vũ trụ.
Đặt nền móng
Theo Công ty tư vấn Space in Africa, ngành công nghiệp vũ trụ của châu Phi có thể có trị giá 22,6 tỷ USD vào năm 2026, tăng từ mức 19,5 tỷ USD vào năm 2021. AfSA có thể giúp thúc đẩy sự tăng trưởng đó và cải thiện cuộc sống của người châu Phi.
Sau vài năm hình thành, AfSA chính thức được thành lập vào tháng 1/2023 và đã ký một thỏa thuận đặt trụ sở chính tại Cairo, Ai Cập. Theo ông Temidayo Oniosun - Giám đốc Điều hành của Space in Africa - Ủy ban Liên minh Châu Phi (AUC) đã đặt ra kế hoạch triển khai 6 năm cho cơ quan này, với ngân sách hơn 35 triệu USD để đạt được hoạt động đầy đủ.
Châu Phi đã phóng vệ tinh đầu tiên vào quỹ đạo cách đây hơn 20 năm. Nhưng những ưu tiên cấp bách hơn và sự thiếu nguồn lực đã hạn chế tiến độ. Theo ông Oniosun, một số quốc gia như Ai Cập và Nam Phi có thể sản xuất công nghệ vệ tinh, nhưng họ dựa vào tên lửa do nước ngoài chế tạo và các địa điểm phóng ở nước ngoài.
Khi ông Ouattara lần đầu tiên trở lại châu Phi sau thời gian học tập ở nước ngoài, ông đã đặt câu hỏi với các quan chức về lý do tại sao họ nên quan tâm đến không gian khi người dân của họ phải đối mặt với các vấn đề như thiếu nước sạch. Và câu trả lời nhận được cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực vũ trụ có thể cải thiện cuộc sống trên mặt đất.
Châu Phi có khoảng 60 vệ tinh trên quỹ đạo, có thể được sử dụng để tăng năng suất nông nghiệp, giám sát biên giới, giám sát chất lượng nước và ngăn chặn khai thác và đánh bắt trái phép. Theo báo cáo năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, dữ liệu tốt hơn từ việc quan sát Trái đất có thể mang lại giá trị hơn 2 tỷ USD cho châu Phi.
Vệ tinh cũng có thể tăng cường khả năng kết nối. Theo nhóm Ngân hàng Thế giới, mặc dù việc sử dụng Internet đang tăng lên ở châu Phi nhưng chỉ có 36% dân số có quyền truy cập băng thông rộng vào năm 2022.
Ông Ouattara cũng chỉ ra những lợi ích hữu hình khác. Cách đây vài năm, một hiệp hội ngư dân ở Ghana đã bắt đầu cung cấp dự báo thời tiết dựa trên thông tin vệ tinh cho người dân địa phương sử dụng ca nô truyền thống vì có thể gặp nguy hiểm trong điều kiện xấu. Kết quả là từ năm 2017 đến 2022, chỉ có 1 trường hợp tử vong do chèo thuyền, so với khoảng 15 - 18 trường hợp tử vong hàng năm trước khi hệ thống được triển khai.
Theo Space in Africa, hơn 20 quốc gia ở châu Phi hiện có các chương trình không gian quốc gia và các quốc gia châu Phi đã chi hơn 400 triệu USD cho lĩnh vực này vào năm 2024. “Chúng tôi không ở trong không gian để khám phá vũ trụ mà tìm kiếm những gì đang xảy ra trên Sao Hỏa và Sao Mộc. Chúng tôi muốn cải thiện cuộc sống hàng ngày của mình” - ông Ouattara nói.
Tạo không gian cho thế hệ tương lai
Theo nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi, dân số châu Phi dự kiến sẽ tăng lên ít nhất 2,4 tỷ người vào năm 2050. Đối với ông Ouattara, đó là một “thị trường lớn để tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ không gian”.
Ông Ouattara hy vọng người châu Phi có thể đảm nhận vai trò chủ động trong mọi phần của chuỗi giá trị không gian, từ xây dựng vệ tinh và cơ sở hạ tầng mặt đất đến phóng vệ tinh đến các dịch vụ và tạo ra sản phẩm dựa trên thông tin không gian để giúp người châu Phi quản lý cuộc sống hàng ngày của họ. “Chúng tôi muốn tự làm mọi thứ, nhưng cần phải đi từng bước một” - ông Ouattara nói.
Có một số vấn đề thực tế mà AfSA cần giải quyết, nhưng không nghi ngờ gì về những ưu tiên cần có để thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ của Châu Phi. Lực lượng lao động sẽ cần được đào tạo về mọi thứ, từ ngoại giao không gian và luật pháp cho đến cách chế tạo các vệ tinh nhỏ có giá cả phải chăng. “Thách thức lớn nhất của chúng tôi sẽ là nguồn nhân lực chứ không phải tài chính” - ông Ouattara cho biết.
Ông Oniosun cho biết: “Để khai thác dữ liệu từ vệ tinh, cần tiếp cận tốt hơn với dữ liệu chất lượng cao để có thể cung cấp những hiểu biết có giá trị trong các lĩnh vực khác nhau. Và sau đó phát triển các ứng dụng dựa trên dữ liệu này để giải quyết các vấn đề quan trọng trên lục địa”.
Các chuyên gia đang hy vọng về tác động mà AfSA có thể mang lại. Mặc dù không cạnh tranh với các cơ quan quốc gia, nhưng nó sẽ tạo ra một khung pháp lý và điều phối các hoạt động không gian trên khắp lục địa để nâng cao hiệu quả và giúp các đối tác nước ngoài, như Cơ quan Vũ trụ Châu Âu hợp tác với Châu Phi dễ dàng hơn.
Ông Oniosun cho biết, nó cũng có thể giúp thực hiện các sáng kiến trên toàn lục địa, chẳng hạn như một chòm sao vệ tinh quan sát Trái đất có thể cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao cho toàn bộ châu Phi.
Ông Ouattara cho rằng, những người trẻ tuổi ở châu Phi sẵn sàng tham gia vào kỷ nguyên không gian. Nhưng cần phải xây dựng các chương trình đào tạo vững chắc để sau khi được đào tạo, họ có thể sử dụng những kỹ năng đó một cách hợp lý và được tạo cơ hội để cống hiến. Khi đó, thế hệ người châu Phi tiếp theo sẽ không phải đi khắp thế giới để ghi dấu ấn trong không gian.