Cuộc “chạy đua” mở các ngành đào tạo mới là xu hướng đã được dự báo trước nhưng chất lượng đào tạo đại học sẽ ra sao trong khi một số ngành mở ra hay một số ngành truyền thống đang đứng trước nguy cơ không có người học luôn là dấu hỏi lớn.
Đến hẹn lại lên, thời điểm này, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố đề án tuyển sinh dự kiến của năm học 2022-2023. Cũng như năm học trước, mùa tuyển sinh 2022 dự kiến sẽ có nhiều ngành học mới được các trường mở ra. Bên cạnh tín hiệu tích cực, việc ồ ạt mở rộng các ngành đào tạo đang dấy lên lo ngại về chất lượng đào tạo đại học trong tương lai.
Chuyển mình theo nhu cầu thị trường
Bên cạnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh ở những nhóm ngành thế mạnh, vài năm trở lại đây, các trường đại học có xu hướng mở rộng thêm ngành đào tạo mới, nhất là ở các nhóm trường công lập tự chủ tài chính và trường ngoài công lập.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, từ đầu năm 2020 đến ngày 30/7/2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới, trong đó, có 413 ngành do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở và 149 ngành do Bộ GDĐT mở. Nhiều ngành mới được đánh giá, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực mới như: khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh, IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, nghệ thuật số, robot và trí tuệ nhân tạo, digital marketing… và thu hút số lượng lớn sinh viên nhập học.
Đa phần các ngành mới mở được đánh giá là ngành “hot” trong các mùa tuyển sinh. Xu hướng này thấy rõ trong mùa tuyển sinh năm 2021, trong đó có trường tuyển trên 10 ngành và chuyên ngành mới.
Có thể nhắc đến như Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Năm 2021, trường công bố tuyển sinh 29 ngành và chuyên ngành cho cơ sở chính tại TP Hồ Chí Minh. Trong số này, có 11 ngành và chuyên ngành mới lần đầu được tuyển sinh. Trước đó, năm 2020, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã mở thêm 5 ngành và chuyên ngành mới. Trong khi, năm 2019, trường này có tất cả 17 ngành và chuyên ngành.
Mùa tuyển sinh năm 2022 cũng không ngoại lệ. Đến thời điểm này, dù chưa kết thúc năm 2021 nhưng nhiều trường đã công bố đề án tuyển sinh cho mùa tuyển sinh 2022, dự kiến mở thêm ngành học mới.
Tại Trường Đại học Hoa Sen, trong năm học 2022-2023, trường tuyển sinh 3.600 chỉ tiêu cho 34 ngành học và 11 chương trình song bằng. Trong đó, trường dự kiến mở thêm một loạt ngành học mới, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động như: Thương mại điện tử, Digital Marketing, Phim, Quan hệ công chúng, Kinh tế thể thao, Trí tuệ nhân tạo…
Đầu tháng 12, Trường Đại học Gia Thịnh cũng đã công bố đề án tuyển sinh năm 2022 trên website nhà trường. Trong đó, điểm mới trong đề án tuyển sinh năm 2022 của trường là mở thêm chương trình đào tạo tài năng với 5 ngành học: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Marketing và Ngôn ngữ Anh.
Cùng với đó, trường mở thêm 5 ngành học mới, nâng tổng số ngành đào tạo đại trà lên 19 ngành. Các ngành mới từ năm 2022 gồm: Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Bất động sản, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản trị du lịch và lữ hành.
Thông tin về những điểm mới trong đề án tuyển sinh năm 2022, ThS Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết: "Qua nghiên cứu và tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy sự phát triển và nhu cầu thị trường lao động của những ngành nghề này rất cao sau 3 năm tới. Đây là những ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo có lộ trình, giỏi tay nghề, giỏi ngoại ngữ…”.
Bài toán tài chính hay chất lượng?
Xu hướng đầu tư mở ngành học mới chứng tỏ rằng, các trường đã bắt đầu chuyển hướng từ đào tạo những gì mình có sang đào tạo những gì thị trường cần và nếu đảm bảo điều kiện chất lượng thì đó là tín hiệu tốt. Tuy nhiên thực tế hiện nay “trăm hoa đua nở”, không phải ngành mới nào mở ra cũng đảm bảo chất lượng.
Đã có thời điểm, nhiều trường đại học ồ ạt mở các ngành như kế toán, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, văn phòng… dẫn tới sự bão hòa, thậm chí nhiều trường không chuyên đào tạo kinh tế cũng mở ngành học này dẫn tới tình trạng không ít trường phải đóng cửa ngành vì không tuyển sinh được.
Hay như hiện nay, nhiều trường đào tạo đa ngành đã và đang có xu hướng mở mã ngành đào tạo khối sức khỏe, truyền thông, báo chí. Trong khi, điểm tuyển sinh đầu vào của các trường này chênh lệch so với các trường có thế mạnh đào tạo các chuyên ngành này là rất lớn. Việc mở ra quá nhiều ngành mới dẫn tới tình trạng một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức lớp học.
Quá trình thực hiện loạt bài viết này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online đã tìm hiểu thực tế tại một số cơ sở giáo dục đại học, qua đó thấy rõ những khó khăn trong công tác tuyển sinh mà các trường đang phải đối mặt.
Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Dương Văn Bá, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Hòa Bình cho biết, hiện nay, công tác tuyển sinh của một số ngành như Quan hệ công chúng, Công nghệ truyền thông gặp khó khăn, chỉ tuyển được chưa đủ 50% so với chỉ tiêu mà nhà trường đặt ra.
Theo ông Bá, năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh của 2 ngành học nói trên là 50 chỉ tiêu, nhưng số thí sinh tuyển sinh được không đạt được như vậy. Năm nay, nhà trường chỉ tuyển được 20 thí sinh, còn năm học trước là 8 thí sinh.
“5 năm nay, nhà trường chưa năm nào tuyển sinh vượt chỉ tiêu và cũng chưa năm nào vượt quá 50-60% chỉ tiêu so với đề án tuyển sinh của Bộ GDĐT. Trên thực tế đó, nhà trường đang rất căng thẳng trong chuyện giảng viên thừa, sinh viên thì thiếu”, ông Bá cho hay.
Rõ ràng, dù quy định hiện hành không ngăn cấm bất cứ cơ sở đại học nào mở ngành học mới nếu đủ tiêu chuẩn nhưng việc nhiều trường mở các ngành học không phải là thế mạnh hay chạy theo xu hướng ngành “hot” đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng đào tạo và sứ mệnh đào tạo ngành nghề đặc thù, truyền thống của các trường đại học liệu có bị bỏ bê?
Việc các trường mở thêm nhiều ngành đào tạo mới không phải là vấn đề đáng lo ngại. Quan trọng là khâu quản lý, kiểm soát chất lượng đào tạo như thế nào trong khi hiện nay, qua quá trình tìm hiểu thực thế của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online có một số trường không đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập tới vấn đề này ở những bài viết tiếp theo.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết: Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực khi đất nước ngày càng hội nhập và hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời giúp các trường dễ thu hút học sinh để tuyển sinh tốt hơn.
TS Khuyến nêu quan điểm, thực trang hiện nay, một số trường mở thêm nhiều ngành học mới với tên gọi hấp dẫn nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ” để thu hút người học. Điều này ảnh hưởng và gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cũng như công tác tuyển sinh các ngành đào tạo truyền thống.
Mỗi trường đại học đều có một số ngành học thế mạnh. Vì vậy, TS Khuyến cho rằng, việc các trường mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng, một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức lớp học. Và nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.