Còn khoảng hơn 1 tháng đến Tết Nguyên đán 2022, nhưng hiện các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn TP HCM đang chạy đua trữ hàng cung ứng dịp Tết. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã có đủ lượng hàng đáp ứng cho thị trường tiêu dùng cuối năm.
Hàng dự trữ tăng cao
Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của hơn 9,4 triệu dân trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên đán, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, TP HCM đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối tăng dự trữ tập kết hàng hóa. Trong đó, doanh nghiệp bình ổn thị trường chiếm 25 - 40% nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp sản xuất và hệ thống phân phối, chợ chiếm 60 - 75% thị phần.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, tổng nguồn vốn cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết là 19.881,1 tỷ đồng. Nguồn vốn dự trữ hàng hóa tương đương Tết Tân Sửu 2021.
Đại diện Saigon Co.op cũng cho hay, đơn vị đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết, ngay từ giữa năm nay, Saigon Co.op phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 2 - 3 lần.
Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên cho dự trữ các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản; còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Bên cạnh hệ thống phân phối hiện đại, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP HCM kịp thời hoạt động trở lại nhằm cung ứng tốt thị trường Tết. Theo Sở Công thương, đến nay đã có 2/3 chợ đầu mối hoạt động bình thường là chợ Bình Điền (Quận 8) và chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn). Riêng chợ đầu mối Thủ Đức (thành phố Thủ Đức) đang hoạt động thông qua điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Đối với chợ truyền thống, đã có 194/233 chợ hoạt động trở lại. Như vậy TP HCM còn 39 chợ truyền thống chưa hoạt động.
Để nâng cao năng lực cung ứng hàng hóa, đảm bảo các kênh phân phối được tổ chức đầy đủ, bổ trợ lẫn nhau, Sở Công thương đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, đánh giá đảm bảo 100% chợ mở cửa hoạt động trở lại trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Hàng hóa không tăng giá đột biến
Ngoài việc chuẩn bị đủ nguồn hàng, các doanh nghiệp cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước và sau Tết. Trong tháng cận Tết, nhằm kích cầu mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, tập trung vào các mặt hàng Tết như: nước giải khát, bánh kẹo, mứt,...
Các hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon - Citimart, Big C dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5 - 49%. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Saigon Co.op cho biết, nhằm tích cực đồng hành cùng những khó khăn của người tiêu dùng sau dịch, toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ cố gắng giữ và giảm giá trong giai đoạn cuối năm.
Đặc biệt, thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng nghìn sản phẩm Tết. Mười ngày cận Tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn.
Lãnh đạo Sở Công thương TP HCM nhận định, giá nguyên nhiên liệu, chi phí vận tải, giá hàng hóa thế giới tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng. Trong nước, chịu tác động của biến động tỷ giá, chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa tăng,...
Vì vậy thị trường các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt,.... đến cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán sắp tới còn chịu sức ép và tiềm ẩn khả năng đối diện áp lực tăng giá mạnh do nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công thương TP HCM khẳng định sẽ nắm chắc diễn biến thị trường, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, không để xảy ra tăng giá đột biến, kiểm soát việc niêm yết giá bán của tiểu thương.
Bộ Công thương cũng vừa có chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2022. Theo đó, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ theo dõi, đánh giá thị trường.
Những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động phương án hoặc đề xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Trao đổi về vấn đề vận tải dịp Tết, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, thời gian qua vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn TP HCM gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Hiện tại, tuy TP HCM đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh và trở lại trạng thái bình thường mới nhưng thị trường vận tải hành khách, nhất là dịp Tết vẫn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại các địa phương.