LTS: Thực sự tin nhà báo Hữu Thọ qua đời sáng 13-8 đến với chúng tôi như sét đánh ngang tai. Tôi vẫn nhớ như in giọng nói và dáng điệu của ông trong buổi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gặp các nhà báo hôm trước kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tại Bộ Thông tin & Truyền thông. Bài phát biểu của ông vẫn giữ nguyên ngọn lửa nhiệt tình cháy khôn nguôi về đời về nghề trong từng ý tưởng. Thế mới biết, sinh có hạn, tử bất kỳ… Như một nén tâm nhang tưởng nhớ ông, xin giới thiệu lại bà
Nhà báo Hữu Thọ (Ảnh: Minh Trí)
Lễ viếng nhà báo Hữu Thọ bắt đầu từ 7h sáng ngày 14-8 tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang tổ chức vào hồi 10h 30 cùng ngày. |
Đọc những tuyển tập báo chí của nhà báo lão thành Hữu Thọ và nhất là khi trực tiếp trò chuyện cùng ông, chẳng hiểu vì sao mà lần nào tôi cũng cứ vân vi kinh ngạc: Lạ nhỉ, một người thành đạt tới như vậy mà vẫn luôn thành thực đau đáu “nỗi niềm hữu trách” của kẻ sĩ thất thế. Ngày xưa, hình như Nguyễn Trãi đã viết tâm sự này thành thơ: “Bui có một niềm chăng nỡ trễ, Đạo làm con với đạo làm tôi”.
Ai đó đã nói, mực của học giả còn thiêng liêng hơn máu của kẻ tử vì đạo. Thời nào cũng vậy, những trăn trở suy tư của kẻ sĩ luôn là cống hiến lớn lao cho sự tiến bộ của xã hội và những dòng tâm huyết mà kẻ sĩ viết ra dẫu không là “đòn xoay chế độ” (chữ của nhà thơ Sóng Hồng) nhưng luôn có thể trở thành điểm tựa để người ta bẩy tư duy chung đi lên thêm những bước dài... Hữu Thọ là một nhà báo luôn biết bắt đúng mạch của tháng ngày ông hiện hữu. Ông thuộc lớp người sẵn sàng chối bỏ quan trường để đi làm báo, khác hẳn với không ít đồng nghiệp chỉ mượn báo chí để bắc cầu lập nghiệp trên quan trường. Thời trẻ, nghe nói ông đã từ chối làm bí thư huyện ủy để trở thành một “phóng viên chân đất”. Dường như ngay từ khi còn rất thanh xuân, Hữu Thọ đã cảm thấy được “thiên chức” của mình theo hành trình cổ xưa của các cụ: Kẻ sĩ phải biết lập ngôn, lập chí mà lập nghiệp. Ông đi tìm giọng nói riêng của mình trong dàn đồng ca đa thanh nhưng không hẳn đã đa sắc của làng báo chí đương thời và càng ngày càng bộc lộ được rõ rệt hơn những điệu thức đặc biệt mà chỉ mình ông mới có. Tỉnh táo mà đắm say. Khôn ngoan mà vẫn nhân hậu. Biết nhiều mà không chán nản. Hiểu thấu mà không kiêu bạc... Những phẩm chất này đã hòa quyện trong ông thành một “bản năng gốc” tự nhiên và dung dị. Phải vì thế chăng nên Hữu Thọ đã làm được những việc mà không nhiều nhà báo Việt Nam làm được: Ngay cả ở tuổi “cổ lai hy”, ông vẫn là người mẫn tiệp và nhạy bén cùng thời thế mà những tư duy chiến lược nhất nhiều khi cũng cần để làm người đối thoại hay phản biện trên con đường đi tìm chân lý. Ông không định nâng ai lên nhưng ở cạnh ông, ai cũng có thể cảm thấy mình không chỉ được giữ nguyên giá trị mà như còn được bồi đắp thêm cảm xúc và lý trí. Tiếc thay, những người như ông càng ngày càng hiếm!
Gần nửa thế kỷ liền làm phóng viên Báo Nhân dân rồi làm Tổng Biên tập cơ quan ngôn luận này của Đảng, rồi lên giữ chức Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và trong cương vị hiện nay, là Trợ lý Tổng Bí thư, Hữu Thọ luôn tỏ rõ khả năng “ưu thời mẫn thế” hiếm có. Trong bất cứ giai đoạn nào, bắt lỗi ông trong các bài viết hay nói luôn là việc khó khăn, mặc dù ông đã tự nhận mình là “Người hay cãi”. Cãi, đôi lúc khá hăng hái và bộc trực, nhưng vẫn bảo toàn được công việc của mình và hơn thế, ngày càng củng cố được uy và tín, đó há chẳng phải là ước mơ của mọi nhà báo ở mọi thời hay sao?
Hữu Thọ nghĩ gì về nghề nghiệp của mình? Theo ông, đấy là một trong những nghề cần phải có tâm nhất: “Tôi có thể chấp nhận một bài báo có sai sót, vì sự thiếu hiểu biết, thiếu thận trọng, nhưng là người quý trọng cái nghề của mình, tôi không bao giờ chấp nhận một ngòi bút có dụng ý không chính đáng, một ngòi bút ác” (Trích tham luận tại Hội thảo chuẩn bị việc ban hành Quy ước về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam). Đúng như cụ Nguyễn Du xưa đã nói, “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Với Hữu Thọ: “Văn chương chẳng lọ thật thà. Chữ nghĩa trình làng thì chẳng giấu được ai, dù cho là “văn tại ý ngoại”. Có những người không hay nói cái “tâm” nhưng viết chuyện tích cực hoặc tiêu cực thì ai cũng thấy những dòng tâm huyết, bộc bạch tấm lòng trong sáng cho dù mọi lời nói của họ chưa hẳn đã đúng. Nhưng lại có một số người hay lớn tiếng rêu rao chữ “tâm” mà người đọc thấy họ luôn luôn thay đổi màu sắc và càng hiểu rõ tâm địa của họ” (Báo Nhân dân, ngày 22-7-1990). Tôi không rõ trong đời mình, nhà báo Hữu Thọ có hay phải đối diện với những “khameleon” (tên một truyện ngắn của văn hào Nga Anton Tsekhov mà nhà văn trứ danh Nguyễn Tuân đã dịch ra tiếng Việt rất đạt là “con hoạt đầu”) hay không nhưng đọc các tác phẩm của ông, tôi có cảm giác dường như ông luôn luôn phải cảnh giác với những kẻ như thế. Tôi cứ đồ rằng, chắc ông từng bị những kẻ như thế trong làng báo “chơi khăm” không chỉ một lần: trước mặt ông, những người này luôn luôn ngọt nhạt, “gọi dạ bảo vâng, lễ phép ngoan suốt ngày”. Nhưng họ lại luôn hóng gió và chỉ chờ cơ hội để gạt ông đi khỏi dòng chảy của báo chí cách mạng. May thay, cái ác bao giờ cũng chỉ cười được nửa miệng và giời thì cuối cùng cũng có mắt. Nhưng dẫu sao trong lòng Hữu Thọ, những vết thương tinh thần như thế không dễ lành sẹo: cái danh cái lợi mất đi thì cũng chưa sao nhưng cái tình bị lừa thì thực là chua xót. Hữu Thọ viết: “Trong những bạn bè trẻ tuổi phố tôi, mỗi người một tính một nết, ai cũng có tính tốt, tính xấu, chẳng mấy ai vẹn toàn. Tôi chẳng ngại gì những bạn hay tinh nghịch, hiếu động, đôi lúc có sai sót làm phiền lòng nhiều người, nhưng thấy rất ngại ngùng với những cậu nhỏ nhen thù vặt có tính ác, hay lừa thầy phản bạn, từng chơi nhau “một cú chết tươi”. Cứ chiêm nghiệm trong cuộc đời thì thấy: độc ác là tính xấu rất nguy hại và khó sửa nhất trên đời! Càng nguy hại hơn khi cái độc ác được bọc trong những lời đường mật xảo trá hoặc giả ngơ ngẩn, điên điên khùng khùng”. Hữu Thọ viết những dòng này đã gần 15 năm rồi, nhưng hôm nay, ngồi đọc lại, tôi vẫn có thể hình dung cảnh bàn tay ông đã run lên giận dữ (một cách xót xa và buồn tủi) thế nào khi ông buộc phải nhìn thấy những “cậu bé” nào đó trên “Phố Hàng Báo” của ông, đã xấu chơi đến thế với ông, với những người tử tế đôi lúc đến độ cả tin như ông...
Nhậy cảm như thế mà làm báo thì thường hay mất ngủ, lúc tàn canh tỉnh giấc, dẫu trước đó không uống rượu đâu, hẳn vẫn thấy “giật mình mình lại” thương đời và thương mình biết mấy. Hữu Thọ đã có lần tâm sự: “Người làm báo, cũng như người làm các nghề khác, đều có niềm vui và nỗi buồn. Chúng tôi vui khi được những tin phấn chấn, buồn khi gặp phải những trắc trở hoặc đọc những tin không vui. Đọc rất nhiều nhưng tôi thường mất ngủ là khi đọc những bức thư giãi bày nỗi niềm oan ức”. Tôi tin rằng, hẳn ông sẽ mất ngủ nhiều hơn khi thấy những nỗi niềm oan ức mà ông không làm sao giúp gỡ bỏ được. Phải vì thế chăng mà mỗi lần tiếp xúc với ông, tôi đều như thấy trên gương mặt rất trí tuệ của ông luôn hằn những nếp nhăn sâu thẳm của không chỉ thời gian và tuổi tác mà là của những dằn vặt “lực bất tòng tâm”? Cái nỗi “đau đời có cứu được đời đâu” (thơ Huy Cận) nào chỉ riêng của các pho tượng chùa Tây Phương. Kẻ sĩ hay buồn!
Hữu Thọ cũng coi làm báo là một trong những nghề cần phải tôn trọng sự thật nhất: “Chân thật là nguyên tắc quan trọng hàng đầu của báo chí. Sức mạnh của báo chí cách mạng là ở sự thật” (bài đăng Báo Nhân dân ngày 21-6-1987). Hữu Thọ là người viết nhiều về những điều ông biết, nhưng những điều ông biết mà chưa viết ra hoặc viết rồi mà chưa công bố có lẽ còn nhiều hơn bội phần. Đối với cá nhân tôi, mỗi lần tiếp xúc với ông là một lần được thêm mở mắt, mặc dù về nhà rồi thì tôi lại dễ bị mất ngủ hơn, chẳng hiểu có phải ông đã truyền cho tôi những cơn mất ngủ tiềm thức của chính ông không?!
Năm 2004, nhà báo Hữu Thọ cho in tập sách có nhan đề là “Chạy...” tại NXB Chính trị quốc gia. Dường như chẳng có chuyện lớn nhỏ nào xảy ra trong xã hội hiện nay mà qua được con mắt sắc bén và nhanh nhậy của nhà báo lão thành này. Hữu Thọ “nhập” thông tin vào mình rất siêu. Và ông xử lý thông tin thường là chuẩn, vừa đúng đường lối vừa “thế thái nhân tình”, không bao giờ cứng nhắc. Ông là cán bộ cao cấp, rất cao cấp, nhưng mọi sinh hoạt cũng như tâm tư của ông gắn bó rất bền chắc với giới bình dân. Người ta chạy giời không khỏi nắng, ông đi đâu, làm gì thì cũng vẫn máu thịt cùng những lo toan, trăn trở của người bình dân. Không chỉ gần dân mà ông còn luôn xác định cho mình một thái độ “trọng dân”. Ông viết: “Gần dân mà không trọng dân thì làm sao mà hiểu được dân; người ta nói thì như nước đổ lá khoai, nói trái ý lại còn ngủng nghỉnh! Có trọng dân thì mới có trách nhiệm với dân, không phải là trách nhiệm theo kiểu bề trên, vì nếu không làm tròn thì dân sẽ bãi miễn. Và trọng dân mới đúng tinh thần Bác Hồ, vì Bác nói: “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”...”.
Thực thấm thía dù rất giản dị, tưởng như chẳng có gì mới lạ. Chao ôi, dưới ánh mặt trăng này thì còn có tín điều nào là mới mẻ, nhưng những cái nhìn mới mẻ có thể làm sáng rạng lại những chân lý tưởng như quá xưa cũ. Trong nhiều bài viết của mình, nhà báo Hữu Thọ đã có được cái nhìn mới mẻ, giúp cho những ngày chúng ta đang sống trở nên đỡ bị rêu phong trong những giáo điều... Đó há chẳng phải là đóng góp lớn lao của một nhà báo cộng sản đúng nghĩa như ông sao!
“Tả truyện” ngày xưa có câu: “Người tốt mà giàu, thế là trời thưởng. Người xằng mà giàu, ấy là trời phạt”. Người có tâm mà thành đạt, ấy cũng là trời thưởng vì sự thành đạt không bao giờ làm băng hoại nổi trái tim nhân hậu của những hiền nhân đích thực. Nói theo cách đó, Hữu Thọ là người được trời thưởng.