Theo hướng dẫn cụ thể về việc triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng ” của Bộ Nội vụ, các đối tượng được đăng ký tham gia dự tuyển là các cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiểu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn và đang công tác (hoặc không) tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn.
Ảnh minh họa.
Thực hiện Thông báo kết luận số 202-TB/TW ngày 26/5/2015 của Bộ Chính trị về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng ” (Đề án) và ý kiến của Ban Bí thư về việc triển khai Đề án, sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Tổ chức Trung ương, mới đây, Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai thực hiện Đề án.
Theo đó, Đề án được thực hiện với mục đích thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo. Đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ.
Các đối tượng được đăng ký tham gia dự tuyển là các cán bộ , công chức, viên chức có đủ tiểu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn và đang công tác (hoặc không) tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn.
Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển nếu đang giữ chức vụ thì được dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn không quá 2 cấp so với chức vụ hiện giữ. VD: Phó trưởng phòng có thể dự tuyển chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương...
Bên cạnh đó, đối tượng là các cán bộ, công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn được tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử và được cấp Ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh đó đồng ý bằng văn bản sẽ nằm trong danh sách đề cử.
Đối tượng được đề cử nếu đang giữ chức vụ thì chỉ được dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn liền kề so với chức vụ đang giữ. VD: Phó trưởng phòng có thể dự tuyển chức danh Trưởng phòng và tương đương... Người không giữ chức vụ, phải làm việc trong lĩnh vực, ngành ít nhất 3 năm (không kể thời gian tập sự, thử việc) và chỉ được dự tuyển chức danh Phó trưởng phòng và tương đương.
Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, nội dung thi tuyển sẽ gồm 2 phần: Thi viết và thi trình bày Đề án.
Nội dung phần thi viết sẽ kiểm tra kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển;…
Đối với phần thi trình bày Đề án, yêu cầu chủ yếu về đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển, đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan đơn vị;…
Được biết, các đơn vị được chọn thực hiện thí điểm Đề án lần này gồm 14 cơ quan Trung ương như UBTƯ MTTQ Việt Nam, các Bộ Nội vụ, Tư pháp, Công thương… và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Lào Cai, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, TP HCM, Bến tre…
Hướng dẫn của Bộ Nội vụ cũng đề nghị các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong danh sách thực thiện thí điểm đề án cần chủ động tiến hành. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương không được chọn thí điểm nhưng có chủ trương của cấp Ủy, chính quyền thực hiện bổ nhiệm lần đầu thông qua thi tuyển thì được thực hiện tuyển chọn các chức danh theo hướng dẫn.