Nhận được lịch công tác, Trần Mạnh Hùng (23 tuổi, Nghệ An) - sinh viên Học viện Quân y Hà Nội vội vàng gọi về cho mẹ thông báo mình sắp lên đường vào miền Nam làm nhiệm vụ. Nhận được lời động viên từ mẹ, anh an tâm lên đường…
Thông báo gấp rút, tối 22/8, Thượng sĩ Trần Mạnh Hùng và đồng đội chỉ kịp chuẩn bị thêm một số ít đồ dùng cá nhân, tranh thủ xếp vào ba lô vài chiếc áo lót vì nghĩ rằng sẽ có lúc cần đến chúng.
Sau đó, Hùng vội vàng gọi về cho mẹ thông báo mình sắp lên đường vào miền Nam làm nhiệm vụ. Nhận được lời động viên từ mẹ, anh an tâm lên đường…
Sáng 23/8, anh cùng đồng đội xuất phát.
Sẵn sàng khi Tổ Quốc gọi
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thượng sĩ Hùng cùng 1.000 sinh viên Học viện Quân y đã được “chi viện” vào TP HCM để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.
Theo tiếng gọi của Tổ quốc, tất cả “chiến binh” đều sẵn sàng lên đường. Với Hùng, bốn năm học tập, trải nghiệm trên giảng đường sẽ là hành trang để anh áp dụng vào thực tế.
Hùng chia sẻ: “Khi nhận được thông báo, 1.000 học viên sẽ vào miền Nam hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, tôi liền đăng ký tham gia. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên được tham gia vào công tác chống dịch nên bản thân không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng, thêm phần áp lực bởi miền Nam đang là một trong những điểm nóng của dịch bệnh. Nỗi lo không biết phải làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ luôn thường trực trong tôi và đồng đội”, Thượng sĩ Hùng giãi bày tâm tư.
Chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết online, Hùng nói, khi vừa đáp xuống sân bay, anh và đồng đội chưa kịp hội quân đã phải chia nhau ra mỗi người một tổ về địa điểm nơi mình phụ trách. Mọi thứ phải hoàn thành nhanh chóng, khẩn trương. Thượng sĩ Hùng cùng 2 đồng đội nữa được phân công phụ trách tại huyện Nhà Bè.
“Tôi và đồng đội có một ngày để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho cuộc chiến chưa biết hồi kết thúc”, Hùng nhớ lại.
Công việc của toàn đội là sắp xếp nơi ăn, ở, tiến hành triển khai các trạm y tế lưu động trên địa bàn, nên Hùng và đồng đội luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch để bảo vệ an toàn cho mình và cả những người xung quanh. Nhiều hôm, nhóm Hùng phải lấy gần 500 mẫu xét nghiệm, nhiều trường hợp test nhanh cho kết quả dương tính. Tuy có chút lo lắng, nhưng những lúc như vậy Hùng và đồng đội lại động viên nhau cố gắng truy vết nhanh các F0.
Khu vực thị trấn Nhà Bè nơi Hùng thực hiện nhiệm vụ là vùng xanh an toàn nên số lượng mẫu test ít hơn so với những địa bàn thuộc vùng đỏ mà đồng đội Hùng đang phụ trách.
Theo Thượng sĩ Hùng, thời gian buổi sáng anh và đồng đội sẽ tiến hành xét nghiệm cho người dân quanh khu vực, còn chiều, tối sẽ hỗ trợ F0 điều trị tại nhà. Hùng kể, mỗi khi công việc nhiều, bản thân áp lực, anh thường bớt thời gian gọi về cho gia đình. Nghe được những lời động viên từ người thân, chàng trai trẻ càng có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trải nghiệm không thể quên
Những ngày đặt chân đến vùng đất mới, Thượng sĩ Hùng ấn tượng với sự thân thiện của những con người vốn xa lạ. Sự hợp tác, niềm hân hoan của người dân nơi đây khiến cho anh và đồng đội như được tiếp thêm sức mạnh.
“Người dân ở đây rất hợp tác và chịu khó, đặc biệt mọi người nghiêm chỉnh tuân thủ yêu cầu phòng dịch khi test nên quá trình lấy mẫu không gặp quá nhiều khó khăn. Nhờ vậy, công việc cũng được hoàn thành nhanh chóng”, Thượng sĩ Hùng cho biết.
Sau 4 ngày cật lực “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, tổ của Hùng đã hoàn thành xong việc lấy mẫu cho người dân trên địa bàn. Thực hiện được gần 1/3 chặng đường, tuy nhiên công việc phía trước chắc chắn còn nhiều gian nan, thử thách. Để hoàn thành nhiệm vụ điều trị cho các F0 tại nhà cũng không phải là điều dễ dàng.
Thời gian làm việc tại TP HCM, Thượng sĩ Hùng thấy yêu con người và mảnh đất nơi đây. Anh cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để phần nào giúp người dân nhanh khỏe bệnh, cuộc sống trở về với nhịp điệu thường nhật.
Với những trường hợp F0 nặng, Hùng và đồng đội sẽ đến tận nhà để đánh giá và xem xét có chuyển viện hay tiếp tục điều trị tại nhà. Những bệnh nhân cao tuổi kèm theo bệnh lý nền có Spo2 giảm thấp nhóm sẽ hỗ trợ đưa bệnh nhân đi vào viện, còn những trường hợp nhẹ sẽ tiếp tục cách ly điều trị tại nhà.
Suốt thời gian làm việc tại TP HCM, có những ký ức sẽ chẳng thể phai mờ trong tâm thức của Thượng sĩ Hùng. Những ngày quên ăn giúp người dân lấy mẫu, những lần điều trị cho F0 tại nhà… “Tất cả đều là những trải nghiệm đáng giá”, Hùng nói với giọng đầy tự hào.
Các trường hợp F0 từng được Hùng điều trị, một vài trường hợp khiến anh đau đáu, khó quên. Có lần, anh tới nhà điều trị cho bệnh nhân là một bà cụ vừa khó thở vừa gãy tay, theo lý thuyết sẽ phải cố định tránh tổn thương. Thế nhưng, do lần đầu tiên xử lý nên bệnh nhân có phần hơi đau. Đây cũng là lần đầu Mạnh Hùng gánh vác trọng trách cao cả của người học ngành Y.
Thao tác phải thật nhanh và chuẩn xác, chỉ trong chưa đến 5 phút đã cố định xong và chuyển bệnh nhân vào nhà cho thở oxy. Hai mươi phút sau đó nồng độ Sp02 trở về mức bình thường, nhịp thở dần ổn định. Ngay sau đó, bệnh nhân sau đó đã được chuyển viện để xử trí tình trạng gãy tay.
Thượng sĩ Hùng cho rằng, đây là cơ hội để cho anh và những sinh viên ngành Y được thực tế nghề nghiệp, có những trải nghiệm mà suốt cả cuộc đời làm nghề không thể nào quên.
Những ngày công tác ở đây có không ít lần Hùng và đồng đội chứng kiến người bệnh ra đi trên tay mình. Đối với Hùng, điều này càng khiến anh thêm đau đáu, trăn trở về nghề, về tinh thần nhiệt huyết của các bác sĩ Quân y, chỉ cần được gọi là lên đường.