Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là “chìa khóa vàng” để hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần tháo gỡ vấn đề chi cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Khoa học và công nghệ đã được xác định là cuộc cách mạng và được coi là “quốc sách hàng đầu”. Tuy nhiên nguồn lực dành cho khoa học công nghệ còn hạn chế, kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển chưa đến 0,7% GDP, trong khi mức trung bình các nước phát triển là 2%, thậm chí có nước là 5%.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), năm 2024 ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khoa học công nghệ (chưa tính kinh phí dành cho an ninh - quốc phòng, chi dự phòng, chi đầu tư phát triển dành cho khoa học công nghệ từ nguồn ngân sách địa phương) là 10.912 tỷ đồng. Trong đó kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ trung ương là 7.480 tỷ đồng (chiếm 68,55%, thấp hơn so với năm 2023 là 1.320 tỷ đồng); kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ địa phương là 3.432 tỷ đồng (chiếm 31,45%, cao hơn so với năm 2023 là 141 tỷ đồng).
Từ thực tế đó, Bộ KHCN cho biết, trong năm 2025 sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, triển khai các cơ chế thí điểm, vượt trội, đặc thù về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển để thực sự trở thành động lực chính đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Về thể chế, Bộ KHCN cho hay sẽ tập trung hoàn thiện, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội 4 dự án Luật trong năm 2025, gồm: dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Để tháo gỡ về vấn đề nguồn lực, tại Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Bộ Chính trị ban hành đã yêu cầu, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Tại hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu, ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá. Trong năm 2025, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 57, Chính phủ cần đổi mới kế hoạch bố trí ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đề nghị Chính phủ bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng lên tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo.
Nói về vấn đề này, bà Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho rằng, hiện nay việc duyệt chi cho khoa học công nghệ rất khó khăn, cán bộ khoa học đề nghị chi, nhưng không duyệt chi được. Tình trạng này diễn ra ở các bộ, ngành và nhiều địa phương. Trong khi pháp luật đã quy định dành 2% trong tổng chi ngân sách hàng năm cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Chi phải đúng, phải đủ. Đầu tư đủ mạnh thì khoa học công nghệ mới thực sự là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tại các nước chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo rất lớn. Ví như: Mercedes, Volvo. Bởi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ vì quyền lợi của họ mà còn vì đất nước của họ. Sản phẩm tốt mới bán được nhiều và gây dựng thương hiệu quốc gia. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước là chưa đủ” - bà An nói và đề nghị cần kiểm tra và giám sát việc chi cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo xem có đủ và đúng không?
GS Đào Trọng Thi - nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, trong Luật Ngân sách nhà nước đã quy định dành 2% ngân sách cho khoa học công nghệ nhưng cái chính là không tiêu được do: không có người tiêu hợp lệ; lực lượng khoa học chưa hùng hậu để chi có hiệu quả; quy định pháp luật của chúng ta quá chặt chẽ đến mức không chi, không tiêu được chứ không phải tiền không có.
Ông Thi chỉ rõ: Cần sửa đổi các quy định để khuyến khích các nhà khoa học hoạt động. Chứ tiêu mà không được thanh toán thì ai dám hoạt động? Chả nhẽ bỏ tiền túi ra để hoạt động nghiên cứu khoa học? Cho nên bây giờ phải gỡ được chỗ vướng này, đồng thời và tiếp tục nâng lên tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ lên 2% GDP trong các năm tiếp theo.
Để đạt được mục tiêu chi như Nghị quyết 57 đặt ra, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, bên cạnh việc khắc phục các khoảng trống pháp lý, những tồn tại trong thời gian qua thì phải thể chế hoá tinh thần của Nghị quyết 57 thành các quy định của pháp luật để phù hợp với thực tế.
“Nghị quyết nêu rõ bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Vấn đề này cần được thể chế hoá để đồng bộ, tháo gỡ các điểm nghẽn. Khoa học công nghệ là đột phá thì phải ưu tiên ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ” – ông Sơn nhấn mạnh.