Đề xuất Thủ tướng chỉ định thầu cho Tổng công ty Sông Đà tham gia làm cao tốc Bắc – Nam của Bộ Xây dựng đang được dư luận quan tâm. Là bởi, Tổng công ty này đang nợ nần ngập đầu, tính đến cuối năm 2019 là hơn 11.000 tỷ đồng, hàng loạt công ty con rơi vào tình trạng thua lỗ, có nguy cơ mất vốn nhà nước. Về vấn đề này, PV Đại Đoàn kết đã trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.
PV:Ông nhìn nhận thế nào về việc Tổng công ty Sông Đà đang mang khoản nợ rất lớn nhưng lại được đề xuất chỉ định thầu làm đường cao tốc Bắc – Nam?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi những dự án lớn
, nhất là những công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cần phải đấu thầu công khai. Chỉ định thầu chỉ áp dụng khi nào không có nhiều nhà thầu, hoặc những gói thầu có tính chất đặc biệt phục vụ an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia. Chỉ trong những trường hợp đó thôi chứ không có ngoại lệ, bởi Luật Đấu thầu đã quy định rất rõ.
Theo tôi, một dự án lớn như đường cao tốc Bắc – Nam cần phải đấu thầu công khai, minh bạch. Mục đích của đấu thầu công khai minh bạch là để lựa chọn những nhà thầu đủ năng lực thi công, dồi dào khả năng tài chính. Có như vậy thì gói thầu có những yêu cầu gì, số tiền bao nhiêu..., nhà thầu mới có thể đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất. Tôi xin nhấn mạnh là mọi tiêu chí về đấu thầu phải được công khai, minh bạch. Khi mở các gói thầu phải có sự giám sát của nhiều cơ quan liên quan, để đảm bảo khách quan, không có sự tạo điều kiện cho nhóm lợi ích nào trúng thầu, đảm bảo công bằng cho tất cả các đơn vị tham gia đấu thầu.
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên chỉ định thầu cho doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, bởi đây có thể là biểu hiện lợi ích nhóm, ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi cho rằng, với việc chỉ định thầu trong bất cứ dự án nào, chứ không riêng gì cao tốc Bắc - Nam thì việc xuất hiện lợi ích nhóm là đương nhiên. Khi chỉ định thầu, chủ đầu tư sẽ chọn công ty nào, đối tác nào mà họ thích. Và tất nhiên cái họ thích có thể có nhiều lý do, có thể họ muốn “chia sẻ lợi nhuận” với các đơn vị tham gia đấu thầu, tức là có vấn đề chia chác quyền lợi ở đây. Và với cao tốc Bắc – Nam, tuyến đường “xương sống” của đất nước thì không thể có chuyện là chỉ định nhà thầu. Dự án này đòi hỏi một kinh phí rất lớn, bởi nó là dự án trọng điểm quốc gia, cần rất nhiều nhà thầu có năng lực. Có thể có tổng thầu, có thầu lẻ, nhưng rõ ràng không thể áp dụng chỉ định thầu cho một dự án lớn như vậy.
Trân trọng cả ơn ông!
Cứ “hạ giá” để được thông qua rồi đội vốn
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: Tất cả các dự án phải dựa trên cơ sở nghiên cứu hết sức khách quan, khoa học thì mới đảm bảo tính khả thi khi triển khai trong thực tế. Lâu nay, rất nhiều dự án được xây dựng trên cơ sở kinh phí ít nhất để được Quốc hội, Chính phủ thông qua nhanh nhất, nhưng rồi khi thi công sẽ bị đội vốn lên.
Như trường hợp Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sau bao nhiêu năm vẫn chưa thể vận hành, liên tục xin lùi tiến độ, đội vốn cả chục nghìn tỷ đồng. Đây là một sự lãng phí lớn của quốc gia. Cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ dự án này.