Theo nghiên cứu mới, lượng chì có trong xăng có thể là nguyên nhân gây ra hàng chục triệu ca bệnh sức khỏe tâm thần ở Mỹ.
Chì tác động đến cơ thể như thế nào?
Đồng tác giả của nghiên cứu được công bố hôm 4/12 trên Tạp chí Tâm lý học và Tâm thần học Trẻ em, Tiến sĩ Aaron Reuben - Phó Giáo sư khoa Tâm lý học lâm sàng tại Đại học Virginia - cho biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu đường cong dân số về các vấn đề sức khỏe tâm thần và phát hiện ra rằng, mọi người đều có nguy cơ mắc các triệu chứng bệnh tâm thần cao hơn, trong khi một số người vốn đã có nguy cơ sẽ phát triển các rối loạn có thể chẩn đoán sớm hơn, thường xuyên hơn hoặc nhiều loại hơn".
Nghiên cứu ước tính rằng, khoảng 151 triệu chẩn đoán rối loạn tâm thần ở Mỹ là do chì. Theo tiến sĩ Reuben, tình trạng phơi nhiễm có thể đã không xảy ra nếu không có chì trong xăng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, ô tô chạy bằng xăng có chứa chì bắt đầu lưu thông từ những năm 1920 và Mỹ không bắt đầu quá trình loại bỏ dần chất này cho đến những năm 1980 - sau khi có bằng chứng đáng kể về tác hại của nó trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, xăng pha chì vẫn tiếp tục được sử dụng làm nhiên liệu cho một số máy bay, xe đua và thiết bị nông trại và hàng hải.
"Nhiều người bị phơi nhiễm không được ghi chép trong lịch sử. Hàng triệu người Mỹ đang phải sống chung với một lịch sử phơi nhiễm chì vô hình và không rõ ràng, có thể đã ảnh hưởng xấu đến cách họ suy nghĩ, cảm nhận và hành xử" - tiến sĩ Reuben nói và cho biết thêm, tích lũy những kết quả nghiên cứu trong thế kỷ qua, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, chì tác động có hại cho hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể con người.
Trong một nghiên cứu trước đây, ông Reuben và một nhóm các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu về nồng độ chì trong máu ở trẻ em, mức sử dụng khí chì và số liệu thống kê dân số để ước tính mức độ phơi nhiễm chì ở trẻ em và phát hiện ra rằng, một nửa dân số Mỹ đã tiếp xúc với nồng độ chì có hại ngay từ khi còn nhỏ.
Tiến sĩ Bruce Lanphear - nhà khoa học về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Simon Fraser ở Canada, người có chuyên môn về ngộ độc chì nhưng không tham gia vào nghiên cứu trên - cho rằng, số lượng người bị ảnh hưởng trên thực tế có thể là một điều bất ngờ. “Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một công việc toàn diện để cố gắng ước tính mức độ phơi nhiễm nhưng vẫn có những cảnh báo và hạn chế. Điều này cho thấy rằng, họ đã không đo lường được tất cả các nguồn tiếp xúc có thể xảy ra, vì vậy, kết quả có thể đánh giá thấp vấn đề" – ông Lanphear nói.
Xác nhận điều này, tiến sĩ Reuben cho biết, ông và nhóm nghiên cứu chưa thể hiểu đầy đủ về việc những lần tiếp xúc với chì ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và bệnh tật của con người trong suốt thế kỷ qua.
Chì là một chất độc thần kinh mạnh và có thể phá vỡ sự phát triển của não theo nhiều cách, nó có thể tác động đến hầu hết các loại vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm lo lắng, trầm cảm và ADHD. Nhưng mọi người cũng có thể bị ảnh hưởng theo những cách không thể chẩn đoán được.
"Chúng tôi tin rằng, tiếp xúc với chì khiến mọi người ít tận tâm hơn một chút vì vậy kém tổ chức hơn, ít chú ý đến chi tiết hơn, ít có khả năng theo đuổi mục tiêu của mình theo cách có tổ chức và dễ bị loạn thần hơn" – ông Reuben nói.
Hàng triệu ngôi nhà vẫn chứa chì
Nói về các biện pháp ứng phó trong trường hợp trải qua quá trình tiếp xúc với chì, tiến sĩ Reuben cho biết, nếu tiếp xúc với chì là một vấn đề phổ biến và những tác động có thể xảy ra đối với sức khỏe là nghiêm trọng, thì bước đầu tiên chúng ta nên làm là hãy tìm hiểu về các nguồn tiếp xúc với chì có thể có.
“Chúng tôi đã loại bỏ hoàn toàn chì khỏi xăng vào năm 1996, loại bỏ chì khỏi đường ống vào năm 1986 và loại bỏ chì khỏi sơn vào năm 1978. Nhưng đối với những người đang sống trong một ngôi nhà được xây dựng trước những mốc thời gian trên, họ có khả năng đối mặt với nguy cơ nhiễm chì từ đất hoặc trong chính ngôi nhà họ đang ở”. Nhưng theo tiến sĩ Reuben, điều này không có nghĩa là mọi người cần phải ngay lập tức rời khỏi khỏi ngôi nhà đang ở, chỉ là nên chú ý kiểm tra nồng độ chì khi cải tạo hoặc làm xáo trộn đất.
Ông Reuben nói thêm rằng, Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ gần đây đã hạ thấp mức sàng lọc đất, điều này có nghĩa là có thể cứ 1/4 hộ gia đình ở Mỹ sẽ có chì trong đất, hiện được coi là có khả năng gây nguy hiểm. Tiến hành xét nghiệm phơi nhiễm chì cũng là một biện pháp mà tiến sĩ Reuben khuyến nghị.
Đối với những người đã bị phơi nhiễm, không có câu trả lời chắc chắn về việc liệu có thể giảm mức độ chì trong cơ thể hay không, nhưng tiến sĩ Reuben khuyến nghị thực hiện các bước để xác định nguồn gốc và giảm phơi nhiễm trong tương lai. Theo đó, chúng ta có thể hạn chế tác hại của chì bằng cách thực hiện những việc khác có lợi cho sức khỏe như tập thể dục, ăn chế độ ăn uống bổ dưỡng và cắt giảm rượu bia và thuốc lá. Nhưng theo ông Lanphear, bước đi có tác động lớn nhất sẽ là sự đầu tư của các tổ chức vào nghiên cứu và loại bỏ chì khỏi môi trường.
"Chúng ta thực sự cần các cơ quan quản lý như Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ để đảm bảo không có chì trong thức ăn trẻ em. Tìm cách giải quyết 20 triệu ngôi nhà vẫn còn chứa các mối nguy hiểm do chì, loại bỏ nhiên liệu máy bay có chì, tuy nhiên đây không phải là những việc mà mọi người có thể làm. Đây là những gì mà chính phủ và các cơ quan quản lý cần phải làm" – tiến sĩ Reuben nói.