“Phải xây dựng được chế tài nghiêm khắc trừng trị những người nắm quyền nhưng lạm quyền trong bổ nhiệm cán bộ để lấy đó mà khiếp sợ, không dám vượt qua “chỉ giới đỏ”. Sự trừng trị của pháp luật có thể rơi xuống đầu người đó bất cứ lúc nào nếu như cố ý bổ nhiệm “nhầm” người, dù cho đó là người ngoài hay người thân”- Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân nói.
Ảnh minh họa.
Bổ nhiệm người nhà và câu chuyện chuyến tàu vét
Cần chế tài để chặn “tham nhũng” trong bổ nhiệm cán bộ đang là vấn đề bức xúc được dư luận đặc biệt quan tâm. Vì sao người dân đặc biệt quan tâm đến công tác nhân sự, cụ thể là bổ nhiệm cán bộ là bởi có quá nhiều tai tiếng trong bổ nhiệm người thân, bổ nhiệm thần tốc trong suốt thời gian qua?
Nổi cộm nhất có lẽ là vụ năm 2016 Thanh tra Bộ Nội vụ phải nhanh chóng vào cuộc để làm rõ gần 60 trường hợp được cho là bổ nhiệm có yếu tố người nhà ở 9 địa phương gồm: Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đắc Lắc, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Yên Bái và TP Đà Nẵng.
Kết quả của cuộc thanh kiểm tra đã cho một đáp: Có 58/60 trường hợp được bổ nhiệm là người nhà. Chuyện bổ nhiệm người nhà gần như ở tỉnh, thành nào cũng có. Hẳn dư luận chưa quên trường hợp đặc biệt khi Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) Phạm Nông bổ nhiệm “thần tốc” con trai làm phó khoa dù mới làm việc 6 tháng, lại bị mắc bệnh động kinh.
Đó là bổ nhiệm có yếu tố người nhà, chuyện lạm quyền trong bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ không chỉ dừng ở yếu tố họ hàng. Tình trạng bổ nhiệm chuyến tàu vét của “buổi hoàng hôn nhiệm kỳ” không hề hiếm trong nền công vụ. Hẳn dư luận chưa quên nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương trong cơ quan này cách đây 6 năm.
Hay vào dịp tháng 3/2014, ông Nguyễn Thành Rum, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Hồ Chí Minh, trong vòng 2 tuần trước khi nghỉ công tác đã ký 20 quyết định bổ nhiệm cán bộ sai nguyên tắc. Gần đây nhất, dư luận bất bình trước việc “bổ nhiệm thần tốc” đối với một công chức ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều sai sót cả về quy trình, nguyên tắc và đây là một trong những vụ việc “nổi cộm” về tình trạng thao túng, lộng hành trong công tác cán bộ của một số cá nhân có chức, có quyền.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân. Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.
“Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước”.
Do đó, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.
Chưa buộc trách nhiệm tội lạm quyền
Bổ nhiệm “nhầm” người trở thành phổ biến là bởi việc xử lý trách nhiệm của người được bổ nhiệm và người bổ nhiệm rất hiếm. Ủy ban Tư pháp cho biết, chỉ có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý trong khi đó có tới 159 vụ/402 bị cáo TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm.
Năm 2016 việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015. Năm 2016 có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý. Năm 2015 có 46 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, trong đó có 4 người bị xử lý hình sự.
“Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, của đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình”- bà Lê Thị Nga nói.
Tại sao lại xảy ra tình trạng cha bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ, chị bổ nhiệm em, bác bổ nhiệm cháu, lãnh đạo tùy tiện bổ nhiệm người thân quen, “cánh hẩu” với mình… khiến dư luận bức xức? Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang (Cà Mau) cho biết: Mặc dù Bộ luật Hình sự hiện hành đã có những quy định một số tội lạm dụng chức vụ trong quản lý nhưng chưa có điều nào quy định về loại tội lạm dụng quyền lực, làm trái các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Như vậy để kịp thời đáp ứng các yêu cầu mà thực tiễn đặt ra, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung tội danh cụ thể trên vào dự thảo luật để răn đe, trừng trị đối với nhóm hành vi nguy hiểm trên”.
Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Thanh Vân nói: Công tác cán bộ là một trong những vấn đề bức xúc, đến mức Nghị quyết của Đảng đã nêu rõ và chỉ ra những sai sót, bất cập cùng nhiều giải pháp cụ thể. Nhưng pháp quy ra thành những quy tắc xử sự về mặt nhà nước chúng ta làm rất chậm.
Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI đã chỉ ra những bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ nhưng đến giờ vẫn chưa dịch chuyển, khởi xướng để mà sửa đổi bổ sung. Rồi một loạt các văn bản hướng dẫn về xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ, xây dựng tiêu chí chức danh việc làm, rất nhiều việc phải thực hiện. Bộ máy cũng vậy, đang đi theo một cảm hứng rất ngẫu nhiên là khi nào thấy cần thiết là “đẻ” ra hoặc co lại.
Thế nên, sau mỗi sự vụ nổi cộm người ta lại thấy kết luận “đúng quy trình” nhưng quy trình cán bộ đúng, mà đầu vào là nhân sự không đủ tiêu chuẩn, để đúng quy trình người cầm quy trình ấy có thể uốn nắn để hợp thức hoá nó, “gọt chân cho vừa giày” tất nhiên chẳng tìm ra địa chỉ để xử lý trách nhiệm.
Nghiêm khắc xử lý
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, quy trình cán bộ hiện nay phải tổng kết mới biết được kẽ hở ở đâu. “Quy trình đúng như dây chuyền sản xuất gạch hoàn hảo, về nguyên lý chỉ có thể đầu vào là đất sét và ra là gạch chất lượng cao nhưng vì cho bùn, cho rác vào thì sản phẩm sẽ khác”. Cho nên, vấn đề đặt ra là phải có một bộ khung về tiêu chuẩn cho tất cả các chức danh trong bộ máy hành chính nhà nước, cấp nào ràng buộc tiêu chuẩn chức danh ấy để làm sao những ai thấy rằng mình tài hẹn đức mọn không dám mơ đến.
Cùng với đó, phải xây dựng được chế tài nghiêm khắc trừng trị những người nắm quyền nhưng lạm quyền trong bổ nhiệm cán bộ để thấy bộ chế tài đó mà khiếp sợ, không dám vượt qua “chỉ giới đỏ”. Sự trừng trị của pháp luật có thể rơi xuống đầu người đó bất cứ lúc nào nếu như cố ý bổ nhiệm “nhầm” người, dù cho đó là người bên ngoài hay người thân. Có như vậy thì cho dù người được bổ nhiệm là con cháu tài năng đường đường chính chính bước ra chính trường.
Cần xác định các nhóm cán bộ, như cán bộ chính trị, cán bộ quản lý, cán bộ điều hành, tầm tham mưu... để “dụng nhân như dụng mộc”, gỗ nào thì dùng vào việc đấy. Gỗ lim dùng làm trụ cái bởi vì nó không bị mối mọt, chống đỡ kiên cường, không thể lấy gỗ dâu làm cột cái được.
Chọn nhân sự cũng như vậy, cán bộ phong trào có thể tạo ra cảm hứng để lôi cuốn nhưng chưa hẳn có tư duy chiến lược, tầm nhìn chính sách; cán bộ quản lý phải nắm chắc đường lối chủ trương pháp luật như là một công thức để vận hành bộ máy, nếu như đưa họ lên tư duy tầm lãnh đạo chưa hẳn tốt...
Người làm việc chuyên môn tốt, thấy có thành tích thì chuyển sang làm lãnh đạo quản lý, có khi ở tầm cao hơn là hoạch định chính sách, không đúng khả năng của họ. Họ có thể soi chiếu ở vấn đề cụ thể rất tốt nhưng tầm nhìn ở diện rộng hơn bị hạn chế. Một cán bộ có năng lực dẫn dắt phong trào bằng những sinh hoạt cộng đồng rất vui vẻ, nhưng ở vai trò quản lý trọng yếu lại là việc khác. Chúng ta đang nhầm lẫn như vậy. Do đó, xây dựng bộ tiêu chí cho một chức danh là rất quan trọng.
Ở đây có vấn đề về nguyên lý phân công quyền lực, trước hết là xác định chức năng từng cơ quan, từng thiết chế rạch ròi để từ đó xác định nhiệm vụ và đến các công việc cụ thể mới đo đếm được số lao động cần bố trí như thế nào cho thích hợp. Nguyên lý đó mà làm tốt thì chính là phân công quyền lực tốt và kiểm soát quyền lực và sẽ không còn tình trạng việc gì chậm lại bao biện là do phối hợp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải kiên quyết khắc phục tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân khiến dư luận bức xúc; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật cá nhân vi phạm pháp luật và có khuyết điểm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức.
Sau khi nhấn mạnh rằng, yêu cầu công tác cán bộ phải đi tìm người tài chứ không phải tìm người nhà, Thủ tướng cũng mong muốn phải làm sao để con em nông dân, công nhân, người lao động có cơ hội được học tập, phấn đấu để trở thành lãnh đạo đất nước trong tương lai.
Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ không chỉ là lời thức tỉnh, cảnh báo nghiêm khắc đối với những ai đã, đang lạm dụng quyền hạn của mình để làm sai lệch, biến tướng, thao túng công tác cán bộ; mà còn thể hiện ý chí, cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc nỗ lực hướng tới làm lành mạnh hóa công tác cán bộ, trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.