Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi 65 triệu USD để nhập khẩu thịt và các sản phẩm dạng thịt. Trong khi đó, giá gà, lợn trong nước liên tục sụt giảm từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Vẫn biết, trong hội nhập, việc nhập hàng hóa từ bên ngoài cũng là chuyện bình thường nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn là những nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng khi tiêu thụ thực phẩm giá siêu rẻ.
Đùi gà, cánh gà siêu rẻ ồ ạt xâm nhập thị trường trong nước.
Lao đao vì hàng nhập
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chi 65 triệu USD để nhập khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ từ nhiều thị trường trên thế giới.
Trong đó, Mỹ là quốc gia xuất sang Việt Nam sản lượng thịt và phụ phẩm thịt lớn nhất, vào khoảng 20 triệu USD, chiếm tỉ trọng 32% tổng lượng thịt và phụ phẩm sau giết mổ nhập khẩu của cả nước. Brazil cũng là một trong những quốc gia cung cấp một lượng lớn sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam.
Theo đó, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3, Việt Nam nhập khẩu 2.780 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD với giá trung bình mỗi kg chỉ vào khoảng 1,44 USD, tương đương gần 33.000 đồng.
Trong đó, các loại thịt gà và phụ phẩm khác của gà với 1.540 tấn, trị giá hơn 1,5 triệu USD, tương đương 1 USD/kg (khoảng 23.000 đồng).
Việt Nam cũng nhập cánh gà từ Brazil với 770 tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD trong gần 3 tháng đầu năm 2017. Tính ra giá cánh gà Brazil nhập về Việt Nam khoảng 1,8 USD/kg (hơn 41.000 đồng/kg). Các loại thịt và phụ phẩm dạng thịt khác là 470 tấn, trị giá hơn 1 triệu USD, tương đương 2,13 USD mỗi ký (48.500 đồng).
Trước đó, theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, năm 2016, lượng gà đông lạnh giá siêu rẻ gồm đùi, cánh, chân, nội tạng nhập về Việt Nam tăng gấp 2 lần năm 2015 với giá dao động khoảng 12 - 17 ngàn đồng/kg. Riêng mặt hàng thịt gà đùi đã có 15 nước xuất khẩu vào Việt Nam.
Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập gần chục ngàn tấn đùi gà, trong đó lượng đùi gà xuất xứ từ Mỹ nhiều nhất, chiếm đến 65% với giá rẻ bất ngờ, chưa đến 10 ngàn đồng/kg.
Là một nước thuần nông, với 70% dân số làm nghề nông nhưng Việt Nam đang phải chi một khoản tiền không nhỏ cho việc nhập các sản phẩm chăn nuôi, điều này đang đẩy ngành chăn nuôi nước nhà vào tình trạng lao đao, người chăn nuôi thua lỗ. Giá gà, lợn và các sản phẩm từ thịt gà, lợn sau giết mổ ở trong nước sụt giảm thậm tệ trong suốt thời gian từ trước Tết Nguyên đán đến nay.
Thực trạng sụt giảm giá này nguyên nhân một phần chính là ở việc sản phẩm chăn nuôi trong nước không thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.
Theo ông Hoàng Triều - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc thú y Việt Nam, nếu tính cả chi phí thức ăn chăn nuôi cộng các loại chi phí đầu vào khác, một sản phẩm thịt gia cầm do bà con nông dân nuôi bán ra tối thiểu cũng phải có giá 35.000 - 40.000 đồng/kg may ra mới có lãi.
Thế nhưng, giá các sản phẩm gia cầm nhập khẩu chỉ có 7.000 - 10.000 đồng/kg khi vào đến cảng Việt Nam thì đó là mức giá không thể tưởng tượng được.
Cứ cho cộng hết các chi phí, ra đến thị trường chắc chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. “Giá này đương nhiên “đè chết” giá thịt gia cầm trong nước. Và nếu cứ tình trạng này kéo dài, ngành chăn nuôi nước nhà khó đỡ”- vị chuyên gia nhận định.
Cơ chế quá mở, thiếu kiểm soát
Những nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi nước nhà là đã quá rõ ràng. Song, nghiêm trọng hơn là những nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng khi tiêu thụ những sản phẩm giá siêu rẻ đó. Bởi theo thông tin từ Hiệp hội Gia cầm Đông Nam Bộ, nhiều khả năng là hàng sắp sửa hết hạn sử dụng nên mới được “bán tống bán tháo” với giá rẻ như vậy.
Những ngày qua, vụ bê bối về thực phẩm bẩn từ Brazil đã gây xôn xao dư luận xã hội toàn thế giới. Ở Việt Nam, mặc dù ngay sau khi có thông tin nhiều công ty sản xuất thịt của Brazil bị điều tra vì xuất khẩu thịt nhiễm bẩn, sử dụng hóa chất cấm, cơ quan thú y của Việt Nam đã yêu cầu ngừng nhập khẩu thịt từ nước này, song một lần nữa, đây là hồi chuông cảnh báo về thực trạng nhập thực phẩm một cách tràn lan chỉ vì giá quá rẻ…
Cảnh báo về thực trạng này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các nước sẽ vẫn tiếp tục tuồn hàng vào Việt Nam chừng nào họ còn bán được. Theo bà Lan, cơ chế Việt Nam quá mở và hạn chế trong kiểm soát. “Điều này khuyến khích các nước bán hàng vào Việt Nam, khuyến khích cả những thủ thuật cạnh tranh không lành mạnh”- bà Lan cho hay.
Để ngăn chặn thực trạng thực phẩm kém an toàn tràn vào Việt Nam, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, bà Lan cho rằng, việc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi bằng các hàng rào kỹ thuật là rất cần thiết.
“Bên cạnh đó, chúng ta phải đảm bảo được mỗi một lô hàng nhập khẩu vào Nhà nước đều kiểm soát được hay không, kiểm soát bởi ai, công cụ nào và ai phải chịu trách nhiệm nếu để lọt hàng bẩn vào”- bà Lan nhấn mạnh.