Chỉ rõ địa chỉ sai phạm

Việt Thắng 03/10/2017 07:45

Chiều ngày 2/10, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Quang cảnh phiên giải trình.

Vì sao vướng?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt trên 50% kế hoạch. Còn 9 tháng đầu năm 2017 là hơn 46% so với kế hoạch Quốc hội thông qua.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng giải ngân vốn chậm theo Bộ trưởng là do chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án mang tính hình thức để có điều kiện ghi kế hoạch vốn; phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dẫn đến sau khi bố trí kế hoạch lại yêu cầu điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thậm chí phải thẩm định lại nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Đáng chú ý Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng một số cơ quan, đơn vị chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư công chưa nghiêm, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc tiêu chí do Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nên phải điều chỉnh kế hoạch giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn, việc đánh giá kiểm tra kế hoạch chương trình dự án thực hiện chưa sát sao, đầy đủ.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặt vấn đề: Báo cáo nêu thực hiện luật còn nhiều bất cập nhưng không nêu hướng xử lý, giải quyết khó khăn vướng mắc thế nào?

Hiện đang còn 80 ngàn tỷ đồng của các công trình dự án quan trọng trọng điểm quốc gia hiện chưa triển khai giải ngân được, 2 năm thực hiện vậy vướng mắc do đâu? Tại sao không triển khai được? Nguyên nhân do đâu và bao giờ triển khai?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 80 ngàn tỷ đồng, có 10 ngàn tỷ cho Dự án chống ngập tại TP HCM. Còn 70 ngàn tỷ đồng Bộ GTVT kiến nghị thực hiện 15 ngàn tỷ cho 4 dự án của ngành đường sắt, 8 ngàn tỷ cho các dự án bị đình, giãn hoãn, còn 55 ngàn tỷ đồng đưa vào các dự án cao tốc Bắc-Nam. Hiện Bộ GTVT đang báo cáo Chính phủ và sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.

Giải trình thêm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết, Dự án chống ngập tại TPHCM gồm 36 tiểu dự án chống ngập, ngày 29/7 TP HCM đã báo cáo hồ sơ lên Bộ KHĐT để thẩm định. Ngày 19/9 Bộ KHĐT đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Đề cập đến việc làm sao bố trí đủ vốn cho Dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khi dự kiến xây dựng sân bay Long Thành lúc đầu chưa xác định được nguồn là bao nhiêu nên mới dành 5 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên hiện nay tỉnh Đồng Nai đã lập báo cáo khả thi và xác định 23 ngàn tỷ đồng cho nên chưa có nguồn bố trí. Theo kế hoạch đến hết năm 2020 cần 11 ngàn tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng. Như vậy từ nay đến năm 2020 thiếu 6 ngàn tỷ đồng.

Do đó đang xem xét chuyển nguồn từ các dự án không triển khai để dồn cho Long Thành. Hiện nay đang tập hợp nguồn từ các dự án để báo cáo lên Thủ tướng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đại biểu Tạ Văn Hạ- Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm trong 72 dự án đầu tư công kém hiệu quả, giàn trải. “Sau một thời gian đến bây giờ mới phát hiện ra thì trách nhiệm như thế nào trong quá trình thanh kiểm tra?”- ông Hạ nêu vấn đề.

Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông, trong Luật Đầu tư công đã quy định phân cấp rõ trách nhiệm của ai, đến đâu? Trách nhiệm của Bộ là xem phân bổ vốn có đúng theo quy định hay không thì Bộ đã có đi giám sát kiểm tra, những công trình đầu tư không đúng theo danh mục phê duyệt và đã báo cáo Chính phủ.

Còn hiệu quả của dự án là do chủ dự án, nếu dự án của bộ chủ quản thì trách nhiệm thuộc về bộ chủ quản, còn dự án của địa phương là trách nhiệm của địa phương.

Không hài lòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: Vừa qua việc thực hiện Luật còn nhiều bất cập, vướng mắc vậy do luật hay do tổ chức thực hiện? Bộ chịu trách nhiệm đến đâu? Trách nhiệm của địa phương đến đâu?

Theo ông Hiển, việc ban hành Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước tiến quan trọng và có ý nghĩa, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ để nâng cao hiệu lực hiệu quả đầu tư công.

Trước đây kế hoạch chỉ hàng năm, nhưng khi Luật ra đời đã chỉ ra trình tự kế hoạch, trách nhiệm, để ngăn chặn đầu tư phân tán giàn trải, duy ý chí chủ quan trong đầu tư, nâng cao chế tài và trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên qua 3 năm qua thực hiện nhận thấy việc phân bổ vốn còn chậm.

“Bây giờ còn 180 ngàn tỷ đồng chưa giao được trong khi nhiều công trình cần vốn như chống ngập tại TP HCM, đường ven biển từ Hải phòng cho đến Nghệ An, hay cao tốc Bắc-Nam. Giải ngân chậm tức là sử dụng vốn ngân sách không đem lại hiệu quả cao nhất”- ông Hiển nói, đồng thời đặt vấn đề: Vì sao có luật, nghị quyết rồi mà vẫn có nhiều tỉnh, thành vi phạm?

Tại sao đường cao tốc Bắc Nam Quốc hội phê duyệt 70 ngàn tỷ nhưng sao lại chỉ được 55 ngàn tỷ đồng? Đó là những vấn đề cần làm rõ.

Cũng theo ông Hiển, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nhận thức chưa đầy đủ. Qua đi giám sát tại các địa phương ở 3 miền thấy rằng quán triệt chưa đầy đủ, còn tư duy cũ. Một số bộ ngành, địa phương chưa nghiêm, luật có rồi trong đó quy định phải tuân theo đúng trình tự nhưng dự án cũ chưa xong lại triển khai ngay dự án mới. Như vậy là chưa nghiêm.

“Vậy trách nhiệm thuộc về ai phải nói rõ trách nhiệm. Chính phủ thống nhất quản lý đầu tư công, Bộ KHĐT giúp cho Chính phủ thì Bộ phải chịu trách nhiệm chính, cùng một số bộ ngành có liên quan. Phải chỉ rõ trách nhiệm dự án nào? Địa phương nào? Bộ ngành nào? Cần công khai minh bạch sai phạm”- ông Hiển nói, và đề nghị cần tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công,khẩn trương giao vốn cho xong không để chậm trễ, tránh cố tình làm sai, tránh đùn đẩy không dám chịu trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ rõ địa chỉ sai phạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO