Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2020 và cả năm 2020. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2,91% so với năm trước. Cụ thể, quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69% và quý IV tăng 4,48%. Lạm phát cơ bản: 2,31%. Đó là những chỉ số tốt lành đem đến niềm tin.
Đó là những con số rất đáng tự hào về chỉ số tăng trưởng GDP và chỉ số lạm phát của cả năm 2020.
Năm 2020 chật vật đi qua với khó khăn bộn bề. Trong đó, thiên tai và đại dịch Covid-19 là những thử thách mang tính lịch sử.
Thiên tai ngay từ đầu năm báo hiệu một năm khí hậu cực đoan. Rồi mùa hè đến với những ngày nắng nóng kéo dài. Ruộng đồng nơi nơi khô khát. Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục bị triều cường tấn công, xâm nhập mặn vào sâu nội đồng, sạt lở diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn. Tại các tuyến đê biển xung yếu, triều cường liên tục uy hiếp, đánh tan cả những khối bê tông chắn sóng tưởng như vĩnh cửu.
Về cuối năm, kể từ đầu tháng 10, mưa to trút xuống miền Trung từ 4 cơn bão nối nhau, dồn dập bủa vây. Suốt một dải đất vốn đã nhiều khó khăn từ Thanh Hóa cho tới Quảng Ngãi hết trận mưa này đến trận mưa khác. Nước các dòng sông lên cao hết đợt này đến đợt khác cuốn đi thành quả lao động chắt chiu của người dân.
Người chết, người mất tích, nhà sập, ruộng đồng trắng nước. Vùng núi của Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam lại xảy ra sạt lở núi, vùi lấp cả người dân cùng những người đi cứu hộ, cứu nạn. Riêng thiệt hại về tài sản, con số đã lên tới 38.400 tỉ đồng.
Nhưng cũng chưa khủng khiếp bằng đại dịch Covid-19. Ngay trong quý I của năm 2020, kinh tế đất nước đã có dấu hiệu giảm sút bởi cả nước phải căng mình chống dịch. Rồi trong suốt cả năm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phải khôi phục, phát triển kinh tế, chúng ta phải trải qua một năm đằng đẵng “chưa có tiền lệ” - một năm vật lộn với gian nan.
Những ngày này, khi năm 2020 đang trôi về những ngày cuối cùng, nhìn lại cả một năm gian khó càng thêm tự hào về đất nước ta, dân tộc ta. Một đất nước đã trải qua bao phen thử thách của lịch sử, một dân tộc kiên gan bền chí dám chấp nhận đương đầu với mọi tình thế, cho dù đó là những tình thế hiểm nghèo nhất.
Chúng ta đã vượt qua gian khó, vượt lên sự khốc liệt bằng ý chí của người Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam. Và, trong gian khó thì những phẩm chất tuyệt vời của người Việt Nam lại tỏa sáng rực rỡ hơn bao giờ hết. Cả dân tộc đoàn kết lại tạo nên sức mạnh vô địch vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Kể từ giữa năm 2020, nhiều ý kiến cả trong nước và quốc tế cho rằng GDP của Việt Nam sẽ ở con số âm. Vì rằng hầu hết các quốc gia trên thế giới đều rơi vào khủng hoảng được cho là năm khó khăn nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc (năm 1945).
Đảng, Nhà nước cũng đã lường trước khó khăn ấy. Chính vì thế, quyết sách thực hiện “mục tiêu kép” vừa chồng dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế đã được đưa ra. Một quyết sách mạnh mẽ và vô cùng sáng suốt.
Khi hầu hết các quốc gia (trong đó có nhiều thị trường là bạn hàng truyền thống của Việt Nam) phong tỏa chống dịch, xuất nhập khẩu đình trệ. Lập tức, quyết sách mới đã được đưa ra: Đó là trở lại với thị trường trong nước, một thị trường có sức mạnh tiềm tàng với gần 100 triệu dân.
Cũng chính vì thế mà chúng ta đã không rơi vào thế thụ động, kinh tế vẫn phát triển trong gian khó nhọc nhằn. Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước tính đạt 117,9 triệu đồng/lao động; tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so với năm 2019. Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,4%. Con số đó khách quan cho thấy chúng ta đã nỗ lực đến thế nào, “virus trì trệ” đã bị đẩy lùi.
Cũng cần phải thấy rằng, với chỉ số lạm phát cơ bản của cả năm là 2,31%; thì cũng lại là thành công rất lớn của một năm gian nan. Vì, nếu GDP tăng nhưng lạm phát cũng tăng thì không còn nhiều ý nghĩa. Tăng trưởng đi cùng kiềm chế lạm phát, đó phải được coi là “thành công kép” của kinh tế - xã hội nước nhà, trong nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế.
Và, trong niềm vui chung rất lớn về những thành tựu đạt được trong năm 2020, có một con số cũng cần phải nhấn mạnh: Năm 2020, đất nước xuất siêu 19,1 tỉ USD. Đây chính là mơ ước của hầu hết các nền kinh tế thế giới phải quằn quại trong tăng trưởng âm.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam là ngôi sao sáng của thế giới trong năm 2020 dữ dội, cả về chống đại dịch lẫn phát triển kinh tế - xã hội. Với thành tựu ấy, cả nước vững tin bước vào năm 2021 dẫu còn đó những khó khăn thách thức nhưng không thể cản được những bước chân chắc khỏe của người Việt Nam tiến về phía trước. Mục tiêu tăng trưởng 6% của năm 2021 cũng có thể nói là hoàn toàn thực tế, để từ đó đất nước bật dậy mạnh mẽ trong thời “hậu Covid”.