Tại phiên họp về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội và thu chi ngân sách tháng 4 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 năm 2018 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/5, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố đang có xu hướng chững lại.
Dây chuyền sản xuất lốp tại Xí nghiệp Casumina Hóc Môn (Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam). Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN).
Trong 4 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 6,07% (cùng kỳ tăng 7,09%).
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, sản xuất công nghiệp của thành phố chưa thật sự bền vững khi số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chiếm 99% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động nên sức cạnh tranh yếu và thiếu bền vững. Đóng góp của doanh nghiệp vào phát triển chưa cân bằng giữa hai khu vực kinh tế trong và ngoài nước, còn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp FDI chiếm 35,5% giá trị sản xuất công nghiệp.
Thành phố hiện chiếm 32% sản lượng công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 16% cho quy mô sản xuất công nghiệp cả nước. Tốc độ tăng sản xuất công nghiệp của thành phố có xu hướng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước trong 5 năm gần đây.
Do vậy, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho rằng, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố hiện đã khá lớn, gần như bão hòa. Hiện nay, ngành kinh tế thành phố tiếp tục chuyển hướng vào khu vực dịch vụ, tỉ trọng của khu vực dịch vụ trong tổng GRDP trong quý I/2018 là 59,54%. Ngoài ra, ngành công nghiệp cũng có xu hướng chuyển dần sang khu vực dịch vụ công nghiệp.
Đi vào phân tích cụ thể các lĩnh vực, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, trong 4 tháng đầu năm, ngành cơ khí ước đạt 2,48%, giảm mạnh so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2017 tăng 18,89%); riêng ngành sản xuất xe có động cơ giảm 26,8% (cùng kỳ năm 2017 tăng hơn 84,19%). Nguyên nhân chính kéo giảm mức độ tăng của toàn ngành công nghiệp là do từ tháng 1/2018, ngành sản xuất xe này chịu tác động khi phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO 4, nên gặp khó khăn đối với tiêu chuẩn này
Đồng tình với những phân tích của Sở Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: "Khi duyệt kế hoạch của các địa phương, về chỉ số sản xuất công nghiệp thì được báo cáo là tăng trưởng. Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể về tăng trưởng của từng ngành trên địa bàn thì các Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện lại lúng túng. Vì vậy, khi muốn nâng cao sức cạnh tranh thì phải phân tích từng lĩnh vực, sản phẩm, từng ngành cụ thể để có giải pháp cho từng lĩnh vực."
Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị, Sở Công Thương cần tập trung nghiên cứu, tham mưu cho thành phố xây dựng sản phẩm chủ lực để làm cơ sở, kế hoạch đề ra chương trình phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh thời gian tới; đồng thời đóng góp giá trị gia tăng cao vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn liền hình thành các thương hiệu của thành phố.