Đến nay, sau khoảng 1 tháng triển khai gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng cho các đối tượng người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, có tình trạng nơi triển khai nhanh chóng với nhiều đối tượng đã nhận được tiền hỗ trợ nơi lại chậm trễ, gần hết tháng 5 vẫn chưa chuyển được tiền hỗ trợ tới tay đối tượng nào...
Việc chi trả kinh phí hỗ trợ người dân đang có tình trạng nơi nhanh gọn, nơi chậm trễ.
Theo Sở LĐTBXH tỉnh Hà Nam, đến hết ngày 24/5, toàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành chi trả hỗ trợ ảnh hưởng dịch cho 4 nhóm đối tượng là người có công với cách mạng (18.955 người), người nghèo (6.562 người), cận nghèo (23.909 người) và bảo trợ xã hội (37.947 người).
Tổng số tiền chi trả hỗ trợ là hơn 108 tỷ đồng. Toàn tỉnh cũng đã rà soát, thống kê được trên 30.000 lao động, 2.408 hộ kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch được hưởng hỗ trợ. Trong đó, có gần 26.000 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; gần 1.500 người lao động bị mất việc làm nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 2.322 hộ kinh doanh; 86 người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; gần 3.200 lao động tạm hoãn việc thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương.
Trước đó, kiểm tra việc triển khai công tác hỗ trợ tại tỉnh Hà Nam, Đoàn kiểm tra của Bộ LĐTBXH đánh giá cao kết quả, tiến độ của tỉnh; yêu cầu tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy nhanh tiến độ rà soát, thống kê, lập danh sách những nhóm đối tượng còn lại được hưởng hỗ trợ theo quy định. Quá trình thực hiện phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch, tránh sai sót, trùng lặp, chính sách bị trục lợi, người dân chờ đợi lâu...
Tại tỉnh Thái Bình, theo gi nhận, đến nay, toàn tỉnh cũng đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho nhóm người có công và thân nhân; nhóm người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và bảo trợ xã hội. Những người đã nhận được tiền hỗ trợ đều rất phấn khởi, đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, thiết thực của Đảng, Nhà nước đối với người dân trong lúc khó khăn. Hiện tại, chính quyền, các cơ quan liên quan của tỉnh đang tích cực phối hợp rà soát, chốt danh sách nhóm đối tượng hộ kinh doanh, người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ để trình UBND tỉnh phê duyệt cấp kinh phí. Toàn tỉnh đặt mục tiêu đến hết tháng 5/2020 sẽ hoàn thành chi trả hỗ trợ cho tất cả các đối tượng.
Trong khi đó, tại Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg tổ chức cuối tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch tại một số huyện trong tỉnh còn chậm, nhất là việc xác định danh sách, thẩm định các nhóm đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Chính vì vậy, đến hết ngày 24/5, chưa một đối tượng nào ở tỉnh Nam Định nhận được tiền hỗ trợ.
Từ đó, ông Phạm Đình Nghị yêu cầu các huyện, thành phố trong tỉnh phải tập trung đẩy nhanh việc rà soát, thống kê các đối tượng hỗ trợ, xác định chính xác đối tượng hỗ trợ. Đối với các huyện, thành phố chưa hoàn thành việc lập danh sách, thẩm định đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ cần tập trung hoàn thành, trình UBND tỉnh trước ngày 25/5/2020.
Đồng thời phải kiểm điểm, chấn chỉnh kịp thời việc triển khai chậm của tập thể, cá nhân liên quan. UBND các huyện, thành phố phải chỉ đạo thực hiện kịp thời việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng ngay khi UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ. Trong đó, việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội phải hoàn thành trong tháng 5/2020...