Trong họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và định hướng điều hành 6 tháng cuối năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra mới đây cho thấy, NHNN đã và đang có các chính sách hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong đại dịch.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân. Đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%).
Đặc biệt, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Theo đó, những quy định tại Thông tư 03 đã hỗ trợ được nhiều khách hàng (doanh nghiệp) hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất - kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các NHTM, từ đó NHTM có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục các khó khăn do tác động của dịch Covid-19, theo đó, các TCTD sẽ đưa ra phương án hỗ trợ khách hàng cụ thể, kịp thời hơn.
Với sự triển khai tích cực của các TCTD, đến ngày 31/5/2021, các TCTD đã thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) (đến 31/5/2021) đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.052.262 khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng.
Còn, trong cuộc họp thảo luận vào báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đối với gói hỗ trợ Covid -19 cho người lao động, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách. Thứ nhất là giảm thuế, giãn hoãn thuế đến 31/12/2022. Thứ hai là phụ cấp đặc thù cho cán bộ y tế trực tiếp tiêm vaccine, rồi chính sách về đóng góp vào quỹ vaccine được tinh giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá điện, tiền ăn cho trẻ em trong khu cách ly, rồi hỗ trợ cho người lao động, hỗ trợ xét nghiệm Covid và đặc biệt là tiêm chủng vaccine cho toàn dân, đây là quyết sách của Bộ Chính trị và Chính phủ đang triển khai quyết liệt.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo ngại khi con số doanh nghiệp rời bỏ thị trường và tạm ngừng hoạt động tăng cao trong 5 tháng đầu năm với mức tăng lần lượt là 20,7% và 23%. Đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư đang như một cơn bão mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế và khiến nhiều doanh nghiệp lao đao khi không có dòng tiền trả nợ; có khả năng những doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể này không thể cầm cự lâu hơn nữa, đối diện nguy cơ có thể bị siết nợ. Vì vậy, “chia lửa” cùng khách hàng, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp là điều Nhà nước đang cần tính đến lúc này.
Trong văn bản ban hành đầu tháng 6/2021, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của Covid-19. Trong đó, yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất cho vay và thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng khác. Tiết giảm chi phí để giảm lãi suất vay, hỗ trợ khách hàng trong đó có nhiều khách hàng doanh nghiệp, hộ kinh doanh là việc làm đúng, chỉ đạo đúng. Nhưng đó cũng chỉ là một biện pháp trong các biện pháp tổng thể.
Nếu nhìn ở góc độ kinh tế, thì quan tâm tới sự sống còn của doanh nghiệp chính là quan tâm tới sự sống còn của nền kinh tế. Nói như ủy viên Ủy ban Kinh tế Hoàng Văn Cường thì “cứu trợ doanh nghiệp như cứu người”.
Điều đó không sai, doanh nghiệp trụ vững qua dịch bệnh thì có thể “bắt tay” liên kết với nhau để hình thành chuỗi sản xuất theo mô hình làm ăn kiểu mới và có cơ hội để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, quan tâm tới xây dựng môi trường kinh doanh mới, đầu tư cho các ngành kinh tế mũi nhọn và các doanh nghiệp để đứng vững trước sóng cả là điều không cần bàn cãi. Doanh nghiệp khỏe, nền kinh tế khỏe, ta mới có nội lực “chiến đấu” với Covid-19.
Đã nói về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp có lẽ cũng cần nói rõ thêm, muốn làm được việc này ta phải đánh giá được gói hỗ trợ vừa qua một cách khách quan làm sao để từ những gì là thành công và những gì còn tồn tại đề xuất giải pháp mới hỗ trợ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Muốn thế, cần tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp hơn nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn đối với đúng các đối tượng được thụ hưởng. Chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.