Dù trực tiếp đi khảo sát và biết rõ các quy định về tài chính và quy trình đấu thầu, nhưng một số cán bộ tại Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh (hiện đã mất chức) vẫn “nhắm mắt” ký duyệt các hạng mục sửa chữa tại 7 công trình trường học, gây thất thoát, lãng phí số tiền hơn 17 tỷ đồng.
Vụ việc được làm sáng tỏ, phanh phui nhiều đồng phạm liên quan khi Cơ quan CSĐT - Công an TP HCM lần lượt khởi tố bắt thêm bị can, đồng thời hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan trực tiếp đến bà Lê Thị Thanh Tuyền - nguyên Chánh thanh tra Sở Tài chính TP HCM (trong giai đoạn là Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND huyện Củ Chi).
Đồng phạm trong vụ án bị đề nghị truy tố mới đây là bà Lê Vũ Hồng Hạnh (44 tuổi, trú tại huyện Củ Chi) - nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV XDTM Xuất nhập khẩu Đông Phương (gọi tắt là Công ty Đông Phương) cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trong vụ án này, nhiều bị can khác cũng đã bị đề nghị truy tố cùng tội danh, gồm ông Phan Văn Duyệt- Phó GĐ Công ty Đông Phương; Phan Văn Bình Tâm- Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Tâm Phú Tài (em trai của Duyệt) và bà Nguyễn Thị Loan - nguyên Trưởng phòng GD huyện Củ Chi.
Kết luận điều tra bổ sung xác định quá trình thực hiện sửa chữa tại 7 công trình trường học trên địa bàn huyện Củ Chi đều xảy ra các vi phạm gây thất thoát, lãng phí. Tại các công trình này, những cán bộ, cơ quan liên quan đã không thực hiện theo đúng quy định về tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng công trình; không lập và trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt “Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng”, kế hoạch đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.
Trong đó, bị can Nguyễn Thị Loan - nguyên Trưởng phòng GD huyện Củ Chi chỉ căn cứ tờ trình đề xuất nhu cầu sửa chữa của các trường học và bản tổng hợp danh sách các trường với nội dung đề nghị sửa chữa. Sau đó, căn cứ khái toán do ông Phan Văn Duyệt gửi cho Phòng GD huyện Củ Chi để lập danh mục, kế hoạch sửa chữa; kế đó gửi Phòng Tài chính huyện này thẩm định để trình Thường trực UBND huyện phê duyệt. Khi kế hoạch được duyệt, Phòng GD huyện Củ Chi ra quyết định giao dự toán kinh phí đối với các trường học để hiệu trưởng các trường này tổ chức thực hiện mà không qua khâu lập hồ sơ đấu thầu theo quy định.
Theo kết luận điều tra bổ sung, việc phân bổ kinh phí sửa chữa cho 7 trường học tại huyện Củ Chi được chia thành 64 hạng mục, với mỗi hạng mục có kinh phí dưới 500 triệu đồng. Tổng số tiền kinh phí là 26,639 tỷ đồng (đã nghiệm thu). Qua đối chiếu, những sai phạm trong việc làm sai quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đã gây thất thoát, lãng phí số tiền trên 17,763 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do đơn vị thiết kế gây ra ở giai đoạn khảo sát thiết kế và phê duyệt là gần 1,385 tỷ đồng và thiệt hại do các đơn vị thi công gây ra là 16,369 tỷ đồng.
Ngay từ giai đoạn điều tra, Công an TP HCM đã xác định đây là vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều bị can và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các đối tượng đã lợi dụng quyền hạn quản lý và cấp ngân sách, đã bỏ qua các khâu và quy định pháp luật giao cho chủ đầu tư không đảm bảo năng lực, tạo điều kiện cho một số cá nhân rút tiền từ ngân sách, gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách.
Bà Lê Thị Thanh Tuyền - nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài Chính TP HCM ở thời điểm còn là Trưởng phòng Tài chính huyện Củ Chi (2016) dù đã trực tiếp đi khảo sát các trường học cùng bà Nguyễn Thị Loan - Trưởng phòng GD huyện Củ Chi nhưng cũng làm ngơ để duyệt các hạng mục cần sửa chữa. Cơ quan điều tra xác định bà Tuyền nắm rõ các quy định về tài chính, đấu thầu nhưng vẫn thẩm định và trình duyệt danh mục, trong đó không yêu cầu các trường thực hiện các thủ tục đúng quy định.
Hậu quả là hầu hết các hạng mục đều được chia nhỏ để có dự toán giá trị dưới 500 triệu đồng nhằm không phải thông qua khâu đấu thầu. Ngoài bà Tuyền, các bị can Phan Văn Duyệt, Nguyễn Thị Loan đều có trách nhiệm về số tiền thất thoát ngân sách trên 17,7 tỷ đồng. Riêng ông Duyệt là người trực tiếp điều hành hoạt động sửa chữa 7 trường học trên địa bàn huyện Củ Chi, có vai trò xuyên suốt trong việc liên hệ, chuyển hồ sơ khái toán cho Phòng GD huyện, trực tiếp liên hệ với các trường để lập dự toán, thiết kế, thi công, thực hiện việc thi công sửa chữa và hoàn chỉnh thủ tục quyết toán, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng.
Đối với bà Lê Vũ Hồng Hạnh với vai trò là chủ sở hữu, người đại diện pháp luật và là Giám đốc công ty Đông Phương phải chịu trách nhiệm toàn bộ về các hồ sơ, thủ tục chứng từ đã ký liên quan đến việc sửa chữa các công trình tại 7 trường học. Đến nay, sau khi thanh tra phát hiện vụ sai phạm, bà Hạnh đã tích cực khắc phục hậu quả, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ vụ án.
Như đã thông tin, vụ án từng được khởi tố vào năm 2018 nhưng sau đó phải tạm đình chỉ do hết thời hạn điều tra mà vẫn chưa có kết luận giám định của Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng. Vụ án được Công an TP HCM phục hồi điều tra từ năm 2020.