Hội nghị Quốc tế về Biến đổi Khí hậu- COP21 tổ chức ở Paris (Pháp) lần này đóng vai trò hết sức quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn hiện tượng ấm lên toàn cầu. Thế nhưng ngay từ những buổi đầu tiên, sự chia rẽ trong các vòng đàm phán đã thể hiện rất rõ ràng, cho dù giới lãnh đạo thế giới có mô tả nó tích cực như thế nào đi chăng nữa.
Ảnh minh họa.
Bất đồng từ những ngày đầu
Từ trước đó, các nước tham gia hội nghị đã đặt mục tiêu ký kết một thỏa thuận chung, trong đó đưa ra biện pháp hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo để giúp họ cắt giảm lượng khí thải và đối phó với ảnh hưởng từ hiện tượng thời tiết cực đoan. Hội nghị cũng đặt mục tiêu hạn chế lượng khí thải toàn cầu, dự kiến sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2020, khi các cam kết hiện tại đã hết hạn.
Mục tiêu dài hạn mà hội nghị này đặt ra là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới mức 2 độ C, cho đến cuối thế kỷ.
Tuy nhiên, trong một tín hiệu mà nhiều quốc gia nghèo đưa ra, họ mong muốn có một con số tham vọng hơn. Trong ngày 30-11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đưa ra tín hiệu sẽ cùng lãnh đạo 42 quốc gia khác ký kết một tuyên bố chung thúc giục LHQ đưa ra mức hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C.
Diễn đàn các nước dễ bị tác động bởi khí hậu (CVF), trong đó gồm các nước Philippines, Bangladesh và Costa Rica, dường như bất đồng quan điểm với nhóm G77 đại diện cho ý kiến của hầu hết các quốc gia đang phát triển.
“Chúng tôi là các nước sẽ phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Chúng tôi thuộc nhóm đa số: 106 trên tổng số 195 quốc gia mong muốn mức hạn chế 1,5 độ C. Thế nhưng đây lại là trò chơi quyền lực và sức mạnh lại không ở phía chúng tôi” - người phát ngôn CVF Saleemul Huq nói.
Một vấn đề nữa làm nóng hội nghị lần này chính là thỏa thuận đạt được từ Hội nghị COP20 ở Peru hồi năm ngoái, trong đó các nước giàu sẽ phải hỗ trợ 100 tỷ mỗi năm cho các nước đang phát triển, từ nay đến năm 2020. Với tư cách là nước chủ nhà của COP 21, Pháp cũng đã từng khẳng định rằng, việc cam kết đủ 100 tỷ USD là một điều kiện quyết định cho thành công của hội nghị năm nay. Thế nhưng đến nay, mức cam kết đóng góp của các nước giàu cũng chỉ đạt có hơn 75 tỷ USD.
Việc COP21 có đạt được mục tiêu 2 độ C và 100 tỷ USD hay không sẽ còn chờ đợi đến khi hội nghị kết thúc, trong khi những phiên thảo luận vẫn đang diễn ra một cách căng thẳng.
Đằng sau những cam kết giảm thải
“Chúng tôi như đang trong một chiến trận, và chúng tôi sẽ thua. Điều này không nên xảy ra với bất kỳ ai khác nữa”- Tổng thống Kiribati, ông Anote Tong, nói.
Vị lãnh đạo này trước đó đã kêu gọi xây dựng một thỏa thuận có ràng buộc về mặt pháp lý cùng một biên bản ghi nhớ về việc khai thác than. Thế nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng điều này đã quá muộn đối với người dân nước ông, trong bối cảnh họ đang phải tổ chức đi sơ tán những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trên đảo san hô của mình.
Trở lại Hội nghị COP 21, nơi các nhà lãnh đạo thế giới dù chỉ được quy định vỏn vẹn 3 phút mỗi người để phát biểu nhưng hầu hết đều phát biểu quá thời gian này; và nhiều người vẫn tự hỏi tại sao tiến trình đàm phán về biến đổi khí hậu đã kéo dài suốt 20 năm qua. Từng nhà lãnh đạo vẫn đưa ra những tuyên bố tương tự nhau: Biến đổi khí hậu là thách thức lớn, chỉ có sự hợp tác toàn cầu mới có thể giải quyết nó, và quốc gia của tôi đang làm tốt việc này…
Thế nhưng đằng sau những mỹ từ đó lại là sự chia rẽ từ bên trong hội nghị.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, người luôn kêu gọi hành động mạnh mẽ để đối phó với biến đổi khí hậu, thì lại chưa thể đưa ra những quyết định cụ thể. Và những cam kết mà ông nêu ra về thỏa thuận ở COP21 lại không phải một cam kết mang tính ràng buộc về mặt pháp lý; điều này là do ông Obama thừa hiểu rằng ông không thể ký kết một thỏa thuận mà gần như chắc chắn sẽ bị chặn lại ở Thượng viện Mỹ.
Còn rất nhiều nhà lãnh đạo khác cũng từng nhấn mạnh về sự cần thiết của một thỏa thuận ràng buộc về phát lý- như Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sau khi giải thích nước Nga đã cố gắng vừa phát triển kinh tế vừa giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ra sao, ông đã kêu gọi ký kết một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý mà trong đó giúp mức tăng nhiệt độ toàn cầu hạn chế ở 2 độ C.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi một thỏa thuận mạnh mẽ như vậy. Nhưng ông cũng đưa ra một số câu nói ám chỉ rằng việc thực hiện thỏa thuận đó sẽ không dễ dàng gì. Ông Tập, cũng giống như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đều muốn các quốc gia giàu hơn phải làm nhiều hơn họ trong việc cắt giảm lượng phát thải CO2 và đưa ra các khoản tiền hỗ trợ tài chính khổng lồ.
Nghịch lý ở đây là rất rõ ràng: 60-65% lượng phát thải đến từ các quốc gia đang phát triển, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ lại nói rằng các quốc gia giàu hơn cần phải mang vác trách nhiệm lịch sử này.
Chia rẽ và chia rẽ
Cuối cùng, nhiều người cho rằng thực chất của các vòng đàm phán biến đổi khí hậu chính bản thân nó không thể giúp ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các vòng đàm phán này không được thiết kế để làm điều đó. Mục tiêu chính của nó là rõ ràng: Tạo động lực và vạch ra một cấu truc cho các nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra trên khắp thế giới nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đó là lý do tại sao rất nhiều người trên thế giới cho rằng một thỏa thuận đến từ COP21 mang ý nghĩa lịch sử, trong khi nhiều người khác lại cho rằng nó là một sự thất vọng to lớn.
Các vòng đàm phán ở Paris cũng thực sự khác biệt so với các hội nghị biến đổi khí hậu trước đó, khi các nhà đàm phán cố gắng vạch ra một thỏa thuận ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm như thế nào lại do chính một quốc gia tự quy định, tuyên bố.
Hãy nhìn những gì đã từng xảy ra ở hội nghị Kyoto năm 1997. Đó thực sự là một kế hoạch lớn nhằm cứu rỗi thế giới. Nhưng nó đã thất bại sau khi Thượng viện Mỹ từ chối thực thi Nghị định thư Kyoto. Canada sau đó cũng thoái lui, và đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ thì chưa từng cam kết cắt giảm lượng phát thải. Hậu quả là lượng phát thải tăng ngùn ngụt trong các năm sau khi Nghị định thư Kyoto được ký kết.
Một điều được rút ra ở đây là, một hiệp ước của LHQ sẽ không thể buộc các quốc gia phải thay đổi hệ thống năng lượng của họ, điều mà chính bản thân các nước này cũng không mong muốn gì. Bởi vậy mà trong lần đàm phán này, LHQ đã để các quốc gia tự lựa chọn mức giảm phát thải mà họ sẽ cam kết, tùy theo tình hình nội địa mỗi nước.
Đương nhiên đây là một thay đổi rất tích cực, nhưng lại mang theo một mặt trái không thể khắc phục nổi: Mức độ giảm phát mỗi nước đưa ra không đồng đều, và khiến các nước còn lại không hài lòng. Xét cho cùng thì sự chia rẽ trong các vòng đàm phán ở Paris là rất rõ ràng, dù cho các lãnh đạo thế giới có đưa ra những lời mô tả đẹp đẽ về nó.